Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chững lại?

GD&TĐ - Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ đạt mức 6,0% trong năm 2019 và 2020, (giảm nhẹ so với mức 6,3% năm 2018). Thái Lan và Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo trên. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn quy mô toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại do can thiệp chính sách.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 ở mức 6,5%
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 ở mức 6,5%

Với chủ đề "Vượt qua trở ngại", báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới cho thấy dù tốc độ tăng trưởng các nước trong khu vực có chiều hướng chững lại nhưng nhìn chung, các nền kinh tế đã vượt qua những biến động thị trường tài chính trong năm 2018 tương đối tốt, chủ yếu nhờ khung chính sách hiệu quả và các yếu tố nền tảng tích cực, bao gồm nền kinh tế đa dạng, tỷ giá linh hoạt và dư địa chính sách vững chắc.

Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế vững chắc tại khu vực tiếp tục làm giảm tỷ lệ nghèo, hiện đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. “Trên thực tế, chúng tôi kỳ vọng đến năm 2021, tỷ lệ nghèo cùng cực sẽ giảm xuống dưới 3%,”  bà Victoria Kwakwa chia sẻ.

Tại Việt Nam, nền kinh tế tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ nghèo cùng cực ước tính giảm xuống dưới mức 3%.

Tuy triển vọng trung hạn nhìn chung thuận lợi, nhưng vẫn còn những rủi ro bất lợi, liên quan đến sức cầu bên ngoài giảm đi, biến động tài chính toàn cầu, và tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng. Nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn dự báo.

Tăng trưởng Việt Nam dự báo xoay quanh mốc 6,5% do tác động tăng theo chu kỳ như hiện nay sẽ giảm dần. Tỷ lệ nghèo dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các điều kiện trên thị trường lao động vẫn thuận lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ