Tòa án vì sự bình an ở Kosovo

GD&TĐ - Fetah Rudi, một cựu giáo viên và là một nhà hoạt động chính trị đã phải sử dụng xe lăn suốt 17 năm, sau khi bị một tay súng nã 14 viên đạn vào bụng và vai trong một vụ nổ súng tại ngôi làng nhỏ của ông ở Kosovo.

Tòa án vì sự bình an ở Kosovo

Tiếng súng chưa yên

Fetah không bao giờ có thể đi lại bình thường được nữa, nhưng nhờ một tòa án về tội phạm chiến tranh mới được thành lập, cuối cùng, ông cũng có thể hy vọng rằng sau 10 năm là một đất nước độc lập, Kosovo sẽ phải đối mặt với một vấn đề nổi cộm: Vì sao những người thiểu số Albania như ông vẫn bị tấn công, thậm chí bị sát hại, ngay cả sau khi những kẻ thù người Serbia của họ đã trốn chạy.

Trong nhiều năm, Rudi đã quan sát một cách tuyệt vọng những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, và sau đó là cả Liên minh châu Âu, trong việc cố gắng thiết lập pháp luật trên đất nước bé nhỏ vùng Balkan này, kể từ khi họ tách khỏi Serbia năm 1999. Các nỗ lực này đã thất bại trong việc mang lại công lý cũng như không ngăn nổi làn sóng bạo lực lan tràn khắp Kosovo sau khi Serbia rút lui.

Tòa án mới này có trụ sở ở Hague, nhưng được điều hành theo luật pháp Kosovo, sẽ tập trung vào việc xét xử không chỉ các hành động tàn bạo của Serbia giai đoạn 1998 – 1999, mà còn xét xử các tội ác trong và sau cuộc xung đột của Quân đội tự do Kosovo, hay còn gọi là KLA – một nhóm phiến quân

Albania mà các cựu chỉ huy của lực lượng này đang điều hành Kosovo hiện nay. Ông Rudi cho rằng tòa án này “là cơ hội cuối cùng để chúng tôi được tự do”.

Trong gần 2 thập kỷ, kể từ khi tách khỏi Serbia, Kosovo được điều hành như một nước được Liên Hiệp Quốc bảo hộ. Kể từ tháng 2/2008, nước này trở thành một quốc gia độc lập. Trong suốt giai đoạn đó, đất nước này vẫn chìm trong bạo lực. Ngoài ra, một số nhân vật quyền lực nhất Kosovo còn bị nhận định là một trong những tội phạm chính.

Tòa án đặc biệt này được sự ủng hộ của những “nhà bảo hộ” chính cho Kosovo là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những mối nguy, bởi tòa án này đồng thời cũng sẽ xem xét các tội ác liên quan trực tiếp đến sự thành lập nhà nước Kosovo, trong đó có mối hợp tác đồng minh với KLA trong giai đoạn NATO tiến hành chiến dịch ném bom Kosovo để chống lại Serbia năm 1999; thất bại trong việc giải giáp KLA sau khi chiến tranh kết thúc, cũng như việc không bảo vệ được những người thiểu số Serbia còn ở lại Kosovo và cả những đối thủ chính trị người Albania của KLA.

Còn đó những mâu thuẫn

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những dấu hiệu ủng hộ tòa án này, thì Tổng công tố David Schwendiman cũng từ chức ngay sau khi Bộ Ngoại giao nước này từ chối gia hạn cho ông thêm 2 năm để cho phép ông hoàn tất nhiệm kỳ của mình với tòa án này, bất luận sự đảm bảo từ chính quyền ông Obama về vấn đề này.

Ông Rudi cho biết những viên đạn đã suýt cướp đi cuộc đời của ông hồi tháng 12/2000, 18 tháng sau khi cuộc chiến kết thúc và quân Serbia rời khỏi Kosovo, bay ra từ khẩu súng mà một tháng trước đó đã được sử dụng để sát hại nhà báo Xhemajl Mustafa.

Cả hai cuộc tấn công này diễn ra bất chấp sự hiện diện của hơn 45.000 quân NATO ở Kosovo. Cả ông Rudi lẫn nhà báo Mustafa đều là những người công khai ủng hộ Liên đoàn Dân chủ ở Kosovo, một nhóm chủ nghĩa hòa bình do Ibrahim Rugova lãnh đạo, có chung ước nguyện với KLA trong việc chấm dứt sự đàn áp của Serbia, nhưng sau khi người Serbia rút đi, thì lại trở thành đối thủ của nhau.

Cùng với nhiều người khác, ông Rudi tỏ ra vui mừng chờ đợi phiên tòa sắp tới. Trước khi chiến tranh Kosovo chấm dứt, ông từng bị giam giữ một cách bí mật trong nhà tù KLA, bị đánh đập dã man. Sau chiến tranh, ông lại trở thành mục tiêu của một vụ ám sát mà ông cho rằng người đứng đằng sau chính là KLA.

Triển vọng của việc tòa án đào xới lại các vụ việc đẫm máu từ sau sự khai sinh của Kosovo như một quốc gia độc lập đã khiến các cựu thành viên KLA, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và người phát ngôn Quốc hội của Kosovo hiện nay, tỏ ra lo lắng.

Hồi tháng 12 vừa qua, họ từng cố gắng kìm hãm nguy cơ bị đưa ra tòa với những điều luật nhằm làm vô hiệu hóa tòa án đặc biệt này, tuy nhiên phải ngừng lại sau khi bị Mỹ và Liên minh châu Âu phản đối kịch liệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.