"Tốt nghiệp" lớp 1 trước khi vào Tiểu học: Lợi bất cập hại!

GD&TĐ - Nhiều trường tiểu học đã phải tổ chức khảo sát học sinh lớp Một ngay từ đầu năm học để phân loại mức độ thành thạo đọc, viết của HS. Và kết quả khảo sát của không ít trường là có không dưới 90% em đã đọc thông viết thạo. Điều này gây không ít khó khăn cho GV đứng lớp bởi nhàn về dạy chữ thì lại rất khó khăn trong duy trì kỷ luật bởi những gì GV dạy thì HS đã biết trước rồi.

"Tốt nghiệp" lớp 1 trước khi vào Tiểu học: Lợi bất cập hại!

Trước số 1 không phải là số 0

Theo lời giới thiệu của mấy phụ huynh có con học lớp 1 ở những khóa trước, chúng tôi tìm đến nhà cô giáo Th. - giáo viên một trường tiểu học đã nghỉ hưu, nằm trên đường Lê Cơ (Đà Nẵng). Dù mới đầu tháng 6, nhưng theo như cô Th. cho biết, ca buổi sáng đã kín hết chỗ, chỉ còn ca buổi chiều, học từ 1h30 đến 4h30 là còn chỗ nên nếu muốn chuyển sang học buổi chiều thì cô sẽ nhận vào lớp. Được biết, trong năm học, cô Th. cũng mở lớp dạy chữ cho những bé 5 tuổi. “Có những phụ huynh không cho con học chương trình 5 tuổi ở trường mầm non mà gửi đến đây học chữ ngay từ tháng 9 của năm trước và học suốt trong cả năm học. Cô cũng có nhận bán trú nên chi phí gần như học ở trường mầm non, mà cháu lại được học chữ sớm, sau này đỡ bỡ ngỡ khi vào lớp 1” – cô cho biết.

Lớp học “chuẩn bị vào lớp 1” của cô V., giáo viên Trường Tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) cũng đã gần như kín chỗ. Theo như cô V. cho biết, dù là lớp học làm quen với chương trình lớp 1 nhưng các bé hầu như đã biết cộng trừ trong phạm vi 10, biết đọc và viết hết bảng chữ cái nên “đi học thêm thế này chủ yếu để cô chỉnh lại cách cầm bút, tư thế ngồi, học vần ghép, đánh vần để đọc sách”! Có lẽ vì vậy mà chị Thu Hoa – một phụ huynh, rất sốc khi ngày đầu cho con theo học trước chương trình lớp 1 ở một cô giáo có tiếng mà “khó khăn lắm mới xin cho con được một suất học” đã nghe cô giáo nhận xét: “Con chị chưa biết gì cả, về nhà mẹ phải kèm thêm chứ không là không theo kịp các bạn ở đây”. Ngay buổi học đầu tiên, để kiểm tra “đầu vào” của lớp, cô giáo bảo các bé mở bài số 20 trong sách Tiếng Việt lớp 1 để cô kiểm tra, nhiều bé biết, nhưng cũng có những bé như con chị Thu Hoa, ngay cả mở bài số 20 cũng không biết chứ đừng nói đến đọc mặt chữ. Chị Hoa lẳng lặng rút lui, nhưng vẫn kiên trì tìm lớp học khác để cho con học trước chương trình lớp 1.

Chị Thu Hương – một phụ huynh khác, cũng đứng ngồi không yên khi con mới học lớp “dự bị lớp 1” chưa đầy tuần, cô giáo đã nhận xét: “Cháu dại quá, học lại chậm, còn chưa biết xác định khoảng cách giữa các chữ. Nếu biết trước cháu chưa biết gì cả thế này thì cô không nhận đâu, cô phải kèm cho một mình bạn mất thời gian quá”. Nhìn quyển vở tập viết “chễm chệ” ngay trang đầu con điểm 1 đỏ chót của con, chị Hương ngậm ngùi nghĩ: “Không biết dấu ấn “điểm 1” có dần mờ phai trong tâm trí con hay không. Con không biết gì mới phải đi học dự bị lớp 1, chứ biết gì thì đã cho ở nhà”.

Giờ thì phong trào cho con đi học dự bị lớp 1 từ khi đang ở tuổi mẫu giáo đã không chỉ dừng lại ở các đô thị, thành phố mà còn lan sang cả nông thôn. Thế nên, không cứ đến tuổi thì trẻ mới được vào lớp 1 nữa rồi. Có rất nhiều bé đã có thể “tốt nghiệp lớp 1” từ trước khi bước chân vào trường Tiểu học, thông thạo cả tính nhanh, đọc vanh vách tiếng Anh.

Còn 9 tháng để học

Chị Thu Thủy – một phụ huynh, kể: Gia đình chị chủ trương không cho con học chữ trước, thế nên mùa hè chuẩn bị cho con vào lớp 1, chị chỉ tập trung làm công tác tâm lý cho con, như dành thời gian nói chuyện về ngôi trường mới, về những tình huống mà con phải tự lực khi không có cha mẹ bên cạnh, hướng dẫn con tự chăm lo cho bản thân như tự ăn, lấy nước uống, tự mặc áo quần đồng phục, tập cho con đi ngủ sớm hơn, dậy sớm hơn… “Thay vì cho con đi học chữ trước, mình cho cháu đi học vẽ để cổ tay cứng cáp hơn, sau này cầm bút sẽ không bị mỏi, rồi học bơi, học kể chuyện để tăng khả năng diễn đạt. Đến khi cháu vào lớp 1, mình xác định sẽ là cuộc đua thực sự của cả mẹ và con vì trong lớp chỉ có cháu và một bạn nữa là chưa biết gì ngoài nhận diện chữ cái và số, các bạn còn lại đều đọc thông viết thạo. Nhưng cũng áp lực ghê lắm khi tuần nào cô giáo cũng gọi điện nhắc nhở phụ huynh vì cháu chậm, viết chữ xấu… sẽ ảnh hưởng thành tích học tập của lớp” – chị Thủy kể.

Đổi lại, tối nào mẹ cũng học bài cùng con, điều mẹ yên tâm nhất là con luôn tò mò, hứng thú trước mỗi bài học mới vì cái gì cũng đều mới mẻ đối với con. “Và khi hết học kỳ I thì cháu đuổi kịp các bạn trong lớp, cô giáo thôi không còn phàn nàn về cháu nữa, chữ cháu cũng đỡ xấu hơn”. Và chị Thủy rút ra kết luận: Cho con đi học trước chữ thì đúng là mẹ nhàn hơn thật, nhưng thực ra, đối với trẻ được học trước chữ, khi chính thức vào học chương trình lớp 1, buộc phải học lại những điều đã biết thì không khác gì trẻ bị “lưu ban”. Mà việc lưu ban này lại không phải do trẻ học yếu nên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, như lơ là, không tập trung, chủ quan…

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục cũng như cán bộ quản lý các trường tiểu học thì lý tưởng nhất về giáo dục lớp 1 là không cho trẻ học trước chữ mà hãy để trẻ vào lớp 1 trong sáng như “tờ giấy trắng” bởi cái gì lần đầu tiên tiếp xúc sẽ gây tò mò, hấp dẫn hơn với trẻ. Thế nhưng, có GV đã hài hước nói rằng, đã là giấy trắng thì phải trắng hết, đằng này giấy trắng ít quá mà giấy màu lại nhiều, lại còn nhiều màu khác nhau nên GV lớp 1 thành ra tưởng nhàn trong dạy chữ mà lại gặp khó khăn hơn nhiều. “Trong một lớp học, những em được cô giáo khen vì đã biết trước do được học trước sẽ sinh ra tính tự kiêu, còn những em chưa học thì sẽ rất tự ti. Nếu các em có cùng một xuất phát điểm giống nhau thì không có hiện tượng này” - cô giáo này nhận xét.

Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Đà Nẵng) cho biết: “Với trường hợp những HS tiếp thu chậm, chưa học qua chương trình hoặc có vấn đề về học, ban giám hiệu chúng tôi biết GV rất vất vả để các em theo kịp bài vở, không bị hổng kiến thức. Và thường thì chúng tôi động viên GV đừng vội nản lòng, bởi “nếu mình chưa nỗ lực thì làm sao biết được khả năng tiếp thu của các em đến đâu. Các em còn đến 9 tháng để học cơ mà”!

Theo cô Nguyễn Thị Như Quỳ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, (Đà Nẵng) thì trước khi trẻ vào lớp 1, phụ huynh cần chú trọng đến khả năng làm chủ tiếng Việt của trẻ. Trẻ phải nói năng lưu loát, có thể kể được những câu chuyện ngắn, tỏ ra tự tin khi trò chuyện với người lớn. “Phụ huynh nhất thiết phải rèn luyện cho trẻ khả năng thích ứng học đường bao gồm các kỹ năng như sự chủ động, tự tin, dễ hòa nhập, thích thú đến trường… Điều này, ở một mức độ nào đó, chương trình trẻ 5 tuổi ở các trường mầm non cũng đã có sự chuẩn bị cho các cháu ít nhiều. Các bậc cha mẹ nên cho trẻ tham gia các lớp học kể chuyện, học nhạc, múa, vẽ, các hoạt động dã ngoại, khám phá thiên nhiên để phát triển trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng xã hội, hình thành tính chủ động, độc lập, tự tin... Như vậy có lợi hơn cho trẻ rất nhiều so với việc luyện chữ hay học trước chương trình lớp 1” – cô Quỳ khẳng định.

 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu quan điểm yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo chấm dứt ngay việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Hiện nay, Bộ đã có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1. Phòng giáo dục cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.