Phát động cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”

GD&TĐ - Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham gia của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi. Lễ phát động Cuộc thi được tổ chức trang trọng sáng nay (5/10), tại Hà Nội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Cuộc thi. Ảnh: Thế Đại
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Cuộc thi. Ảnh: Thế Đại

Tham dự lễ phát động có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức; Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm; nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân Nguyễn Hồng Vinh; Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân - Thiếu tướng Nhà văn Nguyễn Hồng Thái; Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi; Chủ tịch Chi hội Nhạc sỹ Công an - Nhạc sỹ, Thiếu tướng Trần Gia Cường; Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - Đại tá, Nhạc sĩ Xuân Thủy; Nhạc sĩ Dương Cầm.

Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan ban, ngành Trung ương; Hội Nhạc sĩ các tỉnh/thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện sở, ngành các địa phương; các nhạc sĩ và các cơ quan thông tin báo chí trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu phát động Cuộc thi
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu phát động Cuộc thi

Phát biểu phát động Cuộc thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ đã răn dạy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Theo Thứ trưởng, chỉ có nền Cách mạng Giáo dục Việt Nam (Kể từ năm 1945) mới có nhiều bài hát, ca từ ca ngợi về thầy cô và mái trường. Nền giáo dục cách mạng Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh và nền cách mạng toàn dân, vì nhân dân với phương châm: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chứ không chỉ là nền giáo dục khoa bảng, đào tạo những con người đi thi. Nền giáo dục của chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau. Mái trường là nơi ươm mầm, chấp cánh những ước mơ. Thầy, cô giáo là những người truyền lửa, nâng bước cho các thế hệ học trò. Hội tụ những điều đó, đã có hàng trăm bài hát ca ngợi về thầy cô, mái trường làm rung động hàng triệu con tim của người Việt.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa phát động cuộc thi chính thức nào về sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường. Tất nhiên không bao giờ là muộn, bởi lẽ thầy cô và mái trường đã là những ca từ, là nguồn cảm hứng khơi dậy sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… mang lại cho chúng ta những tác phẩm để đời” – Thứ trưởng nói.

Nhằm tiếp tục tôn vinh sự nghiệp trồng người và tri ân thầy cô giáo, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam chính thức phát động cuộc thi sáng tác các khúc về thầy cô và mái trường. Đã có nhiều tác giả có những tác phẩm tham gia. Chủ đề này hứa hẹn thu được nhiều tác phẩm có giá trị. Thứ trưởng tin tưởng, cuộc thi sẽ được tổ chức thành công, để tiếp tục tri ân thầy, cô giáo và tri ân mái trường. Với ý nghĩa đó, Thứ trưởng chính thức phát động cuộc thi.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố thể lệ Cuộc thi
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố thể lệ Cuộc thi

Thông báo về thể lệ Cuộc thi, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, bao gồm các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, là tác giả của các tác phẩm âm nhạc phù hợp với thể lệ của Cuộc thi đều có quyền gửi tác phẩm tham dự. Thành viên Ban Tổ chức  và Ban Giám khảo không được tham gia Cuộc thi.

Với thể loại sáng tác là ca khúc (được tùy chọn các phong cách, thể loại khác nhau), Cuộc thi nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động (5/10/2020) đến hết ngày 15/12/2020 (theo dấu bưu điện), dự kiến trao giải vào cuối tháng 12/2020.

Tác phẩm dự thi được trình bày dưới các hình thức: đơn ca, tốp ca, hợp xướng có hoặc không có nhạc đệm. Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự thi là bản ký âm nhạc và lời bằng tiếng Việt, được trình bày trên khổ giấy A4; ghi rõ tác giả phần lời và phần nhạc (kèm theo đĩa CD hoặc USB phần demo audio của tác phẩm). Mỗi tác giả, nhóm tác giả được đăng ký dự thi tối đa 3 tác phẩm.

Chủ đề của tác phẩm tập trung phản ánh truyền thống và những nét đẹp của nghề nhà giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Tác phẩm dự thi là sáng tác mới hoặc các tác phẩm đã từng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2018 trở lại đây có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; về âm nhạc có giai điệu đẹp, phong cách âm nhạc có tính sáng tạo, lời ca trong sáng, dễ hiểu; chưa từng tham gia các cuộc thi khác do trong và ngoài ngành Giáo dục tổ chức.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam  chia sẻ: Sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi, cho thanh thiếu niên nói chung và âm nhạc học đường nói riêng luôn được các hệ hệ nhạc sỹ quan tâm, dành nhiều tâm huyết sáng tạo. Tuy nhiên, để quảng bá tác phẩm, mang chúng đến với các em là một thách thức đối với người sáng tạo vì nhiều lẽ. Chính vì thế, có chỗ thì thừa, có nơi thì thiếu, và tính phổ cập giáo dục âm nhạc trong nhà trường cũng còn những bất cập, khiến đời sống tinh thần của các em chưa thực sự được quan tâm đúng mức, xứng tầm.

Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi phát biểu tại Lễ phát động
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi phát biểu tại Lễ phát động

Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đồng hành cùng Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại – cơ quan thường trực của Cuộc thi – xây dựng quy chế, quy định và đề ra thể lệ Cuộc thi một cách chặt chẽ; đặc biệt chú trọng tới khâu quảng bá tác phẩm, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, tạo sức lan tỏa rộng lớn, mang lại ý nghĩa giáo dục và thưởng thức âm nhạc cao cho lứa tuổi học đường.

Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ lựa chọn được những tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, những tác phẩm có tính phản biện, tính sáng tạo trong lời ca, ngôn ngữ âm nhạc. Vì chỉ khi chúng ta thực sự coi trọng những sáng tạo mang được hơi thở của thời đại, gần gũi với tuổi thơ, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và biểu diễn của chính các em, thì tác phẩm mới thực sự sống động trong đời sống học đường, và Cuộc thi mới thực sự có sức lan toản mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Phát động cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” ảnh 4

Phát biểu hưởng ứng Cuộc thi, Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội cho rằng: sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường là chủ đề hay, gần gũi, nhưng cũng rất rộng, phong phú và hấp dẫn để làm khởi nguồn sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.

Theo Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy, ai trong chúng ta ngồi đây cũng đều có những kỷ niệm đẹp về nhà trường, về thầy cô. Từ những tình cảm, ký ức đẹp đẽ đó, mỗi tác giả sẽ có những góc nhìn phong phú để biểu đạt các tính cảm khác nhau, cũng như để tri ân với thầy cô và mái trường. Qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của âm nhạc, hình ảnh về thầy cô và mái trường chắc chắn sẽ hiện lên đầy màu sắc, xúc động.

“Tôi hy vọng rằng, tại lễ Tổng kết và trao giải diễn ra vào cuối tháng 12/2020, Ban Tổ chức sẽ được công bố tới công chúng những tác phẩm âm nhạc xuất sắc, giàu cảm xúc và chất lượng” – nhạc sỹ Xuân Thủy chia sẻ.

Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy phát biểu hưởng ứng Cuộc thi
Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy phát biểu hưởng ứng Cuộc thi

Là Hiệu trưởng của ngôi trường nghệ thuật, nơi ươm mầm tài năng đào tạo cho đất nước cũng như trong quân đội, nghệ thuật, nhạc sỹ Xuân Thủy nhận thấy, việc tổ chức cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” sẽ góp phần tạo ra những tác phẩm hay phục vụ cho công tác văn nghệ trong các nhà trường.

“Các nhạc sỹ của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội sẽ hưởng ứng tích cực Cuộc thi” – khẳng định điều này, nhạc sỹ Xuân Thủy có 2 kiến nghị với Ban Tổ chức, đó là: Cuộc thi phát động vừa rộng, nhưng đồng thời cũng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó có việc đặt hàng các nhạc sĩ; làm tốt khâu quảng bá, truyền thông, tuyên truyền để Cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ.

“Sau khi nghe phát biểu, chỉ đạo, phát động cuộc thi của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, tôi xin hưởng ứng cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”. Mong rằng, thông điệp của cuộc thi sẽ ngày càng lan toả và có nhiều hơn nữa những ca khúc hay về những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” và mái trường thân yêu. Tôi cũng tin rằng, Cuộc thi sẽ chất lượng và thành công” – nhạc sỹ Xuân Thủy chia sẻ.

Thiếu tướng Nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân
Thiếu tướng Nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân 

Tại lễ phát động, Thiếu tướng Nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân chia sẻ, cách đây 38 năm (khi đang học lớp 4), ông đã rất xúc động khi được nghe bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”.

 Thiếu tướng Nhà văn Phạm Hồng Thái ghi nhận, Báo Giáo dục & Thời đại đã tổ chức nhiều cuộc thi viết về thầy, cô và mái trường tạo sức lan tỏa sâu rộng. Nay lại có Cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô mái trường. “Chỉ có âm nhạc, văn học mới đi vào tâm hồn con người sâu sắc nhất và ấm áp nhất” - Thiếu tướng Nhà văn Nguyễn Hồng Thái khẳng định; đồng thời đề xuất: Nên chăng, Ban tổ chức có thể kéo dài thời gian cuộc thi đến khi kết thúc năm học bởi mùa Hè thường mang lại nhiều cảm xúc cho nhạc sĩ. Để góp phần vào thành công của cuộc thi, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức cho một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ tiêu biểu đi thực tế, để họ có cảm hứng sáng tác từ thực tiễn.

Hồ sơ tác phẩm dự thi gồm 1 bản ký âm đầy đủ phần nhạc và lời trên giấy A4 (bản scan) 1 bản thu âm ca khúc định dạng file Mp3 1 Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu đính kèm thể lệ cuộc thi) (bản scan) v

Địa chỉ nhận tác phẩm Email: cakhucvethayco@gmail.com Địa chỉ: Báo Giáo dục và Thời đại (Cơ quan thường trực tổ chức cuộc thi), số 15 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 Ngoài bì thư ghi rõ Tác phẩm tham dự cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” (gửi bản scan phiếu, bản ký âm cùng file thu âm trong 01 USB).

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Mỗi tác giả có tác phẩm đoạt giải sẽ được nhận Giấy Chứng nhận giải thưởng của Bộ GD&ĐT. Giải nhất được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tiền thưởng bằng tiền mặt là 30 triệu đồng cho giải Nhất, 15 triệu đồng cho mỗi giải Nhì, 10 triệu đồng cho mỗi giải Ba và 5 triệu đồng cho mỗi giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.