Tôn vinh, phát huy vai trò nữ cán bộ quản lý giáo dục

GD&TĐ - Nhà giáo nữ chiếm 76% giáo viên toàn tỉnh Nghệ An. Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều hoạt động ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến của họ.

Nữ cán bộ quản lý giáo dục Nghệ An tham gia gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm trong công tác.
Nữ cán bộ quản lý giáo dục Nghệ An tham gia gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm trong công tác.

Tôn vinh nhà giáo nữ tiêu biểu

Vừa qua, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức chương trình gặp mặt, biểu dương 40 nữ cán bộ quản lý, nữ chủ tịch công đoàn tiêu biểu giai đoạn 2019 - 2022. Đây là hoạt động thường niên của công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An nhằm tôn vinh nữ cán bộ quản lý, nhà giáo đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo tại địa phương, đơn vị. Họ cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”.

Trong số 40 cá nhân được vinh danh, có 5 nữ cán bộ quản lý khối phòng GD&ĐT, 27 nữ cán bộ quản lý và 8 nữ chủ tịch công đoàn khối các đơn vị trực thuộc. Người có tuổi đời cao nhất là 52 tuổi, người có tuổi đời trẻ nhất là 40 tuổi. Có 2 nhà giáo là người dân tộc thiểu số; 3 người ở các đơn vị ngoài công lập và có 2 nhà giáo ưu tú.

Nghệ An tôn vinh nữ cán bộ quản lý, nữ Chủ tịch Công đoàn các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An tôn vinh nữ cán bộ quản lý, nữ Chủ tịch Công đoàn các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Cô Trương Thị Lan là người dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Từ nhỏ, Lan đã luôn cố gắng trong học tập với mong muốn trở thành người có hiểu biết, tri thức để thay đổi cuộc sống bản thân và đóng góp cho quê hương. Chính vì khát vọng đó, mà trong 5 anh chị em, Trương Thị Lan là người duy nhất quyết tâm theo học lên đại học và lựa chọn ngành sư phạm.

Tốt nghiệp ra trường, cô giáo trẻ bắt đầu gắn bó với ngành giáo dục và học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao khi được phân công về giảng dạy tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Cũng là địa hình miền núi, nhưng huyện Kỳ Sơn còn nhiều khó khăn, vất vả hơn so với huyện Quỳ Hợp nơi cô Lan sinh ra, lớn lên. Chính vì vậy, cô đã dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa. Cùng với đó là đặc điểm học sinh theo từng thành phần dân tộc.

Được đào tạo bài bản, cùng tâm huyết và năng lực dạy học, cô Lan đã đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Kỳ Sơn, giúp các em có sự tự tin, định hướng tương lai quan trọng. Cô cũng được lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch công đoàn Trường THPT Kỳ Sơn. Với vai trò này, cô cũng có nhiều sáng kiến đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới dạy và học trong cán bộ giáo viên nhà trường. Góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trường vùng cao biên giới này.

Cũng là Chủ tịch Công đoàn, cô Nguyễn Thị Huệ còn là Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai 2 (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) . Cô Huệ có hoàn cảnh riêng vất vả khi nhà cách xa trường, mẹ chồng bị tai biến. Vì vậy, ngoài hoạt động chuyên môn, công tác quản lý, công tác công đoàn, cô còn phải chăm lo cho gia đình.

“Quan trọng nhất là phải biết sắp xếp thời gian để có thể hợp lý giữa việc trường, việc nhà. Dù vất vả nhưng may mắn tôi có chồng con thấu hiểu và hỗ trợ. Tôi cho rằng ai cũng có gia đình với hoàn cảnh riêng, và công việc không tránh khỏi áp lực nhất định. Nhưng chính cả 2 phía gia đình - công việc đều tạo động lực, niềm vui, giá trị đặc biệt để tôi cố gắng, nỗ lực hơn và coi là những phần không thể thiếu trong cuộc sống", cô Huệ chia sẻ.

Nâng cao vai trò nữ nhà giáo làm quản lý

Cô Nguyễn Thị Hằng (SN 1981) Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐH Vinh năm 2005, bảo vệ Thạc sĩ năm 2012 và hiện đang là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (huyện Diễn Châu). Đây là ngôi trường THPT ngoài công lập đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác tuyển sinh chịu cạnh tranh lớn từ các trường THPT công lập trên địa bàn.

Cô Hằng chia sẻ, khác với trường tư thục ở các thành phố lớn trong cả nước, Trường THPT Nguyễn Du nói riêng và các trường THPT ngoài công lập của Nghệ An nói chung thường là lựa chọn sau cùng của học sinh khi không trúng tuyển vào trường công. Vì vậy, việc tuyển sinh của trường nhiều năm liền thường phải đợi sau khi các trường THPT công lập hoàn thành tuyển sinh nguyện vọng 1, nguyện vọng 2. Quy mô học sinh có nguy cơ thu hẹp.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống giáo viên nhà trường, khi nguồn lương của giáo viên được lấy từ nguồn thu học phí. Bên cạnh đó, mặt bằng chung đầu vào của học sinh nhà trường ở mức trung bình, kỹ năng còn yếu. Công tác dạy học ở trường của các thầy cô rất vất vả, trong khi chế độ lương, thu nhập còn thấp. Khó khăn nhất là trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh nghỉ ở nhà, giáo viên nhiều tháng không có lương. Trong khi trường vẫn thực hiện dạy học trực tuyến như bình thường cho học sinh để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch năm học.

“Làm quản lý ở ngôi trường ngoài công lập vì thế cũng chịu áp lực nhất định, trước hết về hiệu quả, chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó là cổ vũ, tạo động lực cho giáo viên trong dạy học. Điều may mắn và thuận lợi là dù vất vả nhưng giáo viên nhà trường vẫn luôn cố gắng và gắn bó với nghề giáo, với học sinh. Tôi cũng mong rằng, với việc từng bước khẳng định chất lượng giáo dục, công tác tuyển sinh cả trường trong thời gian tới sẽ thuận lợi, thu hút học sinh hơn”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thăm và làm việc với giáo viên Trường Mầm non Lê Lợi (TP Vinh).

Bà Hoàng Thị Phương Thảo (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An thăm và làm việc với giáo viên Trường Mầm non Lê Lợi (TP Vinh).

Đứng đầu ngành giáo dục của đơn vị được đánh giá thuận lợi nhất tỉnh Nghệ An, cô Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết, nhiệm vụ này không dễ dàng, mà đứng trước nhiều áp lực. Thành phố Vinh có truyền thống và bề dày thành tích giáo dục.

Đây là điểm sáng dẫn đầu trong các phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Mỗi năm, thành phố đều có số lượng lớn học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi Olympic Quốc tế, khu vực, học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh. Thành phố Vinh cũng đi đầu trong việc triển khai các chương trình, các mô hình thí điểm của ngành giáo dục.

Cùng trong 1 địa bàn có nhiều chương trình, loại hình giáo dục đa dạng, vừa có vùng trung tâm nhưng cũng có vùng ven đô khó khăn. Đây cũng là đơn vị chịu áp lực tuyển sinh, tăng quy mô học sinh nhanh chóng dẫn đến áp lực về cơ sở vật chất trường lớp. Vì thế, giáo dục thành phố có nhiều cơ hội cũng không ít thách thức.

Là người quản lý, bà Hoàng Phương Thảo chia sẻ, bản thân và tập thể cán bộ, nhà giáo trên địa bàn phải cùng nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, phát huy thuận lợi để giữ vững và phát triển thành quả giáo dục đã đạt được. Bên cạnh đó, cũng phải chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi triển khai những mô hình giáo dục mới, nhân rộng những nhân tố tích cực đến các cơ sở giáo dục.

Tham mưu đến các cấp ủy chính quyền ban hành kế hoạch, đề án phát triển giáo dục toàn diện, đồng bộ như thực hiện Chương trình GDPT 2018; sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; thực hiện thí điểm mô hình trường học tiên tiến; thực hiện chương trình "Phòng giúp Phòng - trường giúp trường"...

Nữ cán bộ quản lý có nhiều cống hiến, đóng góp chung cho sự phát triển giáo dục tỉnh Nghệ An.

Nữ cán bộ quản lý có nhiều cống hiến, đóng góp chung cho sự phát triển giáo dục tỉnh Nghệ An.

Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An nhấn mạnh, vai trò của đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nhà giáo có vai trò đặc biệt trong sự phát triển giáo dục, đào tạo. Mỗi người đều có những nét riêng của mình về quản lý, chuyên môn, thời gian công tác và cuộc sống thường ngày, nhưng điểm chung của họ là phẩm chất đạo đức tốt, tận tuỵ, tâm huyết.

Các nữ cán bộ quản lý, nhà giáo không ngừng sáng tạo, chủ động, tiên phong, dám chịu trách nhiệm là những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những thành tích họ đạt được đã góp phần lớn vào sự phát triển của ngành giáo dục cũng như tổ chức công đoàn.

“Các chương trình tôn vinh hàng năm chính là sự ghi nhận, đánh giá của ngành đối với cống hiến và đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ quản lý. Kịp thời khích lệ, tạo động lực để họ tiếp tục phấn đấu. Công đoàn ngành cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương các điển hình tiên tiến và nhân rộng các gương sáng tiêu biểu. Từ đó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị, góp phần phát huy vai trò của nữ cán bộ quản lý, nữ nhà giáo, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ông Đặng Văn Hải nhấn mạnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có 1.525 cơ sở giáo dục với tổng số 52.612 cán bộ, nhà giáo, người lao động, trong đó nữ là 40.442 chiếm 76%. Có 98% nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” cấp cơ sở. Có 29 nữ/48 nhà giáo tỉnh Nghệ An được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hiện số nữ nhà giáo tham gia cán bộ quản lý là 2.363, chiếm tỷ lệ 51% trong số tổng số cán bộ quản lý toàn ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.