Tháng 6, Tổng thống Putin được tạp chí Forbes bình chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp, ông chủ Điện Kremlin đứng đầu danh sách của tạp chí danh tiếng này.
Năm 2013 được đánh giá là năm thành công của Tổng thống Putin trên cả hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Với chiến lược ngoại giao hiệu quả, ông đã thành công trong việc ứng phó với các các vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp, như vụ bê bối tình báo Edward Snowden, nguy cơ phương Tây can thiệp quân sự vào Syria và khủng hoảng chính trị Ukraine, góp phần nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng chính vấn đề Ukraine, đặc biệt là quyết định sáp nhập Crimea khiến năm 2014 là một năm đầy khó khăn, có cả mặt được lẫn mặt mất đối với ông Putin. "Nước Nga vừa trải qua một năm đầy khó khăn", ông chủ Điện Kremlin thừa nhận trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 4/12.
Đảm bảo an ninh chiến lược
Việc sáp nhập Crimea tạo ra vùng đệm an ninh chiến lược giữa Nga và NATO. Đồ họa: BBC |
"Crimea là vùng đất thiêng của Nga", Tổng thống Putin tuyên bố trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang. Đây là quan điểm nhất quán của ông chủ Điện Kremlin từ trước tới nay.
Theo bình luận viên Sarah Rainsford của BBC, tuyên bố của ông Putin cho thấy quan điểm không thay đổi của Moscow về tình hình Ukraine và rằng việc sáp nhập Crimea là quyết định sáng suốt.
Ukraine, với tổng diện tích 603.700 km2 và dân số hơn 45 triệu người, là quốc gia lớn nhất nằm giữa Nga và EU. Cho đến trước năm 1991, Ukraine vẫn là một nước thành viên thuộc Liên Xô, và chỉ trở thành quốc gia có chủ quyền độc lập sau khi siêu cường của mặt trận phía Đông tan rã.
Chính vì vậy, Nga và bản thân Tổng thống Putin lo ngại rằng, nếu Ukraine rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, điều này sẽ uy hiếp đến an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow, trong bối cảnh tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng khuếch trương về phía đông.
Về mặt địa chính trị, nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc tiếp quản Crimea, Nga có thể gây sức ép nhằm kiềm chế chính quyền Ukraine thân phương Tây tại Kiev thông qua Crimea. Theo Finacial Times, sau khi tiếp quản Crimea, Hạm đội Biển Đen sẽ được tăng cường sức mạnh và có thêm các căn cứ quân sự vững chắc. Crimea cũng trở thành vùng đệm an ninh chiến lược vững chắc giữa Nga và NATO.
Về mặt chiến lược, Nga có thể sẽ kết thúc kiểu quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa nước này và Mỹ trong 25 năm qua, mà Moscow luôn ở trong thế bị động. Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng tuyên bố: "Thế giới đơn cực đã kết thúc. Nước Nga đã nhận về mình trọng trách vô cùng to lớn".
Đối với cá nhân ông Putin, việc sáp nhập Crimea là một chiến thắng chính trị to lớn, với tỷ lệ ủng hộ trong nước tăng cao kỷ lục. Tỉ lệ ủng hộ trong nước tháng 6 với ông chủ Điện Kremlin đạt mức 85%. "Hình tượng cứng rắn của ông Putin đã một lần nữa được chứng minh, giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ người dân", Giáo sư Tôn Hưng Kiệt thuộc đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhận định.
Phương Tây cô lập
Tổng thống Vladimir Putin buộc phải rời khỏi Hội nghị G20 sớm, trước những áp lực từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Ảnh: Reuters |
Trong mắt giới lãnh đạo phương Tây, quyết định sáp nhập Crimea nói riêng và thái độ cứng rắn của ông Putin trên vấn đề Ukraine nói chung, mở ra một thời kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu không phải là một cuộc chiến tranh Lạnh mới, thì cũng sẽ là giai đoạn đối kháng Nga - phương Tây lâu dài, với quá trình hàn gắn xa vời.
"Trên trường quốc tế, Nga đã chứng minh được sức mạnh của mình, nhưng cũng tự cô lập mình, đặc biệt với các đối tác châu Âu và Mỹ", CBC dẫn lời Giáo sư chính trị học Aurelie Campana thuộc Đại học Laval bình luận.
Về mặt ngoại giao, các nước G8 tẩy chay hội nghị thường kỳ của khối vốn dự kiến tổ chức tại Sochi hồi tháng 6, rồi tuyên bố loại bỏ Moscow ra khỏi khối. Đây được coi là sự mở đầu cho một loạt hành động ngoại giao nhằm cô lập Nga của phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ.
Cao trào của chiến lược cô lập chính trị này diễn ra trên Hội nghị G20 tổ chức tại Australia hồi giữa tháng 11. Tổng thống Putin buộc phải rời hội nghị sớm với lý do chính thức là thiếu ngủ, mặc dù có thông tin cho rằng ông bỏ về trước khi hội nghị kết thúc do sự đón tiếp lạnh nhạt của chủ nhà và sức ép từ các lãnh đạo phương Tây.
Moscow dường như cũng đang đi vào bế tắc ngay cả trong quan hệ với Đức, quốc gia vốn có liên hệ kinh tế mật thiết và rất chần chừ trước các quyết định trừng phạt Nga. Phát biểu trước Viện Chính sách Lowy ở Australia hôm 17/11, Thủ tướng Angela Merkel cáo buộc Nga đang xem thường luật pháp quốc tế với "lối tư duy cũ kỹ" thiên về coi trọng tầm ảnh hưởng.
Về mặt kinh tế, Mỹ và EU không ngừng leo thang các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin. Điều này kết hợp với tình hình giá dầu không ngừng giảm trong những tháng qua khiến nền kinh tế Nga đối diện với nguy cơ khủng hoảng sâu rộng. Kinh tế Nga phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Từ đầu năm 2014 đến nay, đồng rúp đã mất giá 40% so với đồng USD. Tỷ lệ lạm phát đạt mức 9% và được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng cao. Lượng tiền vốn thất thoát ra nước ngoài lên đến 128 tỷ USD.
Dự báo mới nhất của Moscow cho thấy quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015. Theo số liệu của bộ Phát triển kinh tế Nga, nền kinh tế nước này có thể sẽ phát triển âm 0,8%, chứ không phải là tăng trưởng 1,2% như kế hoạch trước đó đề ra. Trong khi đó, con số phát triển âm mà các tổ chức đánh giá tư dự đoán lên đến 2%.
"Điều mà Tổng thống Putin e ngại nhất là tình hình kinh tế Nga, nhất là khi quốc gia này đang hứng chịu hai tầng áp lực là lệnh cấm vận của phương Tây và tình trạng sụt giảm của giá dầu thế giới", Financial Times dẫn lời bình luận của nhà phân tích Kirill Rogov thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Gaidar. "Uy thế trong nước của Tổng thống Putin đến từ cam kết của ông với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao".
Phá vòng vây
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Trước thế bao vây, cô lập của phương Tây trên cả hai lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, Tổng thống Putin đã có những bước đi chuyển hướng chiến lược quan trọng về phía đông.
Tháng 5, Công ty Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký kết bản hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Tháng 11, hai doanh nghiệp này đạt thỏa thuận hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới ở Siberia. Đường ống này dự kiến sẽ chạy dọc dãy núi Altai, qua Kazakhstan và Mông Cổ, nối thẳng vào đường dẫn khí Tây - Đông của Trung Quốc.
Đối với chính phủ của Tổng thống Putin, các thỏa thuận hợp tác năng lượng trên có ý nghĩa kinh tế chính trị quan trọng, nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga với thị trường châu Âu, nhất là khi Moscow đang trong thế bị cô lập.
"Nếu như châu Âu chèn ép mạnh các công ty năng lượng của Nga, Moscow vẫn có nguồn thu đảm bảo từ các mỏ dầu ở vùng Siberia", New York Times dẫn lời Phó giáo sư Yan Vaslavski thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow, cho biết.
Quan hệ hợp tác chiến lược Nga - Trung không chỉ dừng ở lĩnh vực năng lượng, mà còn mở rộng sang cả các lĩnh vực an ninh và quân sự. Bắc Kinh và Moscow đều nhận ra những lợi thế của việc tăng cường hợp tác trong thời điểm này. "Hai nước muốn cùng nhau làm suy giảm sức ảnh hưởng của Mỹ, từ đó mở ra không gian kinh tế, chiến lược rộng lớn hơn", bình luận viên Brian Spegele thuộc tờ Wall Street Journal nhận định.
Theo đó, hai nước đang lên kế hoạch tổ chức tập trận hải quân chung quy mô lớn ở Địa Trung Hải và Thái Bình Dương vào năm sau. Một số nhà phân tích nhận định rằng một hiệp ước quân sự chung ngày càng trở nên hấp dẫn với hai bên, nhất là trong bối cảnh Nga cần tìm kiếm một đồng minh quân sự để đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng hợp tác quân sự Nga - Trung vẫn còn lâu mới đến mức có thể trở thành "NATO của phương Đông", bởi mối quan hệ cạnh tranh chiến lược tự nhiên giữa hai nước, nay tạm thời lắng xuống do nhu cầu sách lược trước mắt.
"Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc bởi Moscow tin rằng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc mang lại cho Nga đòn bẩy lớn hơn trong các cuộc đàm phán với phương Tây", tiến sỹ Christopher Miller thuộc Đại học Yale bình luận.