Tổng thống Putin nói về sức hút của BRICS, Pháp có hứng thú gia nhập?

GD&TĐ -Tổng thống Putin cho biết, có 34 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS cho thấy sức hút của khối nền kinh tế mới nổi.

Liệu Pháp có nên gia nhập khối BRICS?
Liệu Pháp có nên gia nhập khối BRICS?

Trong cuộc họp với các đại diện cấp cao các quốc gia BRICS về các vấn đề an ninh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, tổng cộng 34 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS dưới hình thức này hay hình thức khác.

"Hôm nay, hơn ba chục quốc gia, chính xác là hơn 34 quốc gia, đã bày tỏ mong muốn tham gia các hoạt động của hiệp hội của chúng tôi [BRICS] dưới hình thức này hay hình thức khác" - Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin cho hay.

Tổng thống Nga Putin cho biết kế hoạch của Nga khi làm chủ tịch BRICS đã hoàn thành hơn 70%.

"Khoảng 150 sự kiện, cuộc họp, diễn đàn ngành đã được tổ chức, hầu hết các cuộc họp chuyên gia và cấp bộ trưởng đã được tổ chức" - nhà lãnh đạo Nga khẳng định.

Với nhiệm kỳ chủ tịch BRICS 2024, Nga đặc biệt quan tâm vào việc nhanh chóng kết nạp các thành viên mới vào khối.

"Chức chủ tịch của chúng tôi được giao phó một nhiệm vụ đặc biệt — làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên mới hội nhập nhanh nhất và tự nhiên nhất vào tất cả các cơ chế BRICS" - ông Putin giải thích.

Về vấn đề an ninh trong khối BRICS, nhà lãnh đạo Nga khẳng định BRICS đã tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong việc ứng phó với các thách thức về an ninh, các mối đe dọa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, buôn bán vũ khí và ma túy bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia và di cư bất hợp pháp.

"Trong số các kết quả chung của các quốc gia BRICS, tôi muốn lưu ý đến việc tạo ra một sổ đăng ký điện tử đặc biệt để trao đổi dữ liệu về các cuộc tấn công và sự cố máy tính" - Tổng thống Nga nêu ý tưởng.

Việc ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến khối BRICS đã dấy lên sự chú ý của giới phân tích ở châu Âu.

Trong một bài đăng gần đây, cựu đại biểu nghị viện Châu Âu người Pháp, nhà phân tích địa chính trị Aymeric Chauprade đã chia sẻ quan điểm rằng, Paris nên cân nhắc gia nhập BRICS.

Ông cho rằng, việc Pháp gia nhập BRICS có thể ví như một sự trở lại với chủ trương truyền thống của mình về một thế giới đa cực.

Mới đầu, việc Pháp gia nhập BRICS có thể bất thường nhưng quốc gia này có đường lối truyền thống ủng hộ đa cực trong chính sách đối ngoại. Sau nhiệm kỳ tổng thống của Jacques Chirac, Pháp đã chuyển sang cách tiếp cận theo định hướng Mỹ hơn trên trường quốc tế.

"Tham gia BRICS là sự trở lại với chính sách tự nhiên của chúng tôi. Vì vậy, nó hoàn toàn tự nhiên, không phải là lạ. Và nó là thực tế, vì Pháp không chỉ là một quốc gia châu Âu.

Về mặt lãnh thổ, nó là một cường quốc toàn cầu. Chúng tôi có lãnh thổ ở Thái Bình Dương, ở Caribe, ở nhiều nơi. Chúng tôi có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới [theo nghĩa vùng đặc quyền kinh tế].

Chúng tôi tham gia diễn đàn Ấn Độ Dương [Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương], trong nhiều diễn đàn khu vực... Vì vậy, việc Pháp thuộc về Nam bán cầu, hay có thể nói, thuộc về BRICS, là điều hợp lý"- ông Chauprade nhận định.

Dẫu vậy, ông Chauprade cũng tin rằng, để làm được điều đó thì Paris cần thay đổi hoàn toàn ban lãnh đạo chính trị đương nhiệm.

"Pháp là một quốc gia quan trọng trên trường quốc tế và tôi tin rằng điều này có thể thay đổi hoàn toàn cục diện toàn cầu và thúc đẩy khả năng về một thế giới đa cực thực sự" - ông Chauprade kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các lớp học tại Pháp thường rơi vào tình trạng quá tải.

Vì sao giáo viên Pháp đồng loạt bỏ nghề?

GD&TĐ - Trước tình trạng lương thấp, sĩ số lớp học đông và nhu cầu đổi mới giáo dục ngày càng tăng, giáo viên Pháp đồng loạt bỏ việc với số lượng kỷ lục.