Tôn tạo Phủ Vân Cát thuộc di tích Phủ Dầy Nam Định

GD&TĐ - Phủ Vân Cát thuộc di tích Phủ Dầy Nam Định sắp được tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị.

Tôn tạo Phủ Vân Cát thuộc di tích Phủ Dầy Nam Định
Tôn tạo Phủ Vân Cát thuộc di tích Phủ Dầy Nam Định

Ngày 11/10, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nam Định về việc thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật tôn tạo Phủ Vân Cát thuộc di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, Vụ Bản - Nam Định).

Theo đó, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch thỏa thuận báo cáo kinh tế - kỹ thuật tôn tạo Phủ Vân Cát với nội dung tôn tạo sân (lát lại sân) để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Tuy nhiên, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch lưu ý điều chỉnh phương án thiết kế viên đá lát sân - theo hướng đá có màu ghi sáng (không dùng đá xanh), bề mặt đá tạo nhám, không trang trí hoa văn như đề xuất trong hồ sơ.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị chủ đầu tư gửi nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công đến Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu trữ và quản lý di tích.

Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, đồng thời thông báo rộng rãi nội dung tôn tạo Phủ Vân Cát trước nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Phủ Vân Cát là công trình di tích lịch sử quan trọng trong hệ thống các di tích thuộc quần thể Phủ Dầy, bên cạnh Phủ chính Tiên Hương và lăng mẫu Liễu Hạnh. Năm 1975, Phủ Vân Cát được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Văn bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký” được đặt ở Ngũ Vân Lâu trước phủ Vân Cát do Tổng tài quốc sử quán đời Nguyễn là Cao Xuân Dục soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901) viết về quá trình xây dựng phủ Vân Cát: “…là một lầu cổ miếu, chọn đất dựng nền từ thời Lê Cảnh Trị (1633 - 1671).

Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794 – 1800) Hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện… cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ