Tối ưu hóa 'lớp học động'

GD&TĐ - Trong bối cảnh thiếu phòng học, nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã linh hoạt triển khai giải pháp nhằm đáp ứng chương trình mới.

Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tại Trường THCS Nguyễn Trãi là 100%.
Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tại Trường THCS Nguyễn Trãi là 100%.

Trong đó mô hình “lớp học động” mà các trường tiểu học, THCS tại quận Gò Vấp (TPHCM) triển khai đã mang lại hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.

Một phòng dành cho nhiều lớp học

Theo chia sẻ của ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh các lớp 1, 2, 3 phải được học 2 buổi/ngày. Trước tình trạng không đủ phòng học, cách đây 3 năm, mô hình “lớp học động” đã ra đời. Theo đó, trong giờ học Thể dục, Tin học… học sinh di chuyển sang phòng học chuyên môn, sân bãi thì các em lớp khác vào lớp đó học.

“Lớp học động” được Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp triển khai đầu tiên ở cấp THCS, sau đó áp dụng cho cấp tiểu học. Ông Thanh cho biết: “Xuất phát từ gợi ý của lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, đến các tiết Tin học, Tiếng Anh, Thể dục… học sinh sẽ qua các phòng chức năng để học. Khi đó, các phòng học sẽ bỏ trống. Vì vậy, phòng đã hướng dẫn các trường tận dụng những phòng học này để dạy các em lớp khác, đan xen thời khoá biểu.

Tại quận Gò Vấp, Trường THCS Nguyễn Trãi là đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình “lớp học động”. Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Đức cho biết, trường có 45 phòng học trong khi đó có 59 lớp. Vì vậy, cơ sở vật chất của nhà trường không thể đáp ứng cùng lúc cho tất cả học sinh học 2 buổi/ngày. Do đó từ năm 2020, được sự hướng dẫn từ phòng GD&ĐT quận, nhà trường đã triển khai mô hình “lớp học động”.

Chia sẻ về công tác tổ chức “lớp học động” tại trường, theo thầy Đức, trường có 2 phòng vi tính, khối 6 học Tin học 1 tiết/tuần còn khối 7, 8, 9 học 2 tiết/tuần. Còn với tiết Thể dục, các khối lớp đều có 2 tiết/tuần. Ngoài ra, theo chương trình giảng dạy, buổi học thứ 2 trong ngày có tiết để hỗ trợ kiến thức các môn Văn, Toán, Anh và tiết giáo dục toàn diện như năng khiếu về thể dục thể thao các em cũng được ra sân. Ngoài ra, trường còn có phòng thực hành Lý - Hoá - Sinh, mỗi khi có lớp đến đây thực hành, học sinh lớp khác lại đến học tại các lớp đó. Tiết đọc sách tại thư viện trường cũng tương tự.

“Như vậy, từ tiết Thể dục, Năng khiếu, Tin học, thực hành… cộng lại lớp học sẽ trống gần 300 tiết/tuần, trong khi thời khoá biểu học sinh học 2 buổi/ngày là mỗi tuần 38 tiết. Do đó nếu soạn thời khoá biểu hợp lý, lớp này đi ra, lớp khác vào học sẽ bố trí được tất cả học sinh trong trường học 2 buổi/ngày. Tất nhiên mỗi lớp 1 buổi chỉ phải di chuyển một lần. Đặc biệt, nhà trường có nhà thi đấu đa năng, bình thường có 1 lớp học, trường hợp trời mưa giáo viên lại ghép lớp học thể dục ngoài trời vào đây cùng học”, thầy Đức cho hay.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày

Khi chuyển đổi lớp học, lớp trưởng 2 lớp sẽ bàn giao nhanh chóng về cơ sở vật chất như bàn, ghế… Trước đó, giáo viên giám thị sẽ xây dựng bản phân công lớp học để các thầy cô nắm bắt. Nắm rõ lịch học và sơ đồ các lớp đang học, giáo viên sẽ chủ động đến lớp đó dạy một cách nhanh chóng. “Thời điểm đầu triển khai mô hình cũng khá vất vả, tuy nhiên sau một thời gian, thầy cô cũng như học sinh quen dần, nhờ đó tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 100% ”, thầy Đức cho hay.

Tương tự, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) triển khai “lớp học động” được hơn 3 năm. Theo cô Hiệu trưởng Phan Thị Châu, trường có 47 phòng học nhưng có tới 52 lớp. Do đó, thực hiện mô hình trên đã góp phần tăng tỷ lệ số lớp học 2 buổi/ngày theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Hiện trường có 44 lớp học 2 buổi/ngày, còn 8 lớp học 1 buổi/ngày.

“Nhờ thực hiện “lớp học động”, nhà trường mới bố trí được 100% học sinh lớp 1, 2 học 2 buổi/ngày. Tất nhiên muốn thực hiện được phải sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, đảm bảo sức khỏe của học sinh. Bên cạnh đó tuyên truyền để phụ huynh hiểu, nắm rõ và đồng hành cùng trường để triển khai hiệu quả”, cô Châu chia sẻ.

Với các trường THCS, nhờ mô hình này mà 100% học sinh học 2 buổi/ngày theo chương trình mới. Còn ở bậc tiểu học, mô hình “lớp học động” triển khai ở lớp 4, 5 do học sinh lớp 1, 2, 3 còn nhỏ, khó di chuyển. Nhờ vậy, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc học này đã tăng lên gần 78%. “Theo ghi nhận từ các trường triển khai mô hình này, thời gian đầu gặp phải khó khăn, nhưng sau đó quen dần. Thực tế mô hình “lớp học động” đã giải quyết tạm thời tình trạng thiếu phòng học hiện nay”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo chia sẻ của ông Thanh, không nên nghĩ rằng, lớp học 2 buổi/ngày là một phòng cho một lớp, phòng học được hiểu là địa điểm để đặt lớp học. Phòng học cũng như phòng chức năng dùng cho nhiều lớp. Tuy nhiên, phòng chức năng dùng cho toàn trường, nhưng phòng học đó có thể biên chế khéo léo cho 2 đến 3 lớp dùng chung. Điều này đòi hỏi phải tính được tổng số công suất cần sử dụng giờ học, cũng như phòng học cần sử dụng trong 1 tuần, từ đó sắp xếp thời khoá biểu hợp lý.

Tại TPHCM, dù trường lớp được xây mới hằng năm nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Vì vậy, nhiều trường thiếu phòng học/lớp học phải mượn của cơ sở khác gần trường để dạy hay sử dụng phòng chức năng làm phòng học. Theo thống kê của Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM, đối với các lớp 1, 2, 3, có 82,6% số trường có 100% lớp học 2 buổi/ngày. 80,7% lớp được học 2 buổi/ngày và 74,8% học sinh được học 2 buổi/ngày. Trong đó, các quận, huyện 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Cần Giờ, Nhà Bè có 100% số lớp, số học sinh được học 2 buổi/ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.