PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, nếu cô giáo có sai đi nữa thì cũng không thể yêu cầu cô giáo phải quỳ như kiểu “trả nợ”. Điều này là không thể chấp nhận trong một dân tộc có truyền thống tôn sư trọng đạo. Những sự việc như thế này cũng khiến các giáo viên trẻ mất lòng tin, không đủ can cảm theo nghề.
Trước câu hỏi liên quan đến sự can thiệp nhiều khi quá sâu của phụ huynh trong trường học, chủ biên của chương trình Ngữ văn mới cho rằng: trong cơn lốc cơ chế thị trường, nhà trường chịu ảnh hưởng nhiều tác động xã hội. Tác động ấy khiến nhiều giá trị trong nhà trường thay đổi. Đó là điều rất cần quan tâm, báo động.
Cũng từ sự việc tại Trường tiểu học Bình Chánh, có thể thấy thêm những khía cạnh khác của bạo lực học đường. Chia sẻ giải pháp, GS Đỗ Ngọc Thống dẫn khẩu hiệu: “Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp” và cho rằng, chỉ cần làm được như khẩu hiệu này đã là rất tốt.
“Những câu chuyện đáng buồn trong nhà trường là hệ quả từ nhiều nguyên nhân, muốn khắc phục được cần đồng bộ. Trước hết mỗi nhà giáo cần có lòng tự trọng, giữ được nhân cách, giỏi về nghề nghiệp… Với phụ huynh, việc giáo dục con cái không thể chỉ trông chờ vào nhà trường. Ngoài ra xã hội, các cấp chính quyền, các cấp quản lý phải vào cuộc và có chính sách thưởng phạt rõ ràng.
Tốt nhất là ngăn chặn trước để không xảy ra những việc như vậy. Còn nếu xảy ra thì phải thật nghiêm khắc, phải có hình thức kỷ luật thích đáng, đúng người, đúng việc” – PGS Đỗ Ngọc Thống cho hay.