Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội thảo Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương 2013 |
Chiều 27/11, tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, trong top dẫn đầu còn có các tỉnh: Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Thừa Thiên Huế. Trong khi đó, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng lần lượt ở vị trí cuối cùng.
Tại bảng đánh giá lần này, nhóm nghiên cứu cũng chia 63 tỉnh, thành phố thành 4 nhóm chính bao gồm: nhóm Duy trì, nhóm Phát triển, nhóm Giảm hạng và nhóm Chưa có dữ liệu đối sánh.
Cụ thể, top đầu trong nhóm Duy trì thuộc về các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. Nhóm Phát triển gồm những địa phương đã có bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng như Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị...
Nhóm Giảm hạng lại là những địa phương chưa tận dụng và khai thác hiệu quả nhất những lợi thế của địa phương mình, gồm Cà Mau, Bến Tre, Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng...
Báo cáo cũng chỉ ra 8 yếu tố cần thiết để đánh giá năng lực hội nhập kinh tế, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm tự nhiên, con người, thương mại, đầu tư và du lịch.
Về thương mại, ngoài Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lọt vào danh sách có kim ngạch trao đổi hàng hóa tốt, tiếp đến là An Giang, Kiên Giang...
Xét về đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngược lại, An Giang và Long An là hai địa phương tụt hạng trong bảng xếp hạng.
Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc xếp thứ hạng cao thấp không phải là mục tiêu chính, không nhằm để các địa phương ganh đua nhau mà chỉ số này cùng các tiêu chí của nó là thông số tổng hợp đáng tin cậy để các địa phương tham khảo, đánh giá đúng tiềm năng lợi thế của địa phương mình trong xây dựng và điều chỉnh chính sách hội nhập.
Mục tiêu chính mà báo cáo hướng tới là cố gắng đưa ra một công cụ nhằm xác định được mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi địa phương trong tổng thể nền kinh tế hội nhập đang ngày một sâu rộng hiện nay của nước ta, cụ thể hơn đó là những tác động của hội nhập đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân, xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực cho hội nhập và phát triển bền vững.
Tại buổi hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, bản báo cáo Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương là một công cụ cần thiết, giúp cho các địa phương thấy rõ được tiến trình hội nhập và lợi thế của địa phương trong từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, việc đánh giá chỉ là một công cụ tham khảo và cần làm rõ thêm các tiêu chí về vùng miền, lợi thế cạnh tranh vì không nhất thiết địa phương nào cũng phải hội nhập hoặc cần phải đi theo hướng công nghiệp hóa.
"Sau khi công bố bản báo cáo cần phải lộn về địa phương để hỗ trợ xem các tỉnh thiếu cái gì, lĩnh vực nào cần bổ sung và hướng đi thế nào cho phù hợp... tránh gây tâm lý hoang mang khi bị tụt hạng", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) có nhiều điểm khác biệt với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nếu như chỉ số PCI cho thấy năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh với các chính sách của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thì chỉ số PEII cho thấy mối quan hệ giữa điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân.
Theo các chuyên gia, kết quả của báo cáo có thể là nguồn tham khảo tốt cho các địa phương trong việc đưa ra các lựa chọn chính sách hội nhập và phát triển cho mình trên cơ sở năng lực hiện có.
Theo TTXVN