Nhiều tồn tại, hạn chế trong thi công
Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT cho hay, một số tiêu chuẩn áp dụng cho thí nghiệm và nghiệm thu của dự án đã hết hiệu lực; chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng một số tiêu chuẩn không có trong danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt; một số hạng mục chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật chưa phù hợp...
Bên cạnh đó, ở vấn đề năng lực có sự thiếu sót liên quan đến phân chia hạng mục, khối lượng gói thầu CLVH - XL03 chưa phù hợp với năng lực của thành viên liên danh và năng lực hoạt động xây dựng công trình giao thông.
Thiếu biên bản nghiệm thu thiết bị huy động đến các gói thầu theo quy định của hợp đồng; phòng thí nghiệm, kiểm định hiện trường thiếu một số thiết bị so với yêu cầu tại chỉ dẫn kỹ thuật; phương án tự thực hiện không có biểu tiến độ huy động thiết bị và nhân sự tương ứng với tiến độ thực hiện.
Ở hoạt động tư vấn giám sát, các vị trí kỹ sư thường trú đường, cầu và hầm không phù hợp với điểm đ Khoản 4 Điều 89 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021; doanh nghiệp dự án ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn giám sát sau thời điểm khởi công; hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn giám sát thiếu nội dung yêu cầu về tiến độ huy động nhân sự tư vấn giám sát; huy động thiếu vị trí nhân sự như kỹ sư thường trú, chủ trì giám sát đường theo yêu cầu; một số nhân sự tư vấn giám sát thay thế không đáp ứng yêu cầu về năng lực.
Đặc biệt, hồ sơ nghiệm thu chất lượng dự án chưa áp dụng đầy đủ theo hướng dẫn tại Văn bản số 6553/BGTVT-CQLXD ngày 29/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Công ty 194 chưa lập đầy đủ biện pháp tổ chức thi công cho từng mũi thi công phù hợp với thiết bị, nhân sự thực tế; đắp vật liệu dạng hạt, kiểm tra cường độ đất nền của đáy hầm dân sinh chưa đầy đủ, đảm bảo theo yêu cầu hồ sơ thiết kế được phê duyệt và các quy định hiện hành.
Về công tác quản lý chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị sử dụng cho công trình được xác định là: Không có sơ đồ điều phối đào đắp; không cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn gốc một số chủng loại vật liệu cung cấp từ các nguồn được chấp thuận tại dự án; công tác chấp thuận một số nguồn vật liệu chưa đảm bảo theo quy định, thiếu tiêu chuẩn để đánh giá hoặc chưa có thí nghiệm hoặc thí nghiệm tần suất chưa đầy đủ.
Thanh tra cũng chỉ ra chất lượng thi công cọc khoan nhồi khi kiểm tra khả năng chịu tải của cọc chưa đầy đủ theo quy định; kiểm tra chất lượng cọc bằng phương pháp siêu âm chưa có biên bản kiểm tra thiết bị trước khi tiến hành siêu âm…
Vật liệu thi công cầu chưa thực hiện đầy đủ các thí nghiệm theo yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật và hồ sơ thiết kế của dự án. Bên cạnh đó, về bê tông thì thiếu kết quả kiểm tra cường độ đá gốc; sử dụng xi măng, khối lượng xi măng không tuân thủ theo hướng dẫn; sử dụng bê tông C30 cho cọc khoan nhồi không đúng theo quy định; một số cầu nằm trong vùng xâm thực của nước biển chưa thiết kế bê tông chống thấm; vữa xi măng thiếu kiểm tra độ linh động của vữa bơm lấp lòng ống ghen và sự điền đầy của ống ghen…
Trách nhiệm các tồn tại trên thuộc về Ban Quản lý dự án 85, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, thi công…
Kiến nghị nhiều biện pháp xử lý
Trên cơ sở kết quả thanh tra, căn cứ quy định pháp luật, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhiều biện pháp xử lý.
Theo đó, về xử lý hành chính, giao Ban Quản lý dự án 85 rà soát, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án như: Lập, trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật, công tác quản lý chất lượng công trình trong quá trình xây dựng. Ban Quản lý dự án 85 có trách nhiệm đề ra biện pháp khắc phục trong công tác quản lý chất lượng công trình đối với dự án đã nêu.
Thanh tra Bộ GTVT cũng kiến nghị các xử lý khác, gồm: Ban Quản lý dự án 85, doanh nghiệp dự án khẩn trương rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn hết hiệu lực và được thay thế phù hợp yêu cầu kỹ thuật của dự án. Các đơn vị trên khẩn trương trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án theo quy định.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, Ban QLDA trong ngành giao thông thực hiện nghiêm, đầy đủ nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT trong việc lập hồ sơ nghiệm thu công trình tại Văn bản số 6553/BGTVT-CQLXD ngày 29/6/2022.
Thanh tra Bộ GTVT cũng đề nghị Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần quy định rõ đối với vị trí giám sát trưởng (cầu, hầm, đường...) phải đảm bảo được đào tạo đúng chuyên ngành tương ứng.
Doanh nghiệp dự án, Ban Quản lý dự án 85, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT), các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Thanh tra Bộ GTVT trước ngày 15/9/2024.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng; với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư xây dựng 194.