Cùng dự buổi làm việc có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, cùng lãnh đạo các ban Đảng, bộ ngành trung ương.
Về phía TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu; Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, cùng Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Nội dung buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thành ủy TPHCM tập trung các vấn đề về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng tại TPHCM từ sau Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết một trong các nhiệm vụ trọng tâm những tháng gần đây của TPHCM là tập trung tổng kết Nghị quyết số 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Từ quá trình triển khai 2 nghị quyết quan trọng nêu trên, TPHCM sẽ tiếp tục đề xuất những định hướng phát triển mới và cơ chế đặc thù, vượt trội phù hợp cho giai đoạn tới; nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực phát triển, củng cố vị trí vai trò “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế phía nam và cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cán bộ tại buổi làm việc. (Ảnh: SGGP) |
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm trong hai năm qua nền kinh tế TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hệ quả là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ ngày thống nhất đất nước, tăng trưởng giảm sâu -6,78% trong năm 2021.
Tuy nhiên, với hàng loạt giải pháp đồng bộ và sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương, kinh tế thành phố từng bước phục hồi với những kết quả khá toàn diện. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82% so cùng kỳ; dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%. Thu ngân sách hết tháng 8 gần 312.000 tỉ đồng (tương đương 80,7% dự toán).
Đặc biệt, công tác xây dựng chính quyền, công tác dân vận cũng được TP.HCM quan tâm đặc biệt, phát huy hiệu quả và ngày càng thể hiện rõ nét trong điều kiện TP tập trung phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Người dân TP luôn chung tay thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố như phong trào hiến đất làm đường, mở rộng hẻm hay "Lấy sức dân chăm lo cho dân" trong mùa dịch vừa qua.
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với 9 nhóm giải pháp trọng tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận việc triển khai một số đề án, chương trình thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP bị chậm.
Một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được triển khai hoặc chậm tiến độ. Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã tác động đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội giảm sâu trong năm 2021; mặc dù năm 2022 đã phục hồi nhưng sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ…
Từ những kết quả và những khó khăn, hạn chế thời gian qua, TPHCM xác định từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ tập trung cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận. Trong đó có việc tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI về "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh".