Hờ hững bề mặt
Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo của Nhà Trắng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert McMaster cho hay thực ra cuộc gặp với Tổng thống Nga V. Putin, nếu diễn ra, cũng sẽ như những cuộc gặp bình thường khác của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, trong đó có những cuộc gặp đã được lên lịch như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo Reuters dẫn lời Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Gary Cohn, chưa có chương trình nghị sự cụ thể nào đối với cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Thay vào đó hai vị nguyên thủ sẽ nói về bất cứ điều gì họ muốn. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang hoàn tất lịch trình nên nội dung các cuộc gặp chưa được đề ra”.
Trong khi đó, cố vấn McMaster nói với báo giới rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu các quan chức phối hợp với các bộ ngành để chuẩn bị ba nội dung gồm đối phó với các hành vi mà ông gán cho Nga liên quan đến tấn công mạng, tác động chính trị ở châu Âu và vùng Balkan; ngăn chặn để không xảy ra xung đột với Nga; đồng thời tăng cường hợp tác vì lợi ích đôi bên.
Trước đó, báo chí quốc tế cũng nhiều lần đưa tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn bày tỏ thiện chí về một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, đồng thời bác bỏ cáo buộc ông Trump thông đồng với Moscow. Tuy vậy, trong họp báo gần đây, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, khẳng định chưa có sự chuẩn bị nào cho một cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo.
Sốt ruột trong lòng
Dù muốn hay không, thực tế Hội nghị G20 tới đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga, kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, dù trước đó đã nhiều lần ông tuyên bố muốn cải thiện quan hệ hai nước.
Ngay từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, truyền thông nước này, song song với cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, cũng đã dẫn nhiều nguồn tin đồn đoán hai nhà lãnh đạo sẽ sớm gặp nhau ở Slovenia, quê hương của đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, nhưng sự kiện đó không diễn ra.
Cuộc gặp lần này được giới quan sát mong đợi không chỉ vì họ là lãnh đạo hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, vốn có nhiều duyên nợ trong quá khứ, mà còn vì những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc điều tra mối quan hệ giữa Nga và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngoài ra, Nga và Mỹ hiện đang có nhiều khác biệt trong vấn đề nóng, trong đó có chiến sự ở Syria, xung đột ở Ukraine...
Không khó để nhận ra Điện Kremlin trông chờ ra mặt cuộc hội kiến này. Ít nhất, đó là cơ hội mà Tổng thống Putin đã tuyến bố: Có dịp đối thoại. Đối thoại chưa chắc đã giúp các bên xích lại gần nhau hơn, nhưng dù sao cũng sẽ bớt đối đầu hơn, nếu sự đối thoại diễn ra trong sự thiện chí.
Có điều, khi mà người Mỹ luôn cố hạ thấp vị trí của Nga trên trường quốc tế, thì người Nga cũng không vừa. Họ có thể diện cũng như bản lĩnh của mình và không có chuyện đi cầu thân Mỹ theo hướng một chiều. Đó có lẽ cũng là lý do mà ngay trước thềm Hội nghị G20, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng yêu cầu Mỹ giải thích vụ trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga và gia đình hồi cuối năm 2016, trước khi ông B. Obama kết thúc nhiệm kỳ; đồng thời đòi Mỹ trả lại tài sản đang bị phong tỏa hay tịch thu trong vụ trục xuất này cho phía Nga.
Xem ra, “yêu sách” của Điện Kemlin thực tế và cụ thể hơn những đòi hỏi mà Nhà Trắng đặt điều kiện nối lại quan hệ ngoại giao hai nước.