Tổ trưởng chuyên môn không đổi mới thì GV rất khó đổi mới

Khóa tập huấn có khoảng 500 giáo viên là tổ trưởng tổ chuyên môn của các trường THCS, THPT 9 tỉnh duyên hải miền Trung tham dự
Khóa tập huấn có khoảng 500 giáo viên là tổ trưởng tổ chuyên môn của các trường THCS, THPT 9 tỉnh duyên hải miền Trung tham dự

Vị trí và vai trò của giáo viên đã khác trước

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn các giáo viên tham gia khóa tập huấn “phải nắm thật kỹ chương trình giáo dục tổng thể, từ quan điểm trong việc đổi mới giáo dục hiện nay, mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp môn học, cách đánh giá HS theo hướng tiếp cận năng lực.

Chương trình là thước đo chất lượng giáo dục, phải nắm rõ quan điểm xây dựng chương trình mới đi sâu được vào nội dung và các mặt kiến thức” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc khóa tập huấn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc khóa tập huấn. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý, với phương pháp dạy học tích cực thì vai trò và vị trí của GV và HS đã có sự thay đổi. “GV không chỉ là người truyền thụ kiến thức nữa mà còn là người tư vấn hỗ trợ cho HS. HS trước đây đóng vai trò là lĩnh hội, giờ là người học kiến tạo, người học tự mình phát hiện và hình thành năng lực. Sự truyền thụ kiến thức đã có sự thay đổi từ chỗ người học từ bị động tiếp nhận kiến thức sang chủ động hình thành kiến thức và năng lực” - Thứ trưởng nói.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, GV phải làm quen với tư duy kiến tạo và tư duy phản biện: “Nếu các thầy cô tham gia khóa tập huấn này mà vẫn theo nếp cũ, đến hội trường chỉ để nghe báo cáo viên thì thụ động quá.

Từ những thông tin của báo cáo viên, các thầy cô phải biến nó thành kiến thức của mình, tạo ra sinh lực mới để từ đó lan tỏa tại tổ chuyên môn của mình”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định: “Các thầy cô tổ trưởng tổ chuyên môn tại các trường là những người đóng hai vai, vừa là những GV trực tiếp đứng lớp, vừa là những GV cốt cán của các trường. Tư duy quản lý của tổ trưởng tổ chuyên môn phải đổi mới bởi nếu tổ trưởng mà không đổi mới thì GV rất khó để đổi mới; tổ trưởng phải tạo điều kiện cho GV đổi mới. Tổ trưởng phải tạo môi trường thân thiện tại tổ chuyên môn của mình để GV phát huy được năng lực và thiết thực đổi mới vì chất lượng”.

Cơ hội kết nối giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học

Trong đợt “tập huấn Tổ trưởng tổ chuyên môn bậc THCS, THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” Modul 1 lần này, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng là đơn vị cùng tham gia tổ chức.

PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng cho biết: “Đợt tập huấn cũng là cơ hội để kết nối giữa đội ngũ giảng viên chủ chốt của nhà trường với các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn ở các trường phổ thông, để giảng viên nhà trường có thêm kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời các thầy cô giáo ở các trường phổ thông có dịp chia sẻ về chuyên môn, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Trong tháng 10/2019 vừa qua, trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đã tổ chức Bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thôg mới với sự tham gia của 2485 học viên, đạt 100% số học viên được triệu tập học. Tiếp đó, từ ngày 14-16/11, trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đã tham gia bồi dưỡng tập huấn Tổ trưởng tổ chuyên môn bậc Tiểu học cho 9 tỉnh miền Trung cũng rất thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ