Tổng kết 6 năm triển khai Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất

GD&TĐ - Ngày 24/7, tại Hà Nội Ban quản lý dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất đã tiến hành hội nghị tổng kết và đánh giá kết quả đạt được của dự án sau 6 năm triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Tiến sĩ Eiko K. Izawa- Chuyên gia GD cao cấp Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các thành viên BQLdự án trưng ương và địa phương cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành hũu quan, các Cục, Vụ, Viện (Bộ GD&ĐT), đại diện lãnh đạo 17 tỉnh tham gia dự án.

Được bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2008, tổng giá trị dự án là 64 triệu USD gồm nguồn vốn vay của ADB và vốn từ Ngân sách Nhà nước và vốn đóng góp của các đơn vị thụ hưởng dự án.

Theo ông Trần Văn Thanh - Giám đốc phụ trách Dự án, trong 6 năm qua, 4 nội dung mà dự án tập trung thực hiện, bao gồm: Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục THCS; Nâng cao chất lượng về sự phù hợp của giáo dục THCS đối với vùng khó khăn; Thử nghiệm các biện pháp cải tiến nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục và sự công bằng; Nâng cao năng lực lập kế hoạch về quản lý cho giáo dục THCS ở những vùng khó khăn nhất...

Tác động nổi bật của dự án là thúc đẩy nâng cao tiến độ, chất lượng phổ cập GD THCS ở vùng khó khăn nhất và phục vụ cho việc hoàn thiện chính sách phát triển GD vùng khó khăn. Chuyển biến rõ rệt nhất là dự án đã thúc đẩy các trường THCS vùng khó khăn phát huy nội lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, tăng cường quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng, động viên sự quan tâm chăm lo của xã hội với sự nghiệp giáo dục.

Đánh giá về những thành công mà dự án đạt được, theo đại diện ADB - Tiến sĩ Eiko K. Izawa, dự án được thiết kế rất phù hợp, đáp ứng giải quyết được đúng nhu cầu của địa phưong. Do đó khi đảm bảo được nguồn lực và nguồn tài chính để triển khai thực hiện các mục tiêu của dự án thì được các cấp, các cơ sở giáo dục và cán bộ, GV nhiệt tình tham gia đóng góp sức lực và tâm huyết.

Năng lực quản lý của BQL dự án tốt và đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án được lựa chọn tinh tường, vừa tận tuỵ vừa chuyên nghiệp chính là nguồn tài sản quý giá của dự án. 

Mối quan hệ của các bên liên quan chặt chẽ đã tạo ra guồng máy hoạt động năng suất cao, kịp thời điều chỉnh những yếu tố không phù hợp. Những kết quả mà dự án đạt được không những tạo uy tín của dự án tại cơ sở mà còn với đối tác và nhà tài trợ.

Phát biểu đánh giá kết quả, hiệu quả của dự án, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Đây là một trong số rất ít dự án hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch, được Bộ GD&ĐT phê duyệt và ADB chấp thuận, đảm bảo chất lượng, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. 

Không chỉ ưu tiên giải quyết được những vấn đề bức xúc trong phát triển giáo dục ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số mà thành quả của dự án còn thể hiện ở tính bền vững, là kinh nghiệm quý báu để Bộ GD&ĐT cùng Chính phủ xây dựng và thực hiện được những chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục phù hợp với đặc thù của vùng khó và đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ thành công của dự án với GD ở các tỉnh miền núi phía bắc, miền núi Tây Nguyên, giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được mở ra hỗ trợ nhiều hơn tới những địa bàn khó khăn khác trong đất nước như các tỉnh duyên hải và vùng chịu nhiều ảnh hưởng bão lũ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ