Toilet siêu thông minh ở Nhật Bản

Không ai muốn vào nhà vệ sinh công cộng ngồi vào phải một cái toilet còn ấm, vì điều đó chứng tỏ có một người vừa dùng qua. Vậy, phải có toilet siêu thông minh. Bài viết sau đây của phóng viên BBC News Tim Smedley đăng ngày 4/1:

Toilet siêu thông minh ở Nhật Bản

Chưa hết, có lẽ bạn sẽ hoảng hốt hơn khi nhìn qua bên cạnh không thấy giấy vệ sinh đâu, chỉ thấy bức tường trơn và một thiết bị điều khiển từ xa. Thế nhưng, chiếc điều khiển này có chế độ rửa và sấy khô. Chỉ với một nút nhấn, một “cây gậy” nhỏ sẽ hiện ra bên dưới bạn và bạn được tùy chọn cường độ nước hoặc góc phun nước cũng như chế độ sấy khô. Khi bạn đứng lên, toilet tự đóng lại, dội nước và tự làm sạch bằng tia cực tím.

Toilet nhãn hiệu Toto dòng Actilite, kèm chức năng Washlet (rửa tự động) được bán ra với giá 12.500 USD. Có lẽ không bất ngờ khi nó là một nhãn hiệu Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ khi văn phòng đầu tiên của Toto được mở ra tại London vào năm 2009, hãng này đã tìm cách dành chỗ đứng trên thị trường châu Âu, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh.

Mặc dù không được xem là loại vật dụng cao cấp dành cho giới siêu giàu, những toilet công nghệ cao như vậy có thể sẽ giúp nâng cao chuẩn mực vệ sinh trên toàn cầu. Có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi một bàn tay robot được phép tiến lại gần vùng kín của mình, tuy nhiên Floyd Case - quản lý dự án tại Toto Europe, đảm bảo với tôi rằng không có gì đáng lo ngại.

Toilet sieu thong minh o Nhat Ban - Anh 1

Bộ toilet thông minh của hãng Toto, Nhật Bản (Ảnh: Toto).

"Nó không giống như rửa xe, bạn không ngồi đó và hy vọng! Khi bạn ngồi xuống, có các cảm ứng trên bệ toilet để thông báo cho máy tính biết rằng đang có người dùng. Bệ toilet có chức năng sưởi cũng như khử mùi. Nếu bạn muốn tự rửa, chiếc điều khiển sẽ mang lại cho bạn, hay sự lựa chọn: rửa đằng sau hoặc rửa phía trước (dành cho nữ)".

“Cây gậy” robot sẽ hiện ra và vệ sinh vùng kín của bạn với tốc độ 70 giọt nước/giây. Bạn có thể chỉnh vị trí của vòi, cường độ và nhiệt độ nước bằng điều khiển. Bạn cũng có thể dùng chức năng sấy khô bằng khí nóng.

Toilet này cũng rất sạch. Nó dùng muối hòa tan để tạo một dung dịch có acid thấp nhằm diệt khuẩn. Nó cũng sử dụng tia cực tím khi nắp toilet đã được đậy để tiêu diệt tất cả các ký sinh trùng.

Dòng Satis G-Type được sản xuất bởi Lixil - một công ty Nhật Bản khác, cũng có các chức năng tương tự, có điều thiết bị rửa tự động được gọi là “vòi”, thay vì “cây gậy”. Giá của nó cũng rẻ hơn, vào tầm 5.000 USD.

Thông qua kết nối bluetooth, bạn có thể sử dụng ứng dụng “My Satis” trên điện thoại để điều khiển chức năng rửa. Ứng dụng này còn có chức năng “nhật ký toilet” - giúp bạn theo dõi các thông tin trong quá trình đi vệ sinh của mình để đảm bảo sức khỏe.

Toilet sieu thong minh o Nhat Ban - Anh 2

Dòng sản phẩm Actilite của Toto có thiết bị điều khiển từ xa và “gậy” có chức năng rửa, sấy khô (Ảnh: Toto).

Bởi vì ứng dụng này kết nối với internet nên Lixil cũng phải đề phòng khả năng bị xâm nhập - điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó kiểm soát được vòi nước của bạn?

"Để điều khiển một toilet Satis, người dùng phải trải qua vài bước" - Martin Mizutani, giám đốc phát triển sản phẩm toàn cầu của Lixil Water Technology, nói - "Để điều khiển một toilet Satis bằng di động, bạn cần thiết lập một đường dây kết nối giữa thiết bị với thiết bị. Chức năng này chỉ hoạt động khi nắp toilet đang mở. Bên cạnh đó, ứng dụng "My Satis" chỉ có thể được sử dụng bởi một người trong một lúc. Điều này ngăn chặn bên thứ ba xâm nhập vào toilet".

Cả Toto lẫn Lixil đều rất phổ biến ở Nhật Bản. Theo Lixil, có đến 80% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng toilet có chức năng rửa bằng nước ấm. Thế nhưng đưa sản phẩm này ra thị trường quốc tế không dễ.

"Tất nhiên là người ta có thể cười vào nó" - Case thừa nhận - "Người châu Âu không có thói quen như vậy".

Tuy nhiên, Toto đã bán hơn 40 triệu toilet được trang bị “gậy” rửa tự động, với giá khởi điểm từ 1.870 USD trên toàn cầu. Không những chỉ được giới siêu giàu ưa thích, sản phẩm này còn xuất hiện ở các nhà hàng và khách sạn sang trọng. "Phòng vệ sinh là một trong những nơi mà khách sạn có thể mang lại trải nghiệm sang trọng hơn hẳn so với nhà riêng của bạn" - Case nói.

Tất cả những điều này nghe giống như là đỉnh cao của sự cao cấp, thế nhưng việc cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh có thể mang lại lợi ích cho cả người nghèo lẫn người giàu trên khắp thế giới.

Garv Toilets, vốn được lắp đặt tại các nhà vệ sinh công cộng mở cửa miễn phí tại các khu vực nghèo ở những vùng thành thị của Ấn Độ, được thiết kế để có thể tự hoạt động một cách bền vững trong vấn đề sử dụng năng lượng, xử lý chất thải và bảo trì, với các công nghệ thông minh như cảm ứng và nhận dạng tần sóng vô tuyến.

Toilet sieu thong minh o Nhat Ban - Anh 3

Gary Toilet được dùng ở một số vùng nghèo nhất Ấn Độ, là loại toilet tự duy trì hoạt động nếu xét về khía cạnh sử dụng năng lượng xử lý chất thải và bảo dưỡng (Ảnh: GARY TOILET).

Được làm từ inox không rỉ, đèn LED và hệ thống quạt hút mùi bật lên tự động khi người dùng mở cửa ra. Sau khi sử dụng xong, công nghệ cảm ứng kích hoạt sàn nhà và hệ thống rửa. Hệ thống toilet này cũng có chức năng đếm số lượng người dùng và số lần họ dội cũng như sử dụng xà phòng rửa.

Các toilet thông minh có thể đóng vai trò quan trọng cho tương lai của ngành y tế toàn cầu. Theo Toilet Board Coalition - một liên minh các doanh nghiệp với nhiệm vụ cổ súy cho việc nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh, toilet của bạn có thể cứu sống tính mạng của bạn. "Chúng có thể là các thiết bị y tế thông minh có khả năng phân tích số liệu sức khỏe của bạn và chuyển cho bác sỹ của bạn".

Liệu điều này có còn xa? Theo Floyd Case, Toto đã, đang làm điều này: "Chúng tôi đã bán hàng nghìn toilet cho các bệnh viện ở Nhật Bản, với chức năng rửa và sấy khô cũng như phân tích nước tiểu".

Ông cũng cho biết các toilet gia dụng cũng sẽ làm được điều này và chuyển dữ liệu vào điện thoại của bạn. Tuy nhiên, họ không muốn đẩy công nghệ này ra thị trường khi mà người tiêu dùng còn chưa sẵn sàng. "Hiện tại, người ta vẫn còn tỏ ra ngạc nhiên trước công nghệ mà Nhật Bản đã dùng từ 30 năm trước”.

Theo Người Tiêu Dùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ