Tôn giáo học: Ngành học độc đáo và đa ứng dụng

GD&TĐ - Tôn giáo học là ngành khoa học cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện và chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng, hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội.

Tôn giáo học là ngành khoa học cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện, chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng, hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội.
Tôn giáo học là ngành khoa học cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện, chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng, hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội.

Tôn giáo học là một ngành học quen thuộc tại các trường đại học ở nước ngoài nhưng vẫn khá mới tại Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Tôn giáo học, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện cùng Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trưởng Bộ môn Nhân học Tôn giáo, khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM).

Đào tạo gắn với thực hành ở từng môn học

PV: Xin thầy cho biết về lịch sử hình thành của ngành Tôn giáo học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM?

TS. Dương Hoàng Lộc: Từ năm 2019, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn tình hình tôn giáo ở vùng đất Nam bộ và Tây Nguyên cũng như nhu cầu nguồn nhân lực liên quan đến công tác tôn giáo trên cả nước, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã thành lập Tổ biên soạn đề án chương trình đào tạo hệ cử nhân ngành Tôn giáo học cùng sự thành lập Bộ môn Nhân học Tôn giáo – trực thuộc khoa Nhân học để trực tiếp đảm nhận công tác đào tạo.

Với nhiệm vụ trong tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nói chung và cho địa bàn Nam bộ và Tây Nguyên nói riêng, nên khi biên soạn chương trình này, chúng tôi đã quan tâm tham khảo một số chương trình đào tạo ngành này ở trong và ngoài nước để kế thừa một cách phù hợp với yêu cầu thực tiễn Việt Nam với trọng tâm là địa bàn Nam bộ và Tây Nguyên. Chương trình đào tạo hệ cử nhân ngành Tôn giáo học đã được ĐHQG-HCM thông qua, cho phép triển khai và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên từ năm 2021.

Sinh viên ngành Tôn giáo học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM thực tế Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh

Sinh viên ngành Tôn giáo học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM thực tế Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh

PV: Sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Tôn giáo học?

TS. Dương Hoàng Lộc: Theo cấu trúc chương trình đào tạo được quy định, sinh viên ngành Tôn giáo học sẽ học các môn học khối kiến thức đại cương theo qui định, đồng thời sẽ học các môn học thuộc nhóm cơ sở ngành như Tôn giáo học đại cương, Nhân học tôn giáo, Triết học tôn giáo, Xã hội học tôn giáo, Tâm lý học tôn giáo, Mỹ học tôn giáo,…Sau đó, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành gắn với các tôn giáo lớn trên thế giới và Việt Nam như Phật giáo, Ky-tô giáo, Islam giáo, Hindu giáo, Đạo giáo và các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam,…

Ngoài ra, để giúp sinh viên tiếp cận hoạt động thực tiễn tôn giáo hiện nay, chúng tôi đưa các môn học thuộc khối bổ trợ ngành vào giảng dạy, có thể kể đến các môn học: Tôn giáo với Công tác xã hội, Tôn giáo với nghệ thuật, Du lịch tâm linh, Lễ hội tôn giáo, Tôn giáo với sức khỏe cộng đồng, Công tác dân vận trong tôn giáo, Kiến trúc và mỹ thuật tôn giáo… Toàn bộ chương trình đào tạo là 120 tín chỉ, trong thời gian 04 năm.

Đặc biệt, còn có hai học phần thực tập thực tế nhằm giúp sinh viên vận dụng kiến thức, kỹ năng vào công tác nghiên cứu cũng như gắn với chuyên môn nghề nghiệp tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.

PV: Việc đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa thầy?

TS. Dương Hoàng Lộc: Tôn giáo học là ngành học vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn cao. Cho nên, ngoài việc trang bị tốt kiến thức lý luận, Bộ môn quan tâm đầu tư việc gắn với thực hành không chỉ trong toàn bộ chương trình đào tạo mà còn ở từng môn học. Sinh viên ngành Tôn giáo học được tham dự các tọa đàm, hội thảo khoa học về tôn giáo do nhà trường tổ chức, giao lưu và trao đổi với các tổ chức tôn giáo, đi thực tế tại các cơ sở tôn giáo, thực tập tại các tổ chức phi chính phủ (NGOs) liên quan đến an sinh xã hội của tôn giáo, các công ty du lịch tâm linh, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo ở các cấp. Điều này giúp các em cọ xát thực tiễn, ham thích ngành học và đầu tư phát triển kỹ năng, kiến thức liên quan ngành Tôn giáo học.

PV: Được biết, ngành Tôn giáo học đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành Tôn giáo học có thể làm tốt những công việc như thế nào?

TS. Dương Hoàng Lộc: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Tôn giáo học có thể đảm nhận tốt các công việc sau đây: Giảng viên giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến tôn giáo; Cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại các viện, trung tâm, NGOs; Cán bộ chuyên trách tôn giáo ở các cấp chính quyền; Phóng viên, biên tập viên về tôn giáo cho các báo, đài, tạp chí, nhà xuất bản; Công tác tại các đơn vị công ty du lịch và có thể tiếp tục theo học các chương trình đào tạo cao hơn về tôn giáo ở trong nước và nước ngoài…Hiện nay, có khá nhiều học bổng nghiên cứu sau đại học về tôn giáo học ở các nền học thuật tiên tiến trên thế giới.

Ngành học dành cho các bạn trẻ đam mê, yêu mến truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa tâm linh

Sinh viên ngành Tôn giáo học tham gia hội thảo khoa học.

Sinh viên ngành Tôn giáo học tham gia hội thảo khoa học.

PV: Để theo học ngành, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa thầy?

TS. Dương Hoàng Lộc: Để theo học ngành Tôn giáo học, các bạn cần có tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần phục vụ cộng đồng xã hội, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có năng lực tự học, tự nghiên cứu... Nhưng theo tôi, hơn hết vẫn là niềm đam mê, lòng yêu mến về truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là giá trị văn hóa tâm linh tạo ra những ứng xử đạo đức, lối sống nhân văn của con người Việt Nam. Các bạn cũng cần là người có ý tưởng vận dụng các vấn đề lý thuyết vào thực tiễn vì chương trình rất khuyến khích khả năng ứng dụng, sáng tạo của người học.

PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo thầy, sinh cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?

TS. Dương Hoàng Lộc: Sinh viên theo ngành Tôn giáo học cần trau dồi nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan.

Về kiến thức, các em thường xuyên trau dồi hệ thống kiến thức cơ bản, có tính hệ thống liên ngành và chuyên sâu về tôn giáo và tín ngưỡng, đặc biệt là tôn giáo và tín ngưỡng ở Nam bộ và Tây Nguyên với kiến thức thực tế vững vàng.

Về kỹ năng, sinh viên tăng cường kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu, vận động, tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về dân tộc - tôn giáo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường liên ngành, đa văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực hoạt động của tín ngưỡng, tôn giáo.

PV: Xin thầy cho lời khuyên đối với các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành học này để thực hiện đam mê và thành công.

TS. Dương Hoàng Lộc: Ngành Tôn giáo học sẽ là ngôi nhà của những bạn trẻ có ý thức hòa nhập cộng đồng, nhiệt huyết phụng sự xã hội và đất nước, tinh thần phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp, thường xuyên thực hiện việc tự bồi dưỡng kiến thức và năng lực của bản thân, nhất là sự chân thực, khách quan, thận trọng và khoan dung trong nhận định, đánh giá, giải quyết vấn đề tôn giáo.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ