Tôn vinh nhưng không lãng phí, thực dụng

Tôn vinh nhưng không lãng phí, thực dụng

(GD&TĐ) - 31 năm trước, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167 – HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”.

Từ bấy đến nay, ngày 20/11 không chỉ là ngày hội của giáo giới mà còn là dịp để cả xã hội bày tỏ sự tôn vinh, tri ân đối với những người đã và đang đảm nhiệm trọng trách “trồng người” cao quý. Do đó, việc tổ chức các hoạt động thiết thực, bổ ích trong ngày lễ tôn vinh các nhà giáo sao cho thực sự có ý nghĩa là vấn đề cần được quan tâm.

Trong những năm qua, việc tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm thể hiện sự tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo đã được ngành Giáo dục và cả xã hội quan tâm. Nhiều đơn vị trường học đã có những sáng kiến hay trong việc tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam như: Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt – học tốt; tổ chức các cuộc thi làm tập san, báo tường; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong học sinh và giáo viên…

Các nhà trường còn tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu gặp gỡ giữa các thế hệ giáo viên trong nhà trường nhằm trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, khi mà điều kiện kinh tế đã ít nhiều được cải thiện, không ít trường học đã có chủ trương tổ chức kỉ niệm ngày 20/11 thật “hoành tráng”, gây tốn kém, lãng phí. 

Bên cạnh đó, tình trạng học sinh lũ lượt kéo nhau đến tận nhà thầy cô để tặng quà, chúc mừng dàn hàng ba, hàng bốn, vi phạm trật tự an toàn giao thông, có khi gây ra tai nạn đáng tiếc; tình trạng phụ huynh học sinh tìm đến tận nhà giáo viên để đưa phong bì “cảm ơn” vẫn còn diễn ra. Những hiện tượng nêu trên đã làm cho ngày nhà giáo kém vui, ý nghĩa của ngày “tôn sư trọng đạo” vì thế cũng ít nhiều bị giảm sút.

Để ngày tôn vinh các nhà giáo thực sự có ý nghĩa, cần có sự đổi mới trong cách thức tổ chức các hoạt động kỉ niệm sao cho vừa thể hiện sự trang trọng, tri ân vừa gọn nhẹ, tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí.

Trong buổi lễ mít tinh, các nhà trường cần giáo dục cho học sinh hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của ngày 20/11, đó là ngày để các thế hệ học sinh bày tỏ tình cảm biết ơn đối với công lao dìu dắt, dạy dỗ của các thầy cô giáo.

Cũng qua hoạt động này, giáo dục cho học sinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong ngày lễ kỉ niệm, cũng nên tổ chức tuyên dương, khen thưởng những giáo viên đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và giáo dục học sinh, biểu dương những tấm gương học sinh vượt khó học giỏi. Hình thức tuyên dương này được tổ chức trang trọng sẽ góp phần cổ vũ, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt – học tốt trong nhà trường. 

Cùng với các hoạt động mít tinh, kỉ niệm, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, hào hứng, các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ, tọa đàm với các nhà giáo công tác lâu năm đã nghỉ hưu cũng cần được khuyến khích, nhân rộng, vừa thể hiện sự tri ân vừa là cơ hội để những giáo viên trẻ trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ “trồng người” cao quý của mình.

Bùi Minh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ