Tới lớp tới trường – nơi ấy có tình thương

GD&TĐ - Từ sự kết nối của giáo viên, học sinh điểm trường Tắk Pổ đi học còn được nhận áo quần, giày dép... Ngoài ra, Dịp trung thu, Tết thiếu nhi, Tết Nguyên đán, các em còn có thêm quà bánh.

Cô Trà Thị Thu và học trò điểm trường Tắk Pổ (Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam).
Cô Trà Thị Thu và học trò điểm trường Tắk Pổ (Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam).

Chăm chút từ những điều nhỏ nhặt

Năm học này, cô giáo Trà Thị Thu - trở lại điểm trường Tắk Pổ dạy học sau một năm dạy ở điểm trường chính trường. Ngày đầu tiên vượt núi lên điểm trường sau kỳ nghỉ hè, cô Thu còn "cõng" thêm áo quần đồng phục mới, những đôi dép, nón mũ, cái bánh, cái kẹo,… để làm quà đầu năm học cho các em.

Do gia đình nghèo khó, cái ăn còn không đủ nên các em chẳng bao giờ được bố mẹ tận tay sắm cho các em những thứ đó trong ngày khai giảng đầu năm học. Sau lễ khai giảng, tổng kết năm học, trung thu… cô Trà Thị Thu đều tổ chức cho học sinh vui chơi, liên hoan… 

"Những giáo viên cắm bản như chúng tôi thường "dự trữ" một số loại thuốc loại thuốc chữa một số bệnh thông dụng như bệnh ngoài da, đau bụng, sổ mũi… Thuốc có thể dùng cho phụ huynh và học sinh trong điều kiện chặng đường từ điểm trường thôn ra đến trạm y tế của xã khá xa và nhiều trắc trở" - cô Thu kể.

Lên đến lớp 3, học sinh điểm trường Tắk Pổ sẽ chuyển về học bán trú tại điểm trường chính. Để các em hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới, cô Thu đã hướng dẫn và rèn cho HS của mình về kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Các em được hướng dẫn từ cách đánh răng, vệ sinh tay chân, gấp chăn màn, giặt quần áo, rửa chén bát, đi vệ sinh. 

"Đặc biệt, tôi dành rất nhiều thời gian để tập cho các em những thói quen khi đi vệ sinh.  Ở gia đình các em chưa có nhà vệ sinh, đi vệ sinh không dùng giấy. Vì vậy, tôi phải tập luyện cho các em rất nhiều về cách đi vệ sinh, sử dụng giấy để lau sau khi vệ sinh xong, cách dội nước sao cho sạch, cả cách giữ cho nhà vệ sinh được sạch sẽ cũng đều phải chỉ cho các em từng chút một…".

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, nhất là học sinh bán trú, ngoài được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định, còn được nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các CLB thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Những nguồn lực này đã giúp cho điều kiện sinh hoạt, học tập của các em được tốt hơn, đầy đủ hơn. 

Cô Trà Thị Thu đón học sinh lớp Một vào trường trong ngày khai giảng ở điểm trường Tắk Pổ.
Cô Trà Thị Thu đón học sinh lớp Một vào trường trong ngày khai giảng ở điểm trường Tắk Pổ.

Trao yêu thương, nhận lại ngọt ngào

Điểm Răng Dí là điểm trường đầu tiên cô Trà Thị Thu tham gia kết nối xin Bầu sữa yêu thương cho học sinh.

"Nhìn thấy các em đói, khát, thiếu thốn, có khi cả tuần chỉ mặc 1 bộ đồ rách rưới, tim mình thắt lại. Các em mới 2, 3 tuổi thôi mà đã ăn cơm với 1 nồi canh rau, mà ăn lại rất ngon. Có khi cả tuần không được ăn miếng cá thịt nào, cả tháng không có 1 hộp sữa, Vì em của mình đói khóc nên các em lấy 1 viên sỏi lau sạch cho em mình ngậm,…thật sự không kiềm lòng được" - cô Thu kể. 

Cũng trong thời gian này, cô Thu tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ “Kết nối yêu thương” huyện Nam Trà My. Những chia sẻ của các anh chị trong CLB đã giúp cô giáo trẻ có được những kết nối từ các tấm lòng hảo tâm. Từ các nguồn hỗ trợ, học sinh được cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn, các dịp trung thu, ngày Tết thiếu nhi, Tết Nguyên đán… cũng đều có quà bánh.

Do 2 năm nay đã có chương trình Sữa học đường, mỗi bạn được uống 1 hộp/1 ngày nên Bầu sữa yêu thương đã dừng. Cô Thu cho biết, nhóm thiện nguyện dự định sẽ hoạt động lại chương trình Bầu sữa yêu thương dành riêng các em nhỏ từ 0 đến 2 tuổi.

Trẻ em được hưởng thụ từ chương trình Bầu sữa cho em.
Trẻ em được hưởng thụ từ chương trình Bầu sữa cho em.

Dạy học ở điểm trường thôn sẽ vất vả và khó khăn hơn so với điểm trường chính, từ điều kiện giao thông đường sá, cơ sở vật chất, môi trường sống… Giáo viên ở điểm trường lẻ thường là phải dạy lớp ghép. 

100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên vốn tiếng Việt của các em còn ít, vất vả hơn cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức. Năm học này, kế hoạch dạy học còn được điều chỉnh để ứng phó dịch Covid, lượng kiến thức rất nhiều. Cô Thu vẫn  dạy – học theo đúng chương trình và bổ sung thêm kiến thức cho các em vào những tiết phụ đạo. 

"Với tấm lòng tận tụy của mỗi giáo viên thì cho dù học sinh có tiếp thu chậm nhưng nếu thầy, cô cố gắng và nỗ lực, có phương pháp dạy học phù hợp thì rồi các em sẽ tiến bộ và đáp ứng được chuẩn đầu ra" - cô Thu chia sẻ.

Niềm hạnh phúc lớn nhất với cô giáo Trà Thị Thu là học trò hiểu được những gì cô nói, học được những điều nhỏ nhất để áp dụng vào cuộc sống. Các em thành thạo tiếng phổ thông, thật khỏe mạnh, phụ huynh thay đổi được một số hũ tục như đau ốm là phải đi bệnh viện chứ không còn ở nhà để cúng…

"Tôi đồng ý cho các em cõng theo em của mình cùng đi học. Vì khi bố mẹ lên rẫy, các em phải ở nhà trông em. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm cách kết nối các nguồn lực hỗ trợ để học sinh có thêm sữa, bữa ăn có thêm thịt, cá để giúp các em ấm bụng sau những giờ học, cải thiện tình trạng thể chất. Với những em học sinh ở xa trường, chúng tôi tạo điều kiện cho các em ở lại trường cả năm học, nuôi dưỡng, chăm sóc từng li từng tí cho các em. Và điều không thể thiếu là thầy cô giáo phải gần gũi, thân thiện, yêu thương, thường xuyên tâm sự, nói chuyện với các em để các em cởi mở, biết các em đang cần gì để kịp thời tháo gỡ". 

Cô Trà Thị Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ