Tọa độ lửa cầu Hàm Rồng - Bản hùng ca bất tử

GD&TĐ - Tại tọa độ lửa cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá), quân và dân ta đã bắn rơi 117 máy bay; tiêu diệt, bắt sống nhiều phi công; bảo vệ cầu, bảo đảm giao thông.

Khẩu đội 4 - nơi có tất cả 11 chiến sĩ hy sinh.
Khẩu đội 4 - nơi có tất cả 11 chiến sĩ hy sinh.

Nỗi kinh hoàng của không lực Mỹ

Thất bại ở chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc. Xác định từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”.

Trận địa pháo trên đồi C4, thuộc dãy núi Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cách bờ sông Mã - nơi có cây cầu Hàm Rồng khoảng 500m được hình thành ngày 31/5/1965 với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không Không quân. Đây là lực lượng chủ yếu trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ tại “tọa độ lửa Hàm Rồng”.

Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã nhắm mục tiêu vào cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc - Nam, cô lập Hàm Rồng và tập trung đánh dứt điểm Hàm Rồng, vào 8h45 ngày 34/1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của không lực Mỹ ném bom vào một loạt mục tiêu trên địa bàn Thanh Hóa như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn)...

Chỉ trong 2 ngày, 3 và 4/4/1965, đối phương đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lần máy bay; ném bom xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Riêng khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rocket. Có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, không quân Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn nhất và mức độ ác liệt nhất.

Nhưng, quân và dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã ngoan cường chiến đấu trước các đợt không kích tàn khốc của máy bay giặc, bảo vệ cầu Hàm Rồng - huyết mạch giao thông quốc gia, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chỉ tính trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống 2 phi công.

Riêng trận địa Hàm Rồng đã bắn rơi 31 máy bay, bảo vệ an toàn cầu, lập kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay địch trên bầu trời miền Bắc, khiến cho dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới khâm phục. Đối phương cay đắng thú nhận: “Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.

Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc.

Vị trí chỉ huy đại đội.

Vị trí chỉ huy đại đội.

Tiếp đó, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 (từ 26/12/1971 đến 15/1/1973), không quân Mỹ đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại từ máy bay chiến lược B52, bom xuyên, bom lazer... tập trung rải xuống Hàm Rồng.

Trong khói lửa ác liệt ấy, đã có nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng. Đó là nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vượt đạn bom vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, tiếp tế cho bộ đội; là 6 cô gái của tổ cứu thương Lò Cao, dân quân Yên Vực, Hạc Oa băng qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh, tiếp đạn cho các trận địa cao xạ Đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên. Hàng trăm bà mẹ, người chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra trận địa cho bộ đội...

Hàm Rồng trở thành nỗi kinh hoàng của không lực Hoa Kỳ. Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, riêng quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ cầu bảo đảm giao thông thông suốt, đẩy mạnh sản xuất góp phần xứng đáng cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong thành tích chung đó, quân và dân Hàm Rồng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: 7 tập thể được phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 1 cá nhân Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và 2 Anh hùng Lao động cùng hàng trăm Bằng khen, Huân huy chương các loại...

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang bồi hồi trong dòng ký ức những ngày chiến đấu tại “chảo lửa” Hàm Rồng.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang bồi hồi trong dòng ký ức những ngày chiến đấu tại “chảo lửa” Hàm Rồng.

Ký ức hào hùng, oanh liệt

Những người lính trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa, hầu hết đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nhắc đến “chảo lửa” Hàm Rồng, họ vẫn thấy bồi hồi.

Cựu binh Lê Xuân Giang (SN 1947, TP Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 không khỏi xúc động. Ông khẳng định, trong chiến tranh, mỗi người dân Việt Nam đều mang trong mình sức mạnh kỳ diệu bởi lòng yêu nước. Lòng yêu nước khiến ai cũng có một sức mạnh phi thường.

“Thời ấy, chúng đánh phá ác liệt là vậy, thế nhưng, người lính không biết sợ là gì, chỉ có tâm huyết một điều là cống hiến cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc. Với người lính lúc đó, “Hàm Rồng là máu là xương, là niềm tin của bốn phương gửi về”, cựu chiến binh Lê Xuân Giang chia sẻ.

Tấm bia ghi danh 20 chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 anh dũng hy sinh bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Tấm bia ghi danh 20 chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 anh dũng hy sinh bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Rồi ông kể rành rọt từng trận đánh gắn với những câu khẩu hiệu máu thịt của đồng đội. Đó là vào ngày 28/7/1965, máy bay Mỹ công kích vào trận địa bằng súng 20 ly. Khẩu đội 4 bị thương 4 người, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Điền bị mảnh đạn 20 ly găm vào 11 chỗ trên cơ thể nhưng vẫn chiến đấu kiên cường cho đến khi kiệt sức ngất đi. Những người bị thương còn lại vẫn quyết không rời vị trí. Sau ngày đó, khẩu hiệu “Bị thương nặng không kêu ca, bị thương nhẹ không rời vị trí” được các chiến sĩ khắc sâu trong tâm trí.

Trận đánh ngày 3/9/1967, không quân Mỹ dùng loại bom bi quả ổi để ném vào trận địa của ta (loại bom này chứa 365 quả con). Khẩu đội 4 tiếp tục bị đánh tiếp. Lần này, khẩu đội có 6 người thì 4 người hy sinh trong đó có khẩu đội trưởng, 2 người còn lại đều bị thương.

Máu của các anh tràn trên mâm pháo, dù gục xuống vẫn nguyên vị trí theo đội hình. Sau trận đánh này, câu khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” lại được đồng đội hô vang để nhắc nhớ bản thân mình quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Cầu Hàm Rồng bên cạnh là trận địa pháo trên đồi C4.

Cầu Hàm Rồng bên cạnh là trận địa pháo trên đồi C4.

Máy bay Mỹ tiếp tục điên cuồng thả bom xuống cầu Hàm Rồng. Trận đánh vô cùng ác liệt khiến 5/6 pháo thủ hy sinh tại chỗ, nhiều chiến sĩ cháy đen không còn hình dạng, buộc phải dựa vào giày dép, vị trí ngồi để nhận dạng. Vị trí chiến đấu của Khẩu đội 4 gọi là “khẩu đội tử”. Việc thành lập lại khẩu đội lần thứ ba phải dựa vào tinh thần tự nguyện.

Nhắc lại ký ức này, cựu chiến binh Lê Xuân Giang nghẹn ngào kể với niềm tự hào về tinh thần quả cảm của các đồng đội: “Nhiều anh em đã xung phong vào Khẩu đội 4. Chiến sĩ Lê Xuân Thanh, người duy nhất sống sót trong trận chiến ngày 18/1/1967 cũng đã tình nguyện ở lại chiến đấu và làm khẩu đội trưởng tiếp tục chỉ huy”.

Ông Giang khẳng định, chưa có cây cầu nào ở miền Bắc trụ được lâu như cầu Hàm Rồng. Ban đầu, ta nhận định, đối phương dùng máy bay thả bom bằng chứ không bổ nhào, cho nên bố trí trận địa pháo xa cầu. Nhưng sau đó chúng ta phát hiện ra, chúng bỏ bom là chúc đầu xuống. Bởi thế, chúng ta tiếp cận gần cầu, khi chúng chúc thẳng xuống thì ta bắn thẳng lên đánh vỗ mặt.

“Cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng đã tạo ra mô hình chiến tranh nhân dân. Đó là cả làng ra trận. Bộ đội nếu không có Nhân dân cũng không bảo vệ được cầu. Đánh hết đạn mà không có dân quân lấy đâu ra đạn? Trong cuộc chiến tranh phá hoại, các đại đội khác cơ động liên miên đi các tỉnh này, tỉnh khác nhưng riêng Đại đội 4 chiếm lĩnh trận địa và bám trụ từ đấy cho đến năm 1973 mới hành quân vào miền Nam. Không có đơn vị cao xạ nào đóng một chỗ lâu như thế. Không có đơn vị nào kết nghĩa với làng Đông Sơn lâu như thế - 10 năm trời”, cựu chiến binh Lê Xuân Giang xúc động chia sẻ.

Trong những năm tháng kiên cường bám trụ cùng với quân dân Hàm Rồng bảo vệ mục tiêu, Đại đội 4 đã đánh hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay, trong đó hai chiếc B52 và một máy bay không người lái. Khu di tích lịch sử Hàm Rồng không chỉ là một trong những “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà đã trở thành một điểm du lịch tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.