"Tôi ước học trò dân tộc thiểu số được học và yêu tiếng dân tộc mình..."

GD&TĐ - Mở lớp xoá mù chữ 3 năm trước khi thi vào trường sư phạm, sau 23 năm, thầy Đào Văn Mượt – đại sứ “3 điều ước” của tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu luôn mong trẻ em dân tộc được học để yêu ngôn ngữ và văn hoá dân tộc mình.

Thầy giáo Đào Văn Mượt trên bục giảng. (Ảnh: NVCC)
Thầy giáo Đào Văn Mượt trên bục giảng. (Ảnh: NVCC)

Tự xây trường, gom trò nghèo dạy chữ

Thầy giáo Đào Văn Mượt, sinh năm 1970 (dân tộc Chơ Ro) – Giáo viên, Tổng phụ trách đội, Trường Tiểu học Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu. Thầy Mượt được biết đến như một tổng phụ trách đội “già” tuổi đời nhưng vẫn trẻ trung, hoạt náo khi dẫn dắt đội viên.

Lý do chọn nghề dạy học của thầy Mượt có lẽ có chút ngược với thông thường vì thầy đi dạy học trước khi đi học trường sư phạm. Thầy Mượt tâm sự:

“Năm 1990 tôi về ấp Xuân Giao, xã Ngài Giao (nay là thôn Tân Châu, xã Bàn Chinh, Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lập gia đình và lập nghiệp. Nơi đây, khoảng 25 năm trước vô cùng khó khăn, mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì mịt mù bụi bặm. Đời sống người dân quá nghèo và lạc hậu khiến các em nhỏ ở đây không được đến trường, nạn thất học rất phổ biến.

Vì thương các em nên tôi vận động bà con góp công, góp của xây dựng trường học cho các em. Người góp gỗ, người góp tre, góp lá,… và “ngôi trường” được hình thành tại nhà tôi với 3 lớp học luân phiên 3 ca: sáng – chiều – tối. Tôi trở thành giáo viên dạy cả 3 ca trong ngày của “lớp phổ cập xoá mù” cho học sinh xóm nghèo.

Ba năm sau ngày mở lớp dạy xoá mù chữ, năm 1993 tôi quyết định thi vào trường Sư phạm Long Toàn (Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu). Ra trường năm 1997, tôi chính thức công tác trong ngành giáo dục cho đến ngày nay.”

Thầy Mượt, 50 tuổi vẫn sôi nổi, trẻ trung trong vai trò Tổng phụ trách đội.
Thầy Mượt, 50 tuổi vẫn sôi nổi, trẻ trung trong vai trò Tổng phụ trách đội. 

Nói về nghề dạy học, giọng thầy Mượt đầy tự hào. Với thầy, nghề dạy học là một trong những nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý. Qua giáo dục giúp cho con người hoàn thiện hơn. Giáo dục chính là chìa khoá mở ra chân trời tri thức mới. “Hiện nay, gia đình tôi đã có 4 thành viên đang làm công tác giáo dục. Cá nhân tôi làm trong ngành giáo dục đã 23 năm. Tôi rất hạnh phúc vì cơ duyên đã cho tôi chọn nghề và nghề đã ưu ái tôi suốt hơn 20 năm qua.”, thầy Mượt nói.

Tôi ước học trò trân trọng và yêu tiếng mẹ đẻ

Đối với điều kiện dành cho giáo dục hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có an sinh xã hội tốt nên cơ sở hạ tầng và các chính sách dành cho giáo dục cơ bản không còn khó khăn như xưa. “Tôi xin dành ước mơ về công trình vệ sinh, bếp ăn bán trú hay áo ấm,… cho học trò nơi khác. Tôi có một điều ước có lẽ hơi đặc biệt cho học trò của mình…”, thầy Mượt trầm ngâm.

Trải lòng về điều ước cho học trò dân tộc thiểu số quê mình, thầy Mượt cho hay: “Khó khăn chung là đa số các em học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay không được học tiếng mẹ đẻ, thậm chí đã có hiện tượng các em “không nói được tiếng mẹ đẻ”. Bởi vậy, điều ước đau đáu của tôi nhiều năm nay là các em học sinh người dân tộc Chơ Ro được tạo điều kiện tốt nhất để học và sử dụng được tiếng mẹ đẻ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của mình.”

Thầy giáo Đào Văn Mượt bên gia đình nhỏ.
Thầy giáo Đào Văn Mượt bên gia đình nhỏ. 

Thầy Mượt tâm sự: Khi được chọn làm Đại sứ “3 điều ước” để kết nối những mong ước của học trò dân tộc thiểu số tại địa phương với các cấp lãnh đạo và cộng đồng xã hội, tôi thực sự cảm thấy vinh dự, tự hào. Bên cạnh đó cũng cảm nhận được sức nặng của trọng trách được giao.

Được biết, thầy Mượt được phân công nhiệm vụ tổng phụ trách đội nhiều năm nay. Trong 23 năm công tác, 11 năm gần đây làm Tổng phụ trách đội, ở tuổi 50, dù không còn hoạt bát, nhanh nhẹn và thực sự phù hợp với vai trò này nhưng vì trách nhiệm cũng như sự tín nhiệm của cấp trên và tình cảm đối với học trò, thầy vẫn cố gắng khắc phục “điểm yếu”, biến đó làm lợi thế để đạt thành quả cao trong các kỳ thi Tổng phụ trách đội cấp huyện, cấp tỉnh.

Với Chương trình “3 điều ước” được khởi động bởi Bộ GD-ĐT cùng các đơn vị hữu quan chỉ sau lời khởi xướng bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khoảng 1 tháng, đối với thầy Mượt và các thầy cô người dân tộc thiểu số như một giấc mơ thành hiện thực. Thầy Mượt cho rằng: “Khi các điều ước cho học trò được thực hiện là lúc giáo dục địa phương đã được quan tâm toàn diện tới tất cả đối tượng người học. Đây sẽ là việc vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tới con em đồng bào dân tộc thiểu số, giảm thiểu và xoá mọi ranh giới của bất bình đẳng trong giáo dục.”

“Là người con dân tộc thiểu số, lớn lên trong đùm bọc yêu thương của đồng bào, tôi vẫn hàng ngày hàng giờ đau đáu ước mơ dạy tiếng dân tộc cho người dân tộc để gìn giữ và bảo tồn văn hóa. Bản thân tôi, nhiều năm qua cũng đã chủ động phối hợp với các cấp, các ban ngành tại địa phương bảo tồn văn hoá nói chung và văn hoá dân tộc Chơ Ro nói riêng. Học và yêu tiếng mẹ đẻ là cách tôi cùng các học trò của mình bảo tồn và phát huy sự đa dạng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.”, thầy  Đào Văn Mượt cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.