TP Đà Nẵng: Cảnh báo tình trạng "tạo sóng" sốt đất ảo ở vùng nông thôn

GD&TĐ - Thủ đoạn của các nhóm người này là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo để trục lợi...

Tại bộ phận một cửa thuộc UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hàng trăm người đến để nộp hồ sơ làm các thủ tục liên quan về đất đai như chuyển nhượng, cấp đổi và xóa thế chấp.
Tại bộ phận một cửa thuộc UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hàng trăm người đến để nộp hồ sơ làm các thủ tục liên quan về đất đai như chuyển nhượng, cấp đổi và xóa thế chấp.

Ngày 7/4, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng đã phát đi văn bản cảnh báo sốt đất ảo xảy ra ở vùng nông thôn để trục lợi.

Theo Sở TN&MT, thời gian gần đây, tại huyện Hòa Vang xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo nhằm mục đích trục lợi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Cụ thể, các nhóm người này đã tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu thì không quá nhiều. Trong khi đó, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần, điều đáng nói là trong số này chủ yếu là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.

Đồng thời, quy định của pháp luật đất đai hiện hành về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa có sự thay đổi.

Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay, thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu. Mục đích của thủ đoạn này nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau, với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi từ việc mua bán đất đai.

Nhưng thực tế, nhu cầu sử dụng đất ở hay đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện này không nhiều, dẫn đến việc người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá đất rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch. Trong đó có không ít người dân địa phương thậm chí bán đất đi với giá thấp rồi mua lại đất khác, có khi mua lại chính lô đất mình đã bán đi với giá cao hơn vì nghĩ sẽ kiếm được tiền chênh lệch khi giá đất tăng lên từng ngày. 

Sau thời gian ngắn bằng nhiều chiêu trò để tạo cơn sốt ảo, nhóm người này rút lui khỏi địa bàn thì giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực tế. Kết quả là chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua, thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán cắt lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bản kiếm lời, dẫn đến hậu quả lặp lại là "tiền mất, tật mang".

Chính vì vậy, Sở TN&MT TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò nêu trên để tránh phải gánh lấy hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Trước đó, lên tục trong 2 ngày 4 và 5/4, tại bộ phận một cửa thuộc UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hàng trăm người đến để nộp hồ sơ làm các thủ tục liên quan về đất đai như chuyển nhượng, cấp đổi và xóa thế chấp. Nhiều người đi bốc số từ sáng hôm trước nhưng chờ đến hết ngày vẫn chưa đến lượt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ