Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình |
Ngày 7/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Đa số cử tri hoan nghênh, đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, với việc thông qua Hiến pháp sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi...; bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Một số cử tri còn băn khoăn về chất lượng cán bộ, công chức; đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát công tác cán bộ, từ đào tạo, bồi dưỡng, đến bố trí sử dụng cán bộ. Bên cạnh đó, cần có chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ cơ sở, nhất là ở các khu dân cư. Bày tỏ lo ngại về vấn đề quy hoạch xây dựng và vận hành các công trình thủy điện, gây ảnh hưởng đến hàng ngàn ha rừng, cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du; cử tri đề nghị các tư lệnh ngành, lĩnh vực cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi phụ trách.
Cử tri cũng đề cập một số bất hợp lý trong giáo dục hiện nay, đó là tình trạng thiếu thốn cơ sở mầm non, trong khi các trường đại học lại quá nhiều, có trường không tuyển được sinh viên. Công tác quy hoạch quản lý đô thị, quản lý xây dựng có nhiều yếu kém, nhiều công trình xây dựng trái phép, hoặc vừa xây dựng xong đã hư hỏng, sử dụng không hiệu quả, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được khắc phục.
Cử tri tỏ ý lo ngại trước tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, các lĩnh vực đầu tư công, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe nhân dân... còn nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các vị đại biểu Quốc hội có mặt, chân thành cảm ơn cử tri đã đóng góp ý kiến phong phú, tâm huyết, trách nhiệm và xây dựng, đề cập nhiều lĩnh vực, vấn đề cụ thể, thiết thực. Về những vấn đề dân sinh bức búc, liên quan đến trách nhiệm của thành phố, quận, phường, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp thu, giải trình, việc gì giải quyết được phải giải quyết ngay, dứt điểm.
Tổng Bí thư ghi nhận những ý kiến xác đáng của cử tri đóng góp với Trung ương, Quốc hội, đề cập những vấn đề như xây dựng và quản lý đô thị, phát triển giao thông, trả lương hưu, quyền nhà ở, quyền con người, khai thác sử dụng đất xen kẹt, cơ cấu lại tổ dân phố, xây dựng luật, trả lời chất vấn, công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng chất lượng cán bộ, công chức, giảm biên chế, phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giá cả hàng hóa, bảo vệ môi trường, nông lâm trường quốc doanh, xây dựng chính quyền đô thị... Những ý kiến đóng góp từ thực tiễn cuộc sống, rất cụ thể, rất bao quát, trong đó nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết thấu đáo.
Hoan nghênh cử tri đã theo dõi kỹ lưỡng Kỳ họp thứ 6 vừa qua của Quốc hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối, trong đó có nhiều điểm mới, nhiều nội dung rất quan trọng như điều nói về bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách xã hội, đất đai, quốc phòng an ninh, đối ngoại, quyền của Chủ tịch nước... Hay như Điều 4 Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng lần này quy định rất rõ Đảng Cộng sản Việt Nam phải là Đảng thế nào mới lãnh đạo được đất nước này, dân tộc này.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, trung thành với chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, một Đảng gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo bảo vệ quyền lợi của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trước nhân dân. Một Đảng như thế mới lãnh đạo được cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Xung quanh những quy định về chính quyền địa phương, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi, dân chủ. Chính quyền địa phương vẫn phải có Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, tuy nhiên tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện nông thôn, thành thị, hải đảo, đặc khu kinh tế... vì vậy không quy định ngay trong Hiến pháp, mà sẽ quy định cụ thể trong luật.
Về việc triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tuyên truyền sâu rộng, nghiên cứu kỹ để nắm vững, đầy đủ những tư tưởng, nội dung Hiến pháp sửa đổi - cụ thể hóa, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng phù hợp với tình hình mới. Tới đây, các cơ quan Nhà nước sẽ tiếp tục cụ thể hóa bằng các luật, nghị định của chính phủ, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để thực hiện.
Đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư nêu rõ: Thành công Kỳ họp Quốc hội vừa rồi là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, cộng hưởng nhiều vấn đề, cả đối nội, đối ngoại, sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đất nước tiếp tục giữ vững ổn định để phát triển, đại đa số cử tri và nhân dân có tinh thần xây dựng cao, dân chủ nhưng hiểu và tôn trọng pháp luật. Những kết quả chung đó đã tạo thêm niềm phấn khởi, tin tưởng vào con đường đi lên của đất nước.
Tổng Bí thư chia sẻ và thông cảm với những khó khăn, bức xúc cử tri nêu, trong đó nhiều vấn đề phát sinh do quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô dân số đông, kéo theo những vấn đề dân sinh như trường học, bệnh viện, ùn tắc giao thông, giải quyết việc làm cho người lao động... Tuy nhiên, đây là những khó khăn đặt ra trong quá trình phát triển đi lên, có những việc qua tổng kết có thể đề ra được chủ trương, biện pháp giải quyết ngay, có những việc phải có thời gian mới làm được.
Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư chỉ rõ, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị rất lớn, biện pháp cũng đã có khá nhiều, từ xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách, cả phòng và chống, nhưng rõ ràng so với yêu cầu chưa đạt được kết quả như mong muốn, người dân không hài lòng, Đảng, Nhà nước cũng không hài lòng, phải làm tiếp, khâu nào yếu phải tập trung tháo gỡ, phải trị từ gốc, phòng cho tốt, xây dựng cơ chế luật pháp, bố trí cán bộ, kê khai tài sản... còn khi xảy ra rồi phải xử lý cho nghiêm, cho nhanh, đúng quy định của luật pháp.
Theo TTXVN