Tôn vinh giai cấp công nhân

Tôn vinh giai cấp công nhân

Vui hơn nữa là dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng, GCCN và nhân dân ta đã kiên cường vượt qua được các tác động nặng nề của hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, của khủng hoảng kinh tế thế giới, đứng vững và đi lên trong hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế phát triển với tốc độ cao, xã hội ổn định, an ninh chính trị và quốc phòng được giữ vững.
 

 

Nhìn lại 35 năm lao động sáng tạo, mỗi một công nhân (CN), trí thức, lao động chúng ta vô cùng tự hào với sự đổi mới kỳ diệu của nền công nghiệp nước ta. Hơn 160 cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo chiều dài và bề rộng của đất nước, kể cả những nơi hàng ngàn năm là thâm sơn cùng cốc, đáp ứng được phần lớn hàng tiêu dùng công nghiệp cho nhân dân, phần đáng kể thiết bị, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu mỗi năm một tăng tới hầu hết các nước và khu vực trên thế giới.

Cùng với sự phát triển sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực được đảm bảo, nền công nghiệp phát triển với tốc độ cao là nhân tố trực tiếp quyết định sự ổn định xã hội, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật cho triển vọng hoàn thành về cơ bản công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vào năm 20 của thế kỷ này mà Đại hội X của Đảng đã đề ra.

Thành tựu to lớn của nền công nghiệp vừa là “nhân”, vừa là “quả” của sự phát triển đội ngũ GCCN nước ta. Từ một đội ngũ chưa đông đảo, không đồng bộ về nghề nghiệp, hạn chế về trình độ kỹ thuật hiện đại, nay với gần 10 triệu CN - chiếm 11% số dân, 21% lực lượng lao động xã hội, tạo ra 60% tổng sản phẩm xã hội - GCCN ta đã có bước phát triển vượt bậc về kiến thức và  năng lực nghề nghiệp, hơn 1/5 có trình độ công nghệ tiên tiến, giữ vai trò nòng cốt và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quyết định chiều hướng phát triển đi lên của đất nước theo định hướng XHCN.

Từ chỗ gần như phụ thuộc vào nước ngoài về chế tạo thiết bị và vận hành công nghệ - thực chất là làm thuê cho người nước ngoài trên đất nước mình, nay kỹ sư và CN ta đã chế tạo được một phần quan trọng trong thiết bị toàn bộ và làm chủ vận hành công nghệ tiên tiến, tiêu biểu là trong các ngành dầu khí, thuỷ điện, ximăng, cầu đường, đóng tàu thuỷ trọng tải lớn, thiết bị siêu trường, siêu trọng, điện tử - tin học, chế biến thực phẩm… Từ chỗ gia công, làm thuê cho nước ngoài về xây, lắp, nay một số tập đoàn xây lắp nước ta đã trở thành tổng thầu một số ngành trọng yếu và một số kỹ sư nước ngoài lại là người làm công cho ta.

Tự hào với những thành tựu và cống hiến to lớn, có ý nghĩa lịch sử của GCCN Việt Nam đối với đất nước và thời đại, Đảng và Nhà nước cần có chính sách tôn vinh và đãi ngộ thích đáng hơn nữa để phát huy tốt hơn vai trò tiền phong cách mạng của GCCN trong xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Một là, cần có giải pháp cơ bản khắc phục “sự phân phối còn bất hợp lý” như Hội nghị 12 (tháng 3.2010) của Trung ương Đảng đã chỉ ra. Trong GCCN, sự bất hợp lý đó là rất lớn. Mức chênh lệch bình quân giàu/nghèo nước ta là 13/1 đã là rất lớn so với nhiều nước, nhưng mức chênh lệch thu nhập thực tế đối với CN còn cao hơn nhiều.

Tiền lương bình quân của CN năm 2009 là 2,84 triệu đồng/người/tháng; trong đó, khu vực nhà nước bình quân là 3,35 triệu đồng, nhưng CN chỉ 1,1 triệu đồng, cán bộ quản lý là 40,5 triệu đồng/tháng. Khu vực tư doanh, CN là 800.000 đồng/tháng, chủ DN là 216 triệu đồng/tháng. Khu vực đầu tư, CN là 920.000 - 1.100.000 đồng/tháng, giới chủ là 280 triệu đồng/tháng. Về “tiền thưởng” - “tiền lương” tháng 13/2009 còn cao hơn nhiều: 100 triệu đồng/100.000 đồng (DNNN), 389 triệu đồng/50.000 đồng (FDI), 185 triệu đồng/ 30.000 đồng (tư doanh).

Hai là, lập lại công bằng về tôn vinh tinh thần đang rất không bình thường. Như về khen thưởng, thì 90% là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, 7% là cán bộ thường, chỉ 3% là công nhân, dân thường. Các danh hiệu, các hội nghị biểu dương, tuyên dương, đại bộ phận là dành cho doanh nhân, còn cho CN là rất ít.

Đành rằng, doanh nhân ngày nay là người “đứng mũi chịu sào” trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng không thể thay thế lực lượng lao động trực tiếp làm ra sản phẩm là người CN. Cần khôi phục khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” đã bị lãng quên do quá đề cao tri thức sách vở, bằng cấp, làm cho người CN không còn tự hào với nghề nghiệp mình, giai cấp mình như trước.

Tai hại hơn là tạo ra tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”, mà các trường đại học - cao đẳng đã phát triển với tốc độ chóng mặt vẫn quá tải, dù học ra đến 40% phải làm việc không đúng nghề và cấp đào tạo, trong khi các trường đào tạo nghề không có đủ người học, gây ra lãng phí kép rất lớn cho xã hội.

Do vậy, tôn vinh GCCN không chỉ là vì GCCN mà là vì xã hội và đất nước.

Theo LĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ