Tội ác ởTrại tập trung dành cho trẻ em thời thế chiến II

GD&TĐ -Trong thời gian Đức chiếm đóng, một trại tập trung dành cho trẻ em đã được thiết lập tại thành phố Łódź (Ba Lan). Đây có lẽ là trại tập trung duy nhất dành cho trẻ con ở vhâu Âu trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II. Bi kịch này đã ảnh hưởng tới trẻ em Ba Lan khi chúng được chuyển giao qua lại giữa các trại tập trung Auschwitz-Birkenau, Majdanek hay Stutthof đến trại trẻ em ở Łódź – một nơi được mệnh danh là “Tiểu Auschwitz”.

Một góc trại tập trung tại thành phố Łódź (Ba Lan) dành cho trẻ em thời kỳ Đức quốc xã
Một góc trại tập trung tại thành phố Łódź (Ba Lan) dành cho trẻ em thời kỳ Đức quốc xã

“Tiểu Auschwitz”

Không mấy người biết về trại tập trung này không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả ở Ba Lan, và chỉ có vài cư dân thành phố có nghe phong phanh về sự tồn tại của nó.

Ý tưởng điên rồ nào đã dẫn đến việc thành lập nên trại tập trung trẻ em tàn ác này? Một thời gian ngắn sau khi tiến vào Ba Lan, phát xít Đức đã nhận thức được các vấn đề về trẻ mồ côi và vô gia cư, chúng có cha mẹ bị chết hoặc bị bắt giữ, hay bị đưa tới các trại tập trung, nên bọn trẻ trở thành “cái bang” hoặc tìm thức ăn theo cách khác.

Hơn nữa, bọn trẻ cũng dính líu tới việc buôn đồ cấm hay buôn lậu (chúng giúp cha mẹ vận chuyển các sản phẩm cấm). Khi các nhà hoạt động bị bắt giữ ở Mosina (gần Poznań) thì khoảng 80 đứa trẻ cũng bị bắt giữ. Trẻ em bị chuyển tới trại tập trung do chúng thuộc thành phần “đi hoang” hay cha mẹ chúng từ chối việc ký vào Volksliste – danh sách xác nhận quốc tịch Đức.

Khi trại tập trung được thành lập, nó đón nhận trẻ em Ba Lan từ các trại tập trung nằm trên khắp những vùng đất do Đức chiếm đóng Ba Lan. Từ 3.000 đến 5.000 trẻ em bị cầm tù ở “Tiểu Auschwitz”. Đức Quốc xã(ĐQX) đã chọn thành phố Łódź làm địa điểm thiết lập trại tập trung, nơi này nằm giữa Ba Lan và dễ dàng thông thương với những lãnh thổ chiếm đóng vào nền Đệ tam ĐQX và từ nơi gọi là “Chính phủ chung”.

Nhưng trên thực tế thì đây lại là một trại tập trung nơi trẻ em phải làm những việc vất vả và nhận khẩu phần ăn ít ỏi. Nếu trẻ em làm sai việc gì đó thì chúng sẽ bị đánh đập hay những “phương pháp cải tạo” như nhấn mình vào nước và bắt ép đứng ngoài trời lạnh cóng hay căng mình tập thể dục.

“Các gia sư” quan tâm tới các “tiểu nô lệ” này bằng cách khuyến khích chúng tự giác báo cáo lẫn nhau hay “đầu độc” chúng bằng những bài giảng kém nhân văn. Về lý thuyết thì trại trẻ em trên phố Przemysłowa (Łódź) dành cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi, nhưng thực tế tù nhân nhỏ nhất ở đây mới có 2 tuổi. Khi các trẻ tròn 16 tuổi, chúng sẽ được chuyển tới “các trại tập trung thường xuyên”. Một số “tù nhân” nhỏ nhất sẽ được các gia đình Đức nhận làm con nuôi.

Tù nhân trẻ con được giáo dục ra sao?

Những bức ảnh hiếm hoi chụp về cái trại trẻ con này cho thấy, đám trẻ con đứng xếp thành hàng dài và mỉm cười yếu ớt. Một số bức ảnh khác cho thấy lũ trẻ bận áo ấm. Từ khóa trong hầu hết các câu chuyện của những cựu tù trẻ em cũng chính là những người đã viết thư cho gia đình của họ, là sự đói khát.

Mỗi ngày, bọn trẻ con nhận được 2 lát bánh mì và 1 bát xúp. Không đủ ăn, do đó bọn trẻ tìm mọi cách để có thêm thức ăn như cho côn trùng vào bát xúp, ăn cả cỏ và lá cây, và tìm mọi cách “nhập nha” vào nhà bếp của trại để kiếm ăn thêm. Lũ trẻ đói khổ khốn cùng bởi những tội ác phi nhân tính này.

Lũ trẻ sợ xanh mặt nếu như chúng làm bẩn giường ngủ. Vì sống rời xa cha mẹ, rời xa gia đình thân yêu, luôn chống chọi với cái lạnh, nên nhiều trẻ đã mắc bệnh “tiểu không tự chủ”, và chính căn bệnh này khiến các “giáo viên” của trại rất bực bội. Khi đánh đập mà lũ trẻ vẫn không bỏ được đái dầm thì chúng sẽ bị đưa đến một nơi đặc biệt: ở đó khẩu phần ăn vốn ít ỏi lại bị giảm còn một nửa.

Không có nệm trải trên giường (thực ra là các tấm ván kê thành giường), chỉ có một tấm chăn mỏng phủ lên giường, lũ trẻ ngủ với nguyên bộ đồ bận trên người. Tấm ván lót bị mục ruỗng và phát ra thứ mùi hôi kinh khủng.

Ngủ trên “giường” như thế khiến lũ trẻ bị liệt, và nay bệnh mai đau, có nhiều đứa chết như thế. Tiếng kêu khóc của đứa trẻ sắp chết càng khiến những đứa còn lại khó ngủ hơn. Một trong những lá thư lộ ra bên ngoài cho thấy có một bé trai với thân thể lở loét trước khi chết, và khi quản lý trại đến buồng ngủ, bà này lật tấm chăn lên thì phát hiện da của người chết đầy mủ đã dính bệt vào chăn.

Rất đông tù nhân trẻ con mơ có ngày được đến sống ở Dzierżązna (gần Zgierz), một chi nhánh phụ của trại trẻ con được tạo ra. Ở đây có một nông trại dùng để sản xuất ra thực phẩm cho trại trẻ con ở Łódź. Khẩu phần thức ăn và điều kiện sống ở Dzierżązna cũng tốt hơn. Không may là, chỉ có những tù nhân nữ lớn tuổi mới được chuyển đến đây.

Cư dân ở thành phố Łódź hoàn toàn không hay biết nơi họ sống có sự tồn tại của trại trẻ con. Cái trại này giấu mình trong “khu ổ chuột” và tách biệt với thế giới bên ngoài bằng một hàng rào gỗ khá cao.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, hàng rào gỗ và các ngôi nhà gỗ của trại trẻ con đã bị phá hủy (dùng làm củi đun nấu chẳng hạn), và vài năm sau đó một khu dân cư mới đã mọc lên. Năm 1945, hai “giáo viên” của trại trẻ là Sydomia Bayer và Edward August đã bị tuyên án tử hình.

Một trong số các giám thị của trại trẻ là Eugenia Pohl (mụ này đổi thành tên Pol sau khi chiến tranh chấm dứt) đã tiếp tục sống ở Łódź , làm việc tại một nhà trẻ cho đến năm 1974 thì bị lộ hành tung bởi một trong số các cựu tù trẻ con khi phát hiện mụ Pol đứng trước một cửa hàng.

Eugenia Pohl bị tuyên án 25 năm tù, và được phóng thích vào đầu thập niên 1990, qua đời vào năm 2003 ở Łódź.

Số phận các tù nhân trẻ con

Sau năm 1939 có 4 kiểu định mệnh áp dụng cho trẻ em Do Thái trên khắp châu Âu là:

1) Giết ngay lập tức trên đường đến trại tập trung và các trung tâm hành quyết;

2) Trẻ em bị sát hại ngay sau khi lọt lòng mẹ (870 trẻ em Do Thái đã chào đời từ trại tập trung Ravensbrück, từ năm 1943 đến 1945;

3) Trẻ em Do Thái sinh ra ở các “khu ổ chuột”, trại tập trung và sống sót như cậu bé Stefan Georg Zweig sinh ra trong “khu ổ chuột” Cracow và được cho vào một ba lô đặc biệt, đứa bé đã theo dòng người di chuyển từ Plaszow đến Buchenwald vào năm 1944, và được bảo vệ bởi những tù nhân Cộng sản Đức;

4) Trẻ em trên 10 tuổi thường được sử dụng như tù nhân, lao động chân tay và là đề tài cho các thí nghiệm tàn bạo của ĐQX.

Sau khi Đức xâm lược Ba Lan vào năm 1939, rất nhiều đàn ông, đàn bà và trẻ con Do Thái đã bị quây tròn và buộc sống trong các “khu ổ chuột” do Đức thiết lập, nhiều người trong số các nạn nhân đã chết vì đói và bệnh tật. Hơn 1,5 triệu trẻ em trên khắp châu Âu đã bị thảm sát dưới thời kỳ ĐQX, bao gồm hơn 1,2 triệu trẻ em Do Thái, hàng vạn trẻ em người Di-gan và hàng ngàn trẻ em bị khuyết tật.

Bị ám ảnh bởi cái gọi là “xã hội Aryan”, ĐQX nhắm mục tiêu vào trẻ em gốc Do Thái nhằm ngăn ngừa sự lớn dậy của một thế hệ người Do Thái tương lai ở châu Âu.

Để tránh cái chết, nhiều trẻ em Do Thái đã mất 3 năm tìm mọi cách náu thân, bằng cách trốn trong kho thóc, trong gác xép và hầm rượu hay mang tên giả. Vào lúc cuối cuộc chiến tranh đẫm máu, chỉ còn lại vài ngàn trẻ em Do Thái sống sót trong các trại tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ