Tổng Hiệu trưởng Trường TH School: Dạy học sinh kỹ năng vận dụng vào lý thuyết thực tiễn

GD&TĐ - Là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm quản lý giáo dục và giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, ông Pete Kennedy - Tổng Hiệu trưởng TH School cho rằng, kiến thức có thể tra Google nhưng kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của cuộc sống thì cần các thầy, cô giáo hướng dẫn, định hướng cho các em. Ông Pete Kennedy đã có những chia sẻ với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại.

Tổng Hiệu trưởng Trường TH School: Dạy học sinh kỹ năng vận dụng vào lý thuyết  thực tiễn

* Chương trình giáo dục ở Hoa Kỳ và chương trình mà trường ông đang dạy đặt vấn đề phát triển năng lực cho học sinh như thế nào? Làm thế nào để thực hiện được mục tiêu ấy?

- Ông Pete Kennedy: Kinh nghiệm của tôi đã làm ở các nước đó là: Xây dựng chương trình dựa trên các chủ đề tổng thể, nhằm tạo cho học sinh các kỹ năng như: Kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng làm việc hợp tác, kỹ năng cân bằng tất cả các vấn đề trong cuộc sống...

Giờ đây học sinh không phải đến trường để có thông tin nữa, mà các em đến trường để được hướng dẫn biết cách chọn lọc, suy nghĩ, xây dựng nhân cách, chia sẻ, biết cách có trách nhiệm với bản thân và xây dựng nhân cách.

Những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa các em đến trường vẫn được học, nhưng cách học bây giờ không phải là ghi nhớ một cách máy móc. Ví dụ: Các em không phải thuộc lòng Bảng tuần hoàn, hay các công thức nữa mà phải biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

* Nhiều ý kiến cho rằng, kiến thức cũng quan trọng nhưng năng lực còn quan trọng hơn? Ông có cho rằng xu hướng dạy theo phát triển năng lực đang là xu hướng của thế giới?

- Ông Pete Kennedy: Đúng! Kiến thức có thể tra Google là ra. Chẳng hạn, muốn tìm hiểu nguyên tố cacbon chỉ cần vào google là có thể biết tất cả. Nhưng chúng tôi muốn dạy các em về nguồn nguyên liệu ấy được lấy từ đâu, sử dụng như thế nào và nó có tác động gì đến cuộc sống?

Như tôi vừa nói, kiến thức cơ bản là cần thiết, nhưng cách học bây giờ không phải là học thuộc lòng. Chẳng hạn học về canxi (Ca), thay vì phải nhớ các kiến thức về phản ứng, công thức hóa học, chúng tôi muốn dạy những phản ứng hóa học đó nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sự phát triển KT-XH. Tức là các em phải biết vận dụng kiến thức để xử lý vào thực tiễn của cuộc sống. Nói một cách tổng quan là, thay vì dạy lý thuyết một cách máy móc cho học sinh thì hãy dạy các em những kỹ năng vận dụng lý thuyết đó vào thực tiễn.

Tổng Hiệu trưởng Trường TH school - Ông Pete Kennedy
Tổng Hiệu trưởng Trường TH school - Ông Pete Kennedy

* Dạy học tích hợp không còn là vấn đề mới mẻ. Chương trình giáo dục của cấp học tương đương THCS của Việt Nam ở Hoa Kỳ và chương trình mà trường ông đang dạy có các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Lịch sử và Địa lý không? Ông đánh giá như thế nào về tác dụng của các môn tích hợp đó đối với học sinh?

- Ông Pete Kennedy: Tôi xin được vào thẳng vấn đề. Ví dụ bộ môn Khoa học tự nhiên, chúng tôi không dạy riêng từng môn Hóa, Sinh, Lý mà chương trình được thiết kế học theo tính chất tích hợp với nhau, đan xen lẫn nhau. Một nội dung nó sẽ xuyên suốt cả ba môn học. Học sinh sẽ có kiến thức chung là các môn khoa học và sẽ có kiến thức là các môn có tính tác động, hợp tác liên quan với nhau. Trong một tiết học luôn luôn có kiến thức tổng quát, chứ không chỉ có kiến thức từng môn riêng Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Lên đến THPT các bạn học sinh sẽ phải học các môn lựa chọn để thi và để đi vào các chuyên ngành có tính chuyên sâu.

Hay như môn Toán. Tôi là người trực tiếp dạy môn học này và tôi có tích hợp. Tôi dạy Toán để học sinh có thể nhìn thấy vấn đề của Vật lý. Xu hướng trong tương lai, các môn học không nên dạy tách biệt ra mà nên tích hợp với nhau vì trong cuộc sống thực tiễn các môn học đều có sự tác động qua lại lẫn nhau.

Có thể mọi người sẽ nghĩ là hơi tự do, nhưng thực chất nó rất chặt chẽ và có những tiêu chuẩn. Chúng tôi sẽ bám vào các tiêu chuẩn đó để hướng dẫn giáo viên sắp xếp việc dạy học của mình. Điều quan trọng là khi học sinh học sẽ học được cách giải quyết vấn đề khi có những nội dung liên quan đến nhau. Rộng hơn các em sẽ phát triển được kỹ năng giải quyết vấn đề trong một bối cảnh rộng hơn, thay vì phải nhớ những con số hoặc số liệu khô cứng. Vì thế, cách dạy tích hợp như phân tích ở trên sẽ sâu hơn. Học sinh sẽ phải đặt ra các câu hỏi: Tại sao lại xảy ra vấn đề đó? Tiếp theo nó sẽ diễn ra như thế nào? Và cách xử lý ra sao? Các em cũng sẽ phải tự tìm tòi kiến thức cho mình và phát triển tư duy, logic. Khi đó tính tương tác và tự học của các em sẽ lên cao.

* Như vậy thì giáo viên phải được tự chủ như thế nào – thưa ông?

- Ông Pete Kennedy: Phải nói rằng, tính tự chủ của nhà trường và giáo viên là cực kỳ quan trọng. Có thể nếu từ bên ngoài nhìn vào nhiều người sẽ nghĩ: Cho tự chủ như vậy sẽ không có kiểm soát. Trên thực tế thì không phải như vậy, bởi nó đều có tiêu chuẩn, tiêu chí và những quy định và tất nhiên mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm theo từng cấp độ. Nhưng trong trách nhiệm ấy vẫn phải có tính tự chủ cho từng giáo viên và cho người quản lý để họ cùng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Xin cảm ơn ông!

“Sách giáo khoa chỉ là nguồn tư liệu để cung cấp thông tin. Tuy nhiên hiện nay, học sinh có rất nhiều nguồn tư liệu khác để có thể tiếp cận thông tin mà mình mong muốn. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên là hướng dẫn học sinh quản lý thông tin để vận dụng hiệu quả vào thực tiễn của cuộc sống”.  Ông Pete Kennedy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ