Từ rất lâu, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết không còn xa lạ gì đối với đối với nhiều người, nhất là những người hay đọc báo, theo dõi mảng giáo dục, chính trị bởi thầy Thuyết từng trải qua rất nhiều công việc khác nhau.
Đối với sinh viên, giáo viên học và dạy môn Ngữ văn thì đã quá quen thuộc với Giáo sư Thuyết vì thầy là giảng viên đại học, là tác giả của nhiều cuốn giáo trình đại học, sách giáo khoa Tiếng Việt, Ngữ văn ở bậc phổ thông.
Đặc biệt, Giáo sư Thuyết là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, đã từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…
Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn là Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh Diều.
Theo thầy Thuyết chia sẻ, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh Diều, triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục của bộ sách là triết lý và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là triết lý thực học - thực nghiệm và dân chủ. Mục tiêu là hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Sách giáo khoa Cánh Diều kế thừa nhiều điểm tích cực của sách giáo khoa Tiếng Việt cũ. Còn những điểm khác biệt chính với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũ như về thời lượng học.
Sách cũ dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 22 (hoặc 24) tuần với 10 tiết một tuần. Còn sách Cánh Diều dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 26 tuần với 12 tiết một tuần. Như vậy, thời lượng dạy chữ và vần của sách Cánh Diều nhiều hơn sách cũ tới 92 tiết (hoặc 72 tiết). Điều này giúp nội dung của sách mới nhẹ nhàng hơn.
Về các hoạt động trong một bài học chữ (hoặc học vần), theo như sách cũ, học sinh phải thực hiện 6 hoạt động (làm quen và đánh vần, tìm chữ và vần mới học, luyện nói, luyện đọc, viết bảng con, viết vào vở). Theo sách mới, học sinh chỉ thực hiện 4 hoạt động. Việc luyện nói được dành một tiết riêng trong tuần, gọi là kể chuyện. Việc viết vào vở cũng được dành hai tiết riêng trong tuần. Với sự thay đổi này, sách mới nhẹ nhàng hơn.
Sách mới cố gắng tạo ra các bài tập đọc (các đoạn văn ngắn) sớm hơn, giúp học sinh gắn chữ và vần mới học với những câu chuyện, bài thơ cụ thể, làm việc học hấp dẫn hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, mục đích chính của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy trẻ biết đọc biết viết. Muốn biết đọc biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, hơn 10 chữ ghép (ch, ng, ngh, tr, kh,…). Chương trình lớp 1 trước đây, hiện nay và mai sau vẫn như vậy cho nên nói chương trình mới nặng là không đúng.
“Từ chương trình, mỗi bộ sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau để dạy trẻ. Tôi cho rằng dạy thêm học thêm để giảm tải cho trẻ là không đúng. Điều đó càng gây áp lực cho trẻ. Tốt nhất là các thầy cô thực hiện dạy học phân hóa, chú ý kèm cặp, hướng dẫn các cháu còn chậm. Các bậc cha mẹ cũng không nên vì sốt ruột mà gây áp lực cho con. Các cháu còn học cả năm. Mới hơn một tháng đầu chưa nói lên điều gì”, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đưa ra ý kiến.
Ngoài cuốn sách giáo khoa Tiếng việt lớp 1 thì cuốn sách giáo khoa môn Toán của bộ sách giáo khoa Cánh Diều cũng được đông đảo mọi người quan tâm.
Cuốn Toán 1 do GS.TSKH Đỗ Đức Thái làm Tổng chủ biên với 4 chủ đề: Các số đếm đến 10; phép cộng, phép trừ trong phạm vi 10; các số trong phạm vi 100; cộng trừ trong phạm vi 100.
Trong cuốn sách này, các chủ đề được chia thành nhiều bài học, mỗi bài học đều được mở đầu bằng những hình ảnh trực quan, liên quan đến kiến thức trọng tâm. Các phần kiến thức cũng được sắp xếp từ dễ đến khó, trình bày dưới dạng câu hỏi hoặc bài tập giúp việc lĩnh hội tri thức được dễ dàng hơn, việc khám phá kiến thức và vận dụng vào trong thực tiễn cũng trở nên dễ dàng, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cũng cho biết khi viết SGK mới, các tác giả đều phải bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông, gắn thực tiễn đời sống, thực tiễn nhà trường, thực tiễn dạy và học của thầy cô vào từng bài học trong sách giáo khoa mới.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái khi tập huấn cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc về sách giáo khoa Toán lớp 1 Cánh Diều đã nhấn mạnh: “Mỗi giáo viên phải là người mở cánh cửa tri thức, giúp học sinh bước vào thế giới kỳ diệu, phải tạo ra được những sáng tạo bất ngờ và thú vị cho từng bài học chứ không nên áp đặt kiến thức một cách khô khan, khiến HS thấy khó, thấy sợ môn Toán. Hãy tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, khởi động để từ đó giúp trẻ phân tích, khám phá, tìm tòi những tri thức mới, cơ hội vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn”.