“Quái xế” thách thức cao điểm trấn áp
Ngày 6/4, Công an huyện Mê Linh (TP Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa bắt nhóm 13 thanh thiếu niên tụ tập uống rượu, không đội mũ bảo hiểm (MBH) đua xe trên địa bàn.
Cụ thể, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 31/3, trong khi thực hiện tuần tra kiểm soát (TTKS) tại quốc lộ 23B (địa phận xã Đại Thịnh), tổ công tác phát hiện 1 nhóm thanh niên điều khiển xe máy có biểu hiện tụ tập thành đoàn, gây mất trật tự công cộng. Ngay sau đó, tổ công tác đã triển khai đội hình chặn giữ nhóm đối tượng, tạm giữ 13 phương tiện.
Công an huyện Mê Linh đã lập biên bản 13 trường hợp với các lỗi: Không đội MBH khi tham gia giao thông, không có gương chiếu hậu, không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên trên điều khiển xe trong hơi thở có nồng độ cồn từ 0,25 đến dưới 0,4mlg/l khí thở (1 trường hợp).
Bên cạnh đó, nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe có dung tích trên 50cm3 (2 trường hợp), điều khiển xe mô tô từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi xe có dung tích trên 50cm3 (2 trường hợp).
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong năm 2020, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện 803 vụ lạng lách đánh võng với 1.807 đối tượng. Qua đó, khởi tố 12 vụ, 69 đối tượng.
Theo Cục CSGT, mặc dù lực lượng CSGT và các lực lượng khác đã mạnh tay xử lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn đang có dấu hiệu tăng cao. Cụ thể, chỉ tính riêng trong Quý I/2021, lực lượng chức năng đã phát hiện 326 vụ, gây bức xúc trong dư luận.
Gần đây nhất, dư luận bất bình với sự việc hàng trăm “quái xế” đi xe máy trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây rú ga phóng xe bạt mạng ngày 19/3. Đáng nói hơn, vụ việc này diễn ra ngay trong đợt cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông.
Một tuần trước đó (chiều 12/3) tại đại lộ Vòng Cung, TP Thủ Đức (đoạn trên nóc hầm Thủ Thiêm, TPHCM), nhóm “quái xế” không đội mũ bảo hiểm chạy nhiều loại xe máy nẹt pô gầm rú, bốc đầu hàng chục mét. Các “quái xế” liên tục so kè nhau, biểu diễn chạy xe tốc độ cao khiến nhiều người đi đường một phen hoảng sợ.
Không chỉ dừng lại ở việc “uy hiếp, tiểm ẩn” tai nạn giao thông (TNGT) mà hậu quả khủng khiếp của các vụ đua xe do các “quái xế” gây ra luôn diễn ra trước mắt.
Đơn cử, tháng 11/2020, một nhóm đua xe ở Bình Dương vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông làm chết 3 người. Trước đó, vào rạng sáng 25/7/2020 một nhóm đua xe khác tông một xe ôm công nghệ khiến tài xế bị gãy xương, nam hành khách ngồi sau tử vong tại chỗ tại ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội)...
Bên cạnh việc gây tai nạn cho người tham gia giao thông khác, cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận rất nhiều vụ tai nạn do các “quái xế” tự gây ra. 1 giờ 15 phút rạng sáng 30/5, trên địa bàn Hoàn Kiếm (Hà Nội) một nhóm thanh niên tổ chức đua xe đã đâm phải một cô gái khiến nạn nhân nguy kịch. Sau đó nhóm thanh niên này bỏ chạy, đến khu vực ngã tư Quán Sứ - Hai Bà Trưng thì gặp tai nạn khiến 1 người tử vong sau va chạm với 1 xe bồn trộn bê tông khi chạy tốc độ cao.
Đây là những hành vi đã bị nghiêm cấm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự xã hội và luôn khiến các cơ quan chức năng đau đầu trong việc tìm giải pháp hạn chế, ngăn chặn..
Xét xử lưu động để răn đe, giáo dục
Để ngăn chặn, Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống đua xe trái phép. Trong đó, khẩn trương điều tra, giải quyết các vụ việc mới xảy ra và áp dụng thủ tục rút gọn để phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật (Viện Kiểm sát, Tòa án) nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử nghiêm những đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, đề nghị xét xử lưu động ngay tại địa bàn một số vụ điển hình nhằm răn đe, giáo dục chung.
Đồng thời, thông qua các hoạt động nghiệp vụ và qua mạng xã hội, ứng dụng OTT, cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống camera giám sát, camera của người dân,… để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn.
Công an các đơn vị, địa phương lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm là nơi các đối tượng thường tổ chức, tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng để phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ khi có ý định nhen nhóm...
Bộ Công an yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường điều tra, TTKS công khai kết hợp với hóa trang. Đặc biệt, thường xuyên và đột xuất tuần tra cơ động trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực trọng điểm. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu khi có biểu hiện tụ tập, gây rối trật tự công cộng, tổ chức, cổ vũ đua xe trái phép.
Hơn 13.600 “ma men”, ma túy bị xử lý
Ngày 6/4 theo thống kê của Cục CSGT cho thấy, 3 tuần thực hiện cao điểm chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT và công an các đơn vị đã phát hiện 13.642 trường hợp vi phạm.
Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện 13.477 “ma men” vi phạm nồng độ cồn, 165 trường hợp tài xế dương tính với ma túy. Tổng số tiền xử phạt là 44,7 tỉ đồng, tước 7.648 giấy phép lái xe, tạm giữ 13.642 phương tiện các loại.
Chỉ tính riêng các đội trật tự KSGT đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT đã phát hiện, lập biên bản 25 trường hợp tài xế dương tính với ma tuý khi tham gia giao thông. Đồng thời phát hiện 41 tài xế vi phạm cồn.
Trong báo cáo của Cục CSGT, qua phân tích, các hành vi vi phạm được phát hiện nhiều nhất tại khung giờ từ 18 giờ - 22 giờ là 7.971 trường hợp (chiếm 58,4%). Đối với khung giờ từ 5 giờ - 18 giờ, CSGT toàn quốc đã phát hiện 2.909 trường hợp vi phạm (chiếm 21,3%). Còn khung từ 22 giờ - 5 giờ, phát hiện chiếm 2.762 trường hợp (chiếm 20,2 %).
Từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm của lái xe về cồn, ma túy và các hành vi phạm khác, đặc biệt là quá tải trọng và đua xe trái phép. Trọng tâm trước mắt là bảo đảm TT ATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.