Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa trình Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông. Đề án được "đặt hàng" Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe tại Sài Gòn.
Nếu đề án được thông qua, thành phố sẽ hạn chế và tiến tới cấm môtô, xe máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm như: quận 1, 3, 5, 10, Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm... vào giai đoạn 2025-2030.
"Sắp tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức phản biện, sau đó UBND thành phố sẽ trình Thường trực Thành ủy. Ngoài ra, một số nội dung phải thông qua HĐND do liên quan đến phí", lãnh đạo Sở GTVT cho biết.
Đường phố Sài Gòn ken đặc ôtô, xe máy giờ cao điểm. Ảnh:Hữu Khoa. |
Đề án đưa ra 36 giải pháp sắp xếp theo nhóm, thứ tự ưu tiên kèm trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện.
Trong đó, đưa ra một loạt giải pháp để kiểm soát phương tiện cá nhân như: thu phí ôtô vào nội đô thông qua việc bổ sung phí ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí - làm cơ sở thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô, xe máy từ đó quy định vùng hoạt động của các loại phương tiện và thu phí môi trường.
TP HCM cũng hạn chế lượng ôtô đăng ký mới, xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình; rà soát chủng loại xe máy để đề xuất biện pháp xử lý xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca nhằm giảm bớt lưu lượng giao thông giờ cao điểm...
Việc hạn chế lưu thông môtô, xe máy sẽ được thực hiện theo lộ trình. Đầu tiên là ở trung tâm thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Sau đó mở rộng ra các khu vực lân cận khi hạ tầng giao thông và giao thông cộng cộng đã phát triển tiệm cận các điều kiện.
Theo đề án, phát triển VTHKCC là điều kiện để hạn chế xe cá nhân. Việc này cần triển khai đồng bộ với các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (ôtô con, môtô, xe máy 2-3 bánh).
"Tuy nhiên, đề án cũng khẳng định việc hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cá nhân là cần thiết và chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", đại diện Sở GTVT nói thêm.
Các điều kiện phải đạt được trước khi thành phố hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân là: hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ máy, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe máy điện công cộng để kết nối với hoạt động vận tải hành khách công cộng, cự ly tiếp cận trung bình của hành khách dưới 500 m.
Đề án được thực hiện theo 3 giai đoạn: từ nay đến 2020, 2021-2025 và 2026-2030. Các nhóm giải pháp được đề xuất theo nguyên tắc "kéo - đẩy", tức là kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh hành khách tham gia phương tiện công cộng, đảm bảo hai nhóm giải pháp có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất.
Đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố phải đạt từ 29,3 đến 36,8%. Khi tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng tăng thì tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân giảm tương ứng.
Dự kiến, để thực hiện đề án, nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt - khoảng 52.550 tỷ đồng. Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA sẽ phát triển các tuyến vận tải hành hành khách khối lượng lớn, hệ thống thu phí ôtô cá nhân vào trung tâm... khoảng 323.000 tỷ đồng.