Tổng quan về tỷ lệ cử nhân có việc làm trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm được nhiều quốc gia quan tâm.

Sinh viên Nhật Bản tham gia hội thảo việc làm hồi tháng 3/2023.
Sinh viên Nhật Bản tham gia hội thảo việc làm hồi tháng 3/2023.

Tại Liên minh châu Âu (EU), năm 2022, tỷ lệ có việc làm ở sinh viên mới tốt nghiệp trong độ tuổi 20 – 34 là 82,4%. Tỷ lệ có việc làm dao động từ 65,2% ở Italy đến 93,4% ở Luxembourg. Trong đó, sinh viên nam có khả năng tìm được việc làm cao hơn sinh viên nữ. Tỷ lệ có việc làm ở sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề, trung cấp lên tới 79,7%.

Tại Australia, sinh viên tốt nghiệp đại học tìm được việc làm toàn thời gian vào năm 2022 đã đạt kỷ lục tính từ năm 2009. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại Australia vào năm 2022 là 88,3%, tăng từ mức 84,8% vào năm 2021.

Kết quả này là minh chứng giá trị của giáo dục đại học và nêu bật tầm quan trọng của việc tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học dành cho người dân. Tỷ lệ này cũng phản ánh các trường đại học Australia đang cung cấp giáo dục chất lượng cao, chuẩn bị một cách nhất quán và hiệu quả cho sinh viên để tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của bản thân.

Trên thực tế, Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng lao động mới tại Australia khi nhiều ngành nghề không có nhân sự mới như du lịch, y học, sư phạm... Nhằm giải quyết bài toán trên, Australia đã tăng cường tuyển dụng sinh viên quốc tế, tăng đầu tư cho các lĩnh vực khó tuyển dụng lao động...

Các trường đại học thay đổi phương pháp giảng dạy, hướng đến sinh viên được thực hành và thực tập nhiều hơn để làm quen với môi trường lao động thực tế. Các trường cũng liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên được đi tham quan, thực tập và tìm cơ hội làm việc ngay sau khi ra trường. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm đang dần được cải thiện.

Còn tại châu Á, tỷ lệ việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ở Nhật Bản tương đối ổn định. Trong 10 năm qua, tỷ lệ này luôn đạt trên 90%, riêng năm học 2019 – 2020, tỷ lệ này đạt 97,8%. Điều đó cho thấy gần như toàn bộ sinh viên mới ra trường đều có việc làm.

Lĩnh vực giáo dục đại học Nhật Bản luôn nằm trong top tại châu Á. Các trường đại học đào tạo tập trung vào thực hành, đảm bảo yêu cầu sinh viên ra trường đáp ứng các kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. Sinh viên được thực hành từ rất sớm và phải đi thực tập từ năm 2 để nâng cao kỹ năng, tay nghề.

Về phía các doanh nghiệp, trước mỗi mùa ra trường, họ đều tổ chức các hoạt động “săn” nhân tài. Đơn cử, hồi tháng 3/2023, khi sinh viên Nhật Bản chuẩn bị tốt nghiệp, các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hội thảo việc làm trên khắp các tỉnh, thành phố; quy tụ đại diện của hàng trăm doanh nghiệp.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá về mình, giải đáp thắc mắc của sinh viên và tìm kiếm những ứng viên tài năng. Sinh viên cũng có cơ hội quan sát, tìm hiểu và lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực và mong muốn của bản thân.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá sự phối hợp chặt chẽ của trường học và doanh nghiệp là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng lao động và dân số già tại Nhật Bản như hiện nay.

Mức lương khởi điểm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp là 200.000 yên còn mức lương khởi điểm dành cho học viên cao học là 230.000 yên. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ổn định tại Nhật Bản được cho là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ