Ông là người đã chụp được bức ảnh “nhà tù Tuolsleng” nổi tiếng toàn thế giới. Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2014) xin trân trọng đăng bài viết của nhà thơ Anh Ngọc.
Tối 7/1/1979, Đài truyền hình và phát thanh đưa tin Bộ đội tình nguyện Việt Nam và Quân đội giải phóng nhân dân Campuchia đã tiến vào Phnômpênh, giải phóng đất nước Campuchia khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Ngay sáng hôm sau, tôi và mấy anh em phóng viên của Báo Quân đội nhân dân được Phó Tổng biên tập Trần Công Mân gọi tới giao nhiệm vụ sang Campuchia công tác gấp.
Chiếc HU 1A thả chúng tôi xuống sân bay Pôchentông rồi vội vã bay đi. Tôi và nhà báo Hồng Phương vẫy xe của một đơn vị đồn trú, tìm lối vào trung tâm thành phố.
Thật khác với cảnh chúng ta tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975 trong đoàn tụ và ấm áp, cả Phnôm Pênh bấy giờ mênh mông và hiu quạnh như đã bị bỏ hoang từ những thuở nào - mà có lẽ chính xác là từ ngày 17/4/1975, khi quân đội Khơme đỏ vào tiếp quản thành phố và đuổi hết dân ra khỏi thủ đô để nhân danh cách mạng, tiến hành cuộc thanh lọc đẫm máu nhất trong lịch sử Campuchia.
Những ngôi nhà không chủ, những con phố không người, khắp nơi chỉ thấy những hàng rào dây thép gai và những tấm tôn bịt bùng che chắn, như muốn giấu nhẹm mọi bí mật bên trong, những bí mật đen tối và hãi hùng của một đất nước mà thế giới gọi là “cánh đồng chết”.
Từ sau những khu nhà lạnh lẽo và âm u ấy, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp trong gió bay ra một mùi gì thum thủm, tanh tanh như mùi prôtít phân hủy chưa lâu.
Cứ nghĩ là mùi mắm bồ hóc, vì tôi có nghe nói đến thứ món ăn quen thuộc này của người dân Campuchia, vốn cũng chẳng xa lạ gì với các loại mắm tôm mắm tép của quê tôi.
Nhưng sự thật tôi đã nhầm. Đến buổi trưa hôm ấy thì chúng tôi đã mục sở thị cái mùi khó ngửi ấy phát ra từ đâu và đấy là một phát hiện làm tất cả chúng tôi đều kinh hoàng.
Ấy là một buổi gần trưa, sau khi chúng tôi đến Phnômpênh được đâu ba, bốn ngày. Anh Ba Vũ (Bùi Cát Vũ), một cán bộ chỉ huy Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Phnôm Pênh, báo cho nhóm phóng viên Báo Quân đội chúng tôi biết quân ta vừa phát hiện ra giữa Phnôm Pênh một khu trường đã bị bọn Pôn Pốt biến thành nhà tù, từng giam giữ rất nhiều tù nhân, và trước khi tháo chạy, chúng đã giết chết tất cả.
Anh Hồng Phương và tôi lập tức bám theo xe của anh Ba Vũ và ông Khang Xarin, lúc ấy là Tư lệnh quân quản Phnômpênh của Quân giải phóng nhân dân Campuchia, tìm đến ngôi trường có tên là Toulsleng.
Kịp đến khi chúng tôi đặt chân được vào đầu dãy nhà thứ nhất, thì một cảnh tượng khủng khiếp hơn cả cảnh địa ngục đập ngay vào trước mắt: Ở chính giữa mỗi căn phòng mà trước đây là lớp học đều có một xác chết, mỗi xác một tư thế, một kiểu nằm, tất cả đều trần truồng, trương phềnh, đen kịt, bắt đầu rữa nát và bốc mùi hôi thối dữ dội.
Và khi tất cả mọi người đều tự động lùi phắt lại, kể cả hai chiến binh dày dạn trận mạc là anh Ba Vũ và ông Khang Xarin, có người đưa vội mùi xoa lên che mũi, có người khạc nhổ như muốn phát nôn, thì đúng lúc đó, cái anh chàng được cấp trên gọi là “nhà thơ muốn đi đâu thì đi” là tôi liền nhớ đến nhiệm vụ của một người làm báo và buộc lòng phải tiến về phía các xác chết với cái máy ảnh trong tay.
Với ý nghĩ cần ghi lại hình ảnh của ít ra một vài anh bộ đội Việt Nam và Campuchia sát cánh bên nhau vào khuôn hình để các bức ảnh thêm sinh động và có ý nghĩa, tôi đã mạnh dạn kéo anh Ba Vũ và ông Khang Xarin đến gần phía các xác chết để chụp, nhưng cả hai người đều tự phát dẫy ra một cách rất hăng hái và… buồn cười. (Sau này gặp lại anh Ba Vũ ở Hà Nội, anh vẫn nhớ sự việc này và vừa cười vừa có ý thanh minh với tôi: “Tại nó thúi quá trời!”).
Cầm trong tay cái máy ảnh Practika cũ kỹ, tróc sơn, không đèn, tôi mở ống kính hết cỡ và “liều mình như chẳng có”, bỏ lại sau lưng tất cả mọi người bấy giờ đã lùi xa tít tắp, để một mình sán đến gần các xác chết. Tôi còn kịp nghe rõ dưới chân mình những con dòi bị dẫm nổ lép bép, và lũ ruồi nhặng thì nhất loạt bay lên vù vù.
Xác chết đầu tiên mà tôi chụp là một người đàn ông nằm ngửa thẳng cẳng trên giường, hai tay dang rộng, một sợi xích buộc từ cổ tay nọ căng qua ngực thẳng sang tay kia, nên trông ông giống như một cánh ná đã căng dây.
Toàn thân ông âm u như một đám mây đen, hai hố mắt trắng dã trợn trừng và hai hàm răng thì nhe ra như dọa nạt. Dường như đã chết rồi nhưng những cơn đau khủng khiếp của kiếp người còn chưa buông tha ông.
Người thứ hai cũng vậy, nằm ngửa trên sàn nhà, đầu ngoẹo sang một phía, nhưng đau lòng hơn là trên bụng vẫn còn để nguyên một cái ghế tựa, có lẽ tên cai ngục ác ôn đã ngồi trên chiếc ghế ấy để hành hạ nạn nhân, và – điều này có thể lắm – khi quân ta ập tới thì hắn đã bỏ chạy mà không kịp cả vứt chiếc ghế đi.
Xác chết thứ ba có thể là một phụ nữ, nằm sấp, chết rồi mà hai tay vẫn bị còng ở sau lưng. Thực ra là nữ hay nam thì cũng khó phân biệt vì xác đã bắt đầu thối rữa và biến dạng, nhưng trông người này có tầm vóc bé nhỏ, và các đường nét có vẻ gì đó mảnh mai mềm mại…
Nhưng ấn tượng nhất với tôi là khi bước vào căn phòng tiếp theo. Trước mắt tôi là một thân người to lớn, chắc lúc sống phải sức vóc cường tráng lắm, nhưng lúc này thì thân hình đã bắt đầu phân hủy, mắt mũi, mồm miệng lúc nhúc dòi bọ. Còn trên lồng ngực vạm vỡ ngày nào, bây giờ đang đứng sừng sững một chú gà trống.
Đang mải mê kiếm ăn trên xác chết, thấy tôi bước vào, chú gà không hề sợ hãi, mà điềm nhiên ngẩng đầu lên, dương mắt… gà nhìn thẳng vào tôi, ngạo nghễ và thách thức.
Có vẻ như chú hoàn toàn tự tin và bình tâm ở ngay chính vương quốc của mình. Chưa bao giờ tôi biết ơn cái máy ảnh của mình như vậy. Nó đã ghi lại được một hình ảnh không thể chân thực và thuyết phục hơn về những nghịch lý của kiếp người và cõi đời này.
Với những thước phim có được chủ yếu là nhờ may mắn ấy, mấy ngày sau, tôi đã kịp gửi về in trên Báo Quân đội nhân một số tấm ảnh, mà cho đến nay, đấy có thể là những tấm ảnh hiếm hoi, thậm chí chưa chừng là duy nhất về nhà tù Tuolsleng, mà bây giờ đã trở thành Bảo tàng tội ác diệt chủng của chế độ Pôn Pốt, bởi ngay sau khi tôi chụp xong, tôi được biết là bộ đội ta đã buộc phải đem chôn hết các xác chết (hình như là ở ngay trong khuôn viên nhà trường ?), bởi quá ô nhiễm môi trường.
Tôi nói thế, vì ít lâu sau, có một nữ phóng viên Nhật Bản sang Campuchia để làm một cuốn album ảnh về nạn diệt chủng Pôn Pốt thì bà đã không tìm đâu ra các tấm ảnh cần thiết về nhà tù Tuolsleng, và vị này đã phải nhờ đến những tấm ảnh của tôi.
Giữa buổi trưa mùa khô Phnôm Pênh, trời cao và xanh ngăn ngắt, loài hoa gì như hoa bằng lăng mà có ai đó gọi tên là “hoa hoàng hậu” đang nở tung những chùm tím ngát suốt dọc lối đi vào khu trường. Nhưng ấy là chuyện sau này nhớ lại, chứ lúc ấy, thực lòng tất cả chúng tôi không ai còn bụng dạ nào để ý đến mọi thứ xung quanh, bởi càng gần tới khu trường nằm khuất sau cây cối rậm rạp và những bức tường bằng tôn quây kín, thì một mùi tanh tưởi mỗi lúc một bốc lên ngỡ như không thể chịu nổi.