Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng:

Tôi vẫn muốn làm một bộ phim độc lập

GD&TĐ - Lặng lẽ quan sát, lặng lẽ đứng sau từng khuôn hình, kể câu chuyện về những nhân vật, sự kiện, các vấn đề của đời sống xã hội.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng (thứ 2 từ phải sang) tác nghiệp tại hiện trường.
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng (thứ 2 từ phải sang) tác nghiệp tại hiện trường.

Đó là đôi nét hình dung về người làm phim tài liệu được đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng chia sẻ cùng Báo Giáo dục & Thời đại.

- Một đạo diễn phim tài liệu trưởng thành từ quay phim, đó có phải là may mắn không, thưa anh?

- Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy người quay phim khi trở thành đạo diễn phim tài liệu thường có những thuận lợi nhất định. Ví dụ như họ đã có kinh nghiệm tác nghiệp hiện trường, được làm việc cùng các đạo diễn lành nghề, học hỏi được nhiều về ý tưởng.

Khi trở thành đạo diễn thì họ cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời có những sáng tạo mới. Đạo diễn có nghiệp vụ quay phim thường lợi thế về ngôn ngữ hình ảnh, cách triển khai các ý tưởng thành hình ảnh như thế nào.

Đạo diễn không xuất phát từ quay phim cũng không sao, bởi quan trọng nhất của công việc này là kể câu chuyện như thế nào, qua đó gửi gắm điều gì. Việc sáng tạo tại hiện trường là cực kỳ cần thiết, không chỉ với đạo diễn mà với tất cả các thành phần làm phim tài liệu.

Bởi vì, hiện thực đời sống luôn thay đổi, hôm nay thế này nhưng đến ngày mai có thể đã khác. Kinh nghiệm rất quan trọng, tuy nhiên sự sáng tạo còn quan trọng hơn.

- Lần đầu tiên trong vai trò một người quay phim tài liệu, anh có cảm xúc thế nào?

- Đó là năm 1999, thời điểm tôi chập chững bước vào nghề nhưng rất may mắn được làm việc, đi cùng, được sự giúp đỡ tận tình của các nghệ sĩ gạo cội làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Những thước phim đầu tiên tôi quay trong chuyến đi làm phim “Vì cuộc sống bình yên” - một bộ phim tài liệu đề tài hậu chiến, khắc họa hậu quả, sức tàn phá ghê gớm của bom mìn đối với con người. Tôi đi vào bãi mìn, hồn nhiên nghĩ rằng không có vấn đề gì, tức là mình đam mê quá, ham hình quá, cho nên tôi đã quay rất tốt những cảnh ấy.

Khi rút ra khỏi bối cảnh đó mới thấy sợ, thấy nguy hiểm nhưng nhờ sự mạo hiểm ấy mà bộ phim “Vì cuộc sống bình yên” có những hình ảnh vô cùng ám ảnh. Những người lớn, trẻ em bị mất đi một phần thân thể vì giẫm phải mìn, vướng phải bom bi. Nhiều vụ tai nạn do cưa bom mìn mà bay cả thân xác.

Nhiều gia đình mất đi người thân, hoàn cảnh rất buồn thương. Dù chỉ đóng góp một số cảnh quay, nhưng tác phẩm đó đánh dấu bước đầu tiên tôi đến với điện ảnh, như là nhân duyên cuộc đời. Trong hành trình mấy chục năm nay, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì được làm nghề, giữ trọn vẹn ngọn lửa đam mê với nghề.

- Nhiều tác phẩm do anh đạo diễn có nhân vật chính là những số phận đời thường đối diện với khó khăn, biến cố, bất hạnh. Trong anh hẳn cũng có nhiều day dứt, nhiều câu hỏi muốn chính mình phải đi tìm câu trả lời?

- Với người làm phim tài liệu, bao giờ họ cũng đau đáu về những câu chuyện, những vấn đề trước mắt họ. Khi không có chính kiến, không còn mối bận tâm trăn trở thì chắc chắn lúc đó không còn làm nghề được nữa. Thường trực trong tôi luôn phải quan sát, tìm hiểu xem đằng sau câu chuyện này là gì, vấn đề này ra sao, có tác động đến ai, bộ phim này có được xã hội đón nhận quan tâm thật sự hay không?

Tôi nhớ mãi thời điểm thực hiện “Quán trà câm” – tác phẩm tốt nghiệp chuyên ngành quay phim của mình. Gần ba tháng trời tôi lân la, vạ vật ở quán trà mà những người khiếm thính hay lui tới.

Mãi rồi mới làm quen, học được cách giao tiếp với họ, được họ dẫn về nhà chơi, rủ đi uống bia. Khi tôi bắt đầu quay thì giữa tôi và họ không còn bất kỳ khoảng cách nào. Chính cái không khoảng cách đó đã tạo ra thành công của bộ phim.

Đến giờ phút này xem lại, tôi thấy mình còn rất non nớt, lẽ ra phim không cần lời bình nhưng lại vẫn dùng lời bình. Tuy nhiên, bộ phim cũng đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời, được các thầy đánh giá cao, 5 thầy đều cho tôi 5 điểm 10.

Sau bộ phim này, nhiều sinh viên muốn làm phim tài liệu hơn. Thời điểm mấy chục năm trước, các vấn đề gợi mở trong “Quán trà câm” cũng góp phần xóa đi mặc cảm trong cộng đồng người khiếm thính, đem tới sự chia sẻ thấu hiểu hơn.

Một cảnh trong phim khoa học 'Lũ miền núi' của đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng. Ảnh: NVCC

Một cảnh trong phim khoa học 'Lũ miền núi' của đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng. Ảnh: NVCC

- Anh cũng tham gia làm nhiều phim về các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng. Việc tiếp cận với mỗi nhân vật đặc biệt này của anh có gặp khó khăn gì không?

- Được tiếp xúc những con người như vậy là may mắn của tôi. Có thể họ đã mất rồi, có thể họ đang còn sống. Khi khai thác những nhân vật này, việc tìm hiểu về họ rất cần thiết.

Với những nhân vật đã mất thì chúng tôi phải đi tìm rất nhiều nguồn tài liệu, từ gia đình, các kho lưu trữ và từ đánh giá của các nhà nghiên cứu hoặc những người biết đến họ.

Bên cạnh thành tựu cống hiến của nhân vật, người làm phim phải tìm ra điều đặc biệt, riêng biệt, khám phá được những cái mới. Có như vậy tác phẩm mới hấp dẫn, được khán giả đón nhận.

Với những nhân vật đang sống cũng phải tìm một cái tứ, một lối tiếp cận riêng có tính gợi mở. Ví dụ, thời điểm tôi làm phim về nhà văn hóa Hữu Ngọc. Khi gặp tôi, ông nói: “Tùng ơi, đã có 12 phim làm về tôi rồi, kể cả trong nước và nước ngoài, thế thì bây giờ Tùng làm cái gì?”.

Câu hỏi thật sự khó. Phải khai thác những gì, tìm khía cạnh nào, câu chuyện nào, cách kể ra sao? Việc làm mới con người, làm mới tác phẩm bao giờ cũng là thách thức đối với các nhà làm phim. Ở bộ phim về nhà văn hóa Hữu Ngọc, tôi lấy cái tứ “Lang thang như đám mây trời”.

Lang thang như thế nào? Hình ảnh đám mây liên quan gì đến nhân vật? Rõ ràng là việc đi nhiều, xê dịch nhiều và miệt mài nghiên cứu tìm hiểu của nhà văn hóa Hữu Ngọc đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng, gợi mở cho tôi cách kể chuyện riêng.

Dấu chân ông in khắp xứ sở quê hương, đặt tới nhiều đất nước nhiều châu lục trên thế giới. Cả đời ông nghiên cứu văn hóa và quảng bá văn hóa, là một nhịp cầu nối đất nước ta với nhiều nước trên thế giới. Sự lang thang đó là một phẩm chất văn hóa ở ông, có tính lan tỏa, truyền cảm hứng.

- Phải chăng, những vấn đề đặt ra trong tác phẩm sẽ có giá trị lâu dài khi các nhà làm phim đẩy lên được thành câu chuyện gắn với thời đại?

- Những người làm phim tài liệu chúng tôi có một câu nói hài hước là: “Nói Hà Tây nhưng lại chết cây Hà Nội”. Vốn Hà Tây trước cũng là một tỉnh riêng mà. Ẩn ý trong câu nói đó rất rõ ràng. Nếu một bộ phim tài liệu chỉ dừng ở mức độ cung cấp thông tin thì chưa đủ.

Nó phải là vấn đề xã hội, vấn đề con người đang quan tâm. Và khi là vấn đề của xã hội, của con người thì chắc chắn tác phẩm sẽ có giá trị lâu dài, hôm nay xem nhưng vài năm sau hoặc nhiều năm sau chúng ta vẫn thấy câu chuyện còn gần gũi, ở đâu đó bên cạnh mình.

Với phim tài liệu về vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội – bác sĩ Trần Duy Hưng, tôi có ấn tượng sâu sắc hình ảnh một bác sĩ, một vị quan chức giản dị gần gũi, chăm lo đến đời sống của người dân, ân cần với tất cả. Lúc thực hiện các phỏng vấn cho phim, tôi rất cảm động khi nghe nhiều người nói rằng: “Cái này chỉ có bác Trần Duy Hưng thôi”.

Qua quá trình tìm hiểu cho tôi những hiểu biết sâu sắc về ông - một trí thức có tình yêu lớn với đất nước, tình yêu lớn với Hà Nội. Trong bộ phim, tôi còn khai thác được hình ảnh của bác sĩ Trần Duy Hưng khi tiếp xúc với những cô bác lao công, mời họ vào nhà uống nước, chuyện trò chân tình cởi mở. Một vị lãnh đạo như thế để lại tấm gương cho chính tôi.

Rồi sau này khi làm phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những con người không màng danh lợi cá nhân, cống hiến cả cuộc đời mình vì độc lập, tự do, vì sự phát triển của đất nước.

Những tấm gương đó với tôi giá trị lắm và đấy là may mắn của tôi khi được nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời của họ. Tất nhiên, với người làm phim, việc tìm tòi những cái mới luôn là thách thức, cũng là chìa khóa duy nhất để đưa được tác phẩm đến với khán giả.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng (ngoài cùng bên phải) tại hiện trường làm phim tài liệu 'Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một người Hà Nội'.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng (ngoài cùng bên phải) tại hiện trường làm phim tài liệu 'Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một người Hà Nội'.

- Gắn bó với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương từ những ngày đầu làm nghề, vậy có khi nào anh muốn thay đổi, xê dịch?

- Tôi đã gắn bó với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương ngay từ những ngày đầu rời cánh cổng trường học để bước vào đời. Trong quá trình làm nghề, cơ hội đến với tôi cũng nhiều nhưng đúng là nhân duyên của tôi gắn bó với hãng phim.

Khởi đầu bằng những thước phim tài liệu khoa học thì sau này, mãi mãi trong trái tim tôi chỉ có phim tài liệu khoa học cùng tâm nguyện luôn cố gắng đóng góp những thay đổi nào đó, để phim tài liệu và phim khoa học có những cách tiếp cận, cách làm mới hơn.

Đó là điều mong mỏi nhất. Hiện, tôi và các đồng nghiệp cố gắng thay đổi chính mình, thay đổi cùng nhau, cố gắng sáng tạo những tác phẩm có nhiều giá trị với đời sống xã hội. Và khi có giá trị thì chúng ta sẽ tồn tại.

- Tôi vẫn có một hình dung ngày nào đó sẽ gặp anh Tùng với ba lô và máy quay phim trên vai, độc hành ở một vùng đất nào đấy để theo đuổi một dự án, một bộ phim hoàn toàn là của anh. Anh thấy sao?

- Một bộ phim độc lập đúng là mơ ước của tôi, từ rất lâu rồi, cũng là nỗi niềm khi chưa thực hiện được. Nếu tự mình đi khám phá, tìm hiểu và kể một câu chuyện với những diễn biến trong thời gian khá dài thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với việc phải đáp ứng kế hoạch ba tháng hoặc năm tháng, có những phim chỉ một tháng.

Bất cứ đề tài gì, nếu thời gian thực hiện ngắn quá sẽ phải rút ngắn đủ các thứ nên sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ giảm đi. Tôi vẫn mong muốn thực hiện một bộ phim độc lập, có thể 3 - 5 năm, cũng có thể khi về hưu mới hoàn thành.

Bây giờ mà bỏ hết mọi việc để theo đuổi một đề tài thì thật sự cũng rất khó. Mặt khác, chính cái khó đó lại tạo rào cản đối với mình. Câu hỏi của chị đồng thời cũng tạo thêm động lực, thêm quyết tâm cho tôi.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng!

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sinh năm 1975 tại Thanh Hóa. Anh thành danh ở cương vị quay phim và đạo diễn; nhiều lần được nhận Giải Quay phim Xuất sắc, Đạo diễn Xuất sắc tại các liên hoan phim Việt Nam, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhiều phim do anh đạo diễn và đồng đạo diễn nhận các giải thưởng cao quý như Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc, các giải thưởng quốc tế… Năm 2019, đạo diễn Trịnh Quang Tùng được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Một số tác phẩm gắn với tên tuổi anh như: “Lũ miền núi”, “Bướm – côn trùng cánh vảy”, “Chuyện dài ở bệnh viện”, “Khi không thể vượt qua chính mình”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.