-
Nhu cầu thấp, sao bắt DN tăng quy mô
"Nếu Nghị định đi vào hiện thực với những quy định như vậy, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phá sản, đóng cửa đến nơi", ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ Đông Tùng (Hà Giang) than thở với PV.VietNamNet.
Xuống Hà Nội để nghe Bộ Công Thương giới thiệu Nghị định 19 của Chính phủ ban hành ngày 22/3 về kinh doanh khí, có hiệu lực từ 15/5 vừa qua, ông Tùng ôm nỗi bức xúc lớn.
Theo Nghị định trên, mỗi doanh nghiệp phân phối gas sẽ phải có đủ 100.000 bình gas loại 12kg, đảm bảo dung tích tối thiểu trong lưu thông là 2,62 triệu lít. Cùng đó, tổng sức chứa bồn gas phải tối thiểu là 300m3.
Ông Tùng khẳng định: "Đó là những con số không phù hợp, đặc biệt là không sát với thực tế thị trường của các DN nhỏ và vừa và ở các khu vực vùng sâu, vùng sa".
Các cửa hàng, DN phân phối gas bị siết chặt quản lý |
Theo tính toán của ông, sản lượng tiêu thụ trung bình của các tỉnh miền núi chỉ khoảng 150-250 tấn gas. Trong đó, PetroVietnam, Petrolimex đã chiếm 35-35% thị phần, các doanh nghiệp cung ứng gas địa phương chỉ còn thị phần tiêu thụ khoảng 80-130 tấn. Bản thân công ty Đông Tùng kinh doanh phân phối gas ở Hà Giang đang có 50.000 bình gas cũng thường không sử dụng hết công suất.
"Để đáp ứng điều kiện trên, chúng tôi phải mua thêm 50.000-55.000 vỏ chai, đầu tư thêm kho bồn để chứa vỏ chai nữa... Ước chi phí lên tới 25 tỷ đồng", ông Tùng cho hay.
"Rõ ràng, bỏ ra hàng chục tỷ đồng mà đắp chiếu, không sử dụng đến, chỉ để đáp ứng điều kiện quản lý thì quá lãng phí. Trong khi đó, chúng tôi cũng phải đi vay, trả lãi ngân hàng", ông Tùng nói.
Kinh doanh ổn định 6 năm nay ở Hà Nội, ông Lý Trần Dũng, công ty gas Ngọn Lửa Thần cũng thấy bức xúc không kém vì điều kiện này.
Ông Dũng cho hay: "Sản lượng bồn chứa của chúng tôi là 60 tấn, diện tích kho bãi 2.500 m2 mà 6 năm nay, cũng chỉ tiêu thụ được 70% công suất bồn chứa đó, còn lại bỏ không".
"Giờ, Bộ bắt phải tăng dung tích chứa lên, chúng tôi sẽ phải thuê thêm 2.500m2 mà chưa chắc đã thuê nổi. Chí phí phụ trội thêm 5-10 tỷ đồng. Công suất hiện nay còn không tiêu thụ hết thì không hiểu tăng thêm để làm gì", ông Dũng bức xúc.
Ông không quên nói thêm, thị trường tiêu dùng gas đang giảm mạnh do nhiều người dân đã chuyển sang dùng bếp điện tử.
Các DN này lo ngại, vô tình chính sách đã làm lợi, tạo thế độc quyền cho các doanh nghiệp lớn lấn át doanh nghiệp nhỏ.
Ông Tùng cho rằng, nếu Bộ nhất thiết phải quy định về số lượng bình ga, dung tích bồn thì cần phải có chính sách đặc thù cho địa bàn vùng sâu, vùng sa, áp dụng mức tối thiểu khoảng 50.000 bình, phù hợp với nhu cầu thấp, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phát triển.
Phải tăng liên kết, hiện đại hóa thị trường
Trong khi đó, những nhà soạn thảo chính sách ở Bộ Công Thương lại có quan điểm khá cứng rắn.
Thị trường gas cần có sự cạnh tranh lành mạnh |
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nói: "Kinh doanh gas là ngành nghề có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng, an toàn tính mạng con người. Do vậy, dù là kinh tế thị trường, tự do nhưng vẫn cần có thiết chế để quản lý".
"Khi chúng tôi làm quản lý, không ai tính quy mô thị trường theo địa bàn tỉnh, huyện, chợ cả, mà phải là liên tỉnh với nhau, là quy mô khu vực Trong nền kinh tế thị trường, các DN mua bán, sát nhập, cùng tồn tại phát triển lên. Lẽ ra, anh phải vận động tín hiệu thị trường, hướng tới làm cho thị trường tiến bộ, văn minh, hiện đại hơn. Nghị định ban hành ra không thể thỏa mãn tất cả các DN được mà chỉ có thể thỏa mãn phần lớn các DN đang tồn tại, thể hiện ý chí quản lý của Nhà nước", ông Quyền cho biết.
Cũng quan điểm này, một lãnh đạo khác của Vụ này nhấn mạnh: "Chính sách không thể chỉ vì một hai anh doanh nghiệp nhỏ ở vùng miền mà phải đáp ứng số đông".
Trước ý kiến này, ông Hà Thanh Tùng phản ứng cho rằng: "Ở đâu cần thì chúng tôi khắc đầu tư nhưng việc đầu tư phải phù hợp với nhu cầu thị trường địa phương thì mới phát triển được".
Theo ông, việc áp đặt con số về quy mô lưu thông bắt buộc cho tất cả các trạm chiết, thương nhân phân phối gas mà không tính đến yếu tố vùng miền, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn so với vùng có điều kiện thuận lợi và những nơi đã có quy hoạch nhiều trạm chiết/tỉnh là không phù hợp.
"Tại sao các tỉnh miền núi, hải đảo dân số ít, thu nhập thấp mà bắt buộc phải đầu tư số lượng vỏ bình gas bằng với các tỉnh có dân số lớn như vậy? Đầu tư như vậy có đúng quy luật thị trường không? Sản xuất vỏ xong mang đi đâu khi không có người mua? Bộ Công Thương dựa trên cơ sở khoa học nào để áp đặt con số trên cả nước là giống nhau?" ông Tùng đặt câu hỏi.
Vướng mắc của câu chuyện kinh doanh gas không chỉ có vậy, hàng loạt những băn khoăn về các loại giấy phép trùng lặp, những điều kiện cụ thể về vấn đề sở hữu mạng lưới phân phối, bán lẻ,... cũng đang khiến các DN đau đầu.
Nhiều DN cho rằng, siết chặt quản lý kinh doanh gas là đúng, nhưng dường như ở đây, Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào thị trường. Để tồn tại được, DN nhỏ sẽ mất hàng chục tỷ đồng để tăng đầu tư và phát sinh chi phí quản lý, từ đó, cũng sẽ phát sinh xin - cho bởi lúc này, vận mệnh tồn tại của DN là thuộc các cơ quan chức năng.