Tôi phí 8 năm cuộc đời vì học ngành y theo ý muốn của cha mẹ

GD&TĐ - Thích hội họa nhưng bị bố mẹ ép học ngành y, anh Đức trầy trật để lấy tấm bằng đại học nhưng đi làm được một năm lại bỏ nghề. 

Tôi phí 8 năm cuộc đời vì học ngành y theo ý muốn của cha mẹ

12 năm về trước, cũng dịp tháng 7 này, tôi vừa trải qua kỳ thi đại học được cả gia đình hồi hộp dõi theo. Kết quả năm ấy khiến bố mẹ tôi nở mặt nở mày: Tôi đã đậu Đại học Y. Nhưng bản thân tôi thực sự không vui lắm. Tôi mê vẽ và muốn theo nghề hội họa. Nhưng trong mắt bố mẹ, vẽ vời chỉ là một thú vui phù phiếm, không thể giúp tôi có cuộc sống sung túc, được nể trọng trong xã hội.

Trong khi đó, tôi học khá tốt các môn toán, sinh, họ hàng lại có nhiều người làm bệnh viện, sau này dễ dàng xin vào các đơn vị đó. Vì thế, nguyện vọng được thi vào các trường có môn năng khiếu vẽ của tôi bị cha mẹ gạt phăng. 

Hồi đó, nghe bố mẹ "nhồi sọ" tôi cũng dần gác đam mê vẽ lại, tập trung theo học y với sự tự động viên là mình đang theo một nghề cao quý, sẽ cứu giúp được nhiều người, lại được xã hội đề cao... Dù vậy, những năm trong trường, tôi luôn cảm thấy việc học hành rất chật vật, mệt mỏi. Những ngày, đêm đi trực như cực hình. 

Được làm việc mình đam mê khiến anh Đức thấy cuộc sống nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn. Ảnh: Linh Lee.

Được làm việc mình đam mê khiến anh Đức thấy cuộc sống nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn.

Rồi 6 năm đằng đẵng cũng kết thúc. Ra trường, tôi được vào làm một nơi đã được bố mẹ nhắm sẵn cho. Con đường của tôi có vẻ rất thuận lợi so với nhiều bạn bè cùng lớp. Nhưng đi làm, tôi lại càng cảm thấy mình không phù hợp với nghề. Làm chuyên môn đã không hứng thú, mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà họ, tôi càng thấy căng thẳng, ức chế, có lúc muốn nổ tung. Chỉ sau vài tháng đi làm, trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ hiện lên chữ bỏ việc. 

Làm việc đến kiệt sức nên tôi hầu như chẳng có chút thời gian nào đụng tới cây bút vẽ. Đi làm chán chường, về nhà lại chẳng thể chia sẻ với ai, tôi ngày càng đi về như cái bóng, lúc nào cũng u uất.

Làm bác sĩ được đúng một năm, tôi quyết định bỏ việc. Khi biết tin này, bố mẹ vô cùng sốc và giận dữ. Cả gia đình bắt tôi phải quay lại làm, nếu không sẽ từ mặt. Suốt một tháng liền, tôi nhốt mình trong nhà, nhiều khi đứng ngoài ban công chỉ muốn lao đầu xuống. Thời điểm đó, có một người bạn thân của mẹ tới chơi, khuyên gia đình nên đưa tôi đi khám vì đứa con tự tử hụt của cô ấy có nhiều biểu hiện giống tôi. 

Khi gặp nhà tâm lý, tôi đã rơi vào tình trạng không còn tha thiết gì, cũng chẳng muốn nói chuyện với họ. Nhưng sau vài lần được gợi mở, tôi chia sẻ về ý muốn cầm bút vẽ. Họ mời tới một vị họa sĩ để tôi trò chuyện và cùng vẽ tranh. Được khen có năng khiếu, tôi lấy lại phấn chấn và quyết tâm sẽ thi vào trường mỹ thuật. 

Một lần nữa tôi lại bị cha mẹ phản đối. Hai người nói rằng đã đầu tư vào tôi quá nhiều bao năm qua, giờ không thể lo được thêm nữa và trước sau đều không muốn tôi làm nghệ sĩ. Lần này, tôi không dễ đầu hàng và tuyên bố chỉ cần được bố mẹ ủng hộ quyết định đi học lại ngành mình yêu thích, mọi chi phí tôi sẽ tự lo. 

Dù không muốn, nhưng được vị chuyên gia tâm lý tác động, bố mẹ tôi cuối cùng cũng miễn cưỡng để tôi thi vào Đại học Mỹ thuật năm đó. Tôi đỗ. Bố mẹ tất nhiên cũng không nỡ bỏ mặc nhưng chỉ sau hai tháng nhập học, tôi đã kiếm tiền bằng nghề dạy vẽ cho trẻ em, sau đó, dần tự lo được cho bản thân với nhiều công việc liên quan đến sở trường và ngành học của mình. 

Cuộc sống của tôi trở nên đầy hứng thú và việc đi học, đi làm trở thành niềm yêu thích, nhẹ nhàng chứ không hề nặng nề, mệt mỏi, dù nhiều khi tôi cũng phải bỏ ăn, bỏ ngủ. Ra trường, tôi dễ dàng tự xin việc, bố mẹ không mất một xu hay phải nhờ tới bất cứ mối quan hệ nào. Công việc của tôi bây giờ rất ổn. Tôi cũng đã lấy vợ và có cuộc sống êm ấm, không như bố mẹ vẫn lo trước đây "theo mấy nghề lông bông thì không chăm sóc tốt cho vợ con, gia đình sớm muộn cũng lục đục". Bố mẹ tôi giờ có thể yên tâm hoàn toàn rồi. 

Đây là thời điểm các bạn trẻ đang đứng trước nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai. Tôi không muốn khuyên ai cãi lại lời cha mẹ. Nhưng hãy lắng nghe bản thân, biết được sở thích sở trường của mình, tìm hiểu kỹ các ngành nghề quan tâm để có lựa chọn phù hợp. Phụ huynh định hướng cho con, ngoài căn cứ vào điều kiện thực tế, còn cần quan tâm đến nguyện vọng và khả năng của trẻ. Mỗi trải nghiệm đều cho ta một bài học nào đó. Nhưng tôi thực sự tiếc quãng thời gian 8 năm phải theo đuổi một ngành nghề không dành cho mình để bắt đầu lại khi đáng lẽ có thể đã tiến rất xa.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.