Học trò vùng khó cần tiếp sức
Cô Thu Trang cho biết: Hiện nay ở địa phương chúng tôi có 21 đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện tỷ lệ người dân tộc thiểu số gần 48%, chủ yếu là người Êđê – chiếm tỉ lệ 33,83%; dân tộc Bana là 2,43%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác.
Xã EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nơi tôi đang công tác) là xã nghèo, thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Êđê và một số dân tộc khác từ phía Bắc đến định canh định cư sau ngày thành lập huyện.
Những năm trước đây, EaTrol là một vùng đất hoang sơ, thiếu thốn mọi mặt, cơ sở hạ tầng yếu kém, cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, nạn mù chữ lan tràn trong cộng đồng người Êđê, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thời điểm diễn ra phức tạp…
Tuy ngày nay cuộc sống đã có nhiều đổi khác, song đời sống và mức hưởng thụ giáo dục, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã EaTrol vẫn còn thấp, đời sống nhân dân vẫn còn vất vả… Vì vậy, việc dạy và học tại trường Tiểu học và THCS EaTrol cũng gặp không ít khó khăn.
Cô Thu Trang tâm sự: Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi thấy vấn đề giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của các em học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ và trăn trở. Bởi giáo viên đứng lớp hầu hết không biết tiếng dân tộc. Các em học sinh mặc dù biết tiếng phổ thông, đọc được, viết được, giao tiếp được nhưng để hiểu sâu và tiếp thu được về văn học, cũng như kiến thức của các bộ môn khác thì cực kỳ khó khăn, có những em do điều kiện hoàn cảnh gia đình cho nên việc đến lớp không đầy đủ, bỏ học giữa chừng, tập trung cho việc học tập không nhiều. Vì vậy chất lượng dạy học, kết quả học tập của các em chưa đảm bảo, chất lượng chưa theo kịp đồng bằng và thành phố. Với góc nhìn cá nhân tôi, chất lượng học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương để theo kịp đồng bằng và thành phố thì cần cả một quá trình dài lâu, cần sự hỗ trợ, tiếp sức của toàn xã hội.
Điều ước dành cho học trò
Cô Thu Trang trải lòng về 3 điều ước cho học trò của mình. Điều đầu tiên vẫn là công trình vệ sinh cho các em.
Theo cô Thu Trang, đến thời điểm này, một số điểm trường nơi cô công tác đã có cơ sở vật chất khá ổn nhờ được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, tại điểm trường buôn Đức Mùi suốt bao nhiêu năm nay vẫn chưa có nhà vệ sinh cho học sinh. Người dân Êđê buôn Đức Mùi đa số thuộc diện hộ nghèo. Nhiều người sống quá nửa đời người mà chưa có tiền để bắc điện, phải dùng đèn cầy, đèn dầu thắp sáng. Nhiều thanh niên, trung niên và người già mù chữ, không biết đọc, không biết viết. Khắp trong buôn, nhà cửa tạm bợ, không thấy nhà vệ sinh, họ phóng uế bừa bãi.
Tương tự, tại điểm trường buôn Ly, tuy có nhà vệ sinh cho học sinh nhưng nhà vệ sinh này được xây dựng từ hơn 20 năm trước; hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng, dù năm học 2019 – 2020 vừa qua, nhà trường đã tu sửa nhưng không thể sử dụng được nữa.
Vì vậy, 2 điểm trường buôn Ly, buôn Đức Mùi không có nhà vệ sinh khiến cho việc giáo dục ý thức giữ vệ sinh cho học sinh quả thực là rất khó khăn. Thực tế này, tôi ước có nhà vệ sinh cho học sinh tại điểm trường buôn Ly và điểm trường buôn Đức Mùi.
Điều ước thứ hai, cô thu Trang ước có quần áo cho học sinh. Cô Thu Trang chia sẻ: Hình ảnh nhiều học sinh thường mặc quần áo rách, vá chằng vá đụp khiến giáo viên chúng tôi rất đau lòng, dù đã cố gắng giúp đỡ, tặng áo trắng cho học sinh nhưng các em đông, chỉ giúp được phần nào mà thôi. Khi mặc quần áo rách, các em học sinh tiểu học còn hồn nhiên, chưa xấu hổ nhưng nhiều em học sinh trung học cơ sở bước vào tuổi dậy thì nên đã biết mắc cỡ, mặc cảm, tự ti.
“Trẻ em nơi phố thị được ăn ngon, mặc đẹp, được cưng chiều trong vòng tay cha mẹ, ông bà. Còn các em ở đây, dù nhỏ tuổi có khi phải ăn đói mặc rách vẫn có thể phụ giúp cha mẹ những công việc nhỏ ở nhà, chăm sóc em cho cha mẹ đi làm hoặc phụ giúp cha mẹ mưu sinh kiếm sống. Tôi ước có hơn 600 bộ quần xanh áo trắng cho học sinh để các em tự tin, vui tươi khi đến trường, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.”, cô Thu Trang trải lòng.
Điều ước thứ ba, ước có sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh. Những năm học trước, nhà trường có sách cũ cho học sinh mượn mỗi em 1 bộ sách. Nhưng từ năm học này, Chương trình Giáo dục phổ thông mới áp dụng ở lớp 1, người dân Êđê đã khó khăn, nay lại khó khăn hơn khi phải bỏ ra một khoản tiền – dù là không nhiều nhưng với họ, quả là rất chật vật.
Bên cạnh đó, tại trường TH và THCS EaTrol, một quyển vở học sinh sẽ viết từ 2 môn học trở lên. Tôi ước có 100 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 (chương trình giáo dục phổ thông mới) vào năm học 2021-2022 và hơn 600 tập vở viết, bút… cho học sinh để tiếp bước cho các em đến trường, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, giảm tỉ lệ học sinh yếu, nâng cao dần tỉ lệ học sinh khá, giỏi.
Tâm nguyện của đại sứ điều ước
Chia sẻ cảm xúc khi trở thành đại sứ 3 điều ước tại địa phương, cô giáo Thu Trang cho biết: Tại buổi gặp mặt Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020”, Phó thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã lắng nghe, đã chia sẻ, đã dành cho chúng tôi lời thăm hỏi, động viên, khích lệ đầy ắp ân tình. Đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn, mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trăm năm trồng người”.
“Từ trong sâu thẳm, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm sâu sắc, nhiều chính sách đãi ngộ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trở thành 1 trong 63 đại sứ đầu tiên của phong trào 5 điều ước, không chỉ là niềm vinh dự, xúc động, tự hào của tôi mà hơn hết, đó chính là trách nhiệm góp phần cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tạo dựng hình ảnh đẹp của người giáo viên nhân dân. Tôi hy vọng, bắt đầu từ chính ngôi trường mà các đại sứ đang công tác, phong trào 5 điều ước sẽ lan tỏa đến khắp các điểm trường ở các vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.”, cô Thu Trang nói.