Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập NATO tới quốc hội nước này để phê chuẩn. Điều này đã được cơ quan báo chí của Văn phòng Tổng thống đưa tin.
Thông điệp nêu rõ: "Ngày 23/10, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã ký nghị định thư chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập Liên minh. Tài liệu này đã được đệ trình lên Quốc hội để xem xét".
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn là những quốc gia NATO duy nhất chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập tổ chức của Thụy Điển, nhưng sau khi Stokholm đã vượt qua nút thắt khó khăn nhất là Ankara, vấn đề với Budapest dự báo sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Đây là điều gây ngạc nhiên cho giới truyền thông, bởi vì ông Erdogan mới tháng trước từng cho biết Thụy Điển "đã không thực hiện lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ" và sẽ không nhận được sự hỗ trợ của nước này để gia nhập NATO.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. |
Cần nhắc lại, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO.
Vào tháng 4 năm 2023, Phần Lan chính thức trở thành thành viên của Liên minh, tuy nhiên việc Thụy Điển gia nhập NATO có những khó khăn nhất định khi đơn của họ bị Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển có thêm những bước đi rõ ràng để trấn áp Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ông Erdogan ra tối hậu thư khẳng định chỉ chấp thuận đơn của Thụy Điển khi Stockholm dẫn độ 130 "kẻ khủng bố" về Ankara.
Hiện tại chưa rõ nguyên nhân nào khiến Tổng thống Erdogan thay đổi quan điểm của mình, nhưng theo giới chuyên môn thì đã có tác động đáng kể từ Mỹ.
Vào tháng 9, chính phủ Thụy Điển đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng để đạt được mức tiêu chuẩn chung trong NATO là 2% GDP.
Ngoài ra có tin cho biết Stokholm đã đồng ý gửi tiêm kích JAS-39 Gripen cho Ukraine như một chất xúc tác để đẩy nhanh quá trình phê duyệt tư cách thành viên.
Tiêm kích đa năng hạng nhẹ JAS-39 Gripen do Tập đoàn Saab của Thụy Điển chế tạo. |