Tổ quốc nhìn từ biển và khát vọng khơi xa

GD&TĐ -Thế kỷ 21 được coi là Thế kỷ của biển và đại dương. Tổ quốc Việt Nam đang từng ngày lớn mạnh, khẳng định vị thế là một quốc gia biển…

LTS: Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Tình, gửi từ Học viện Hải quân, Nha Trang, Khánh Hòa.

Nhân ngày Tết độc lập 2/9, tác giả với kiến thức và hiểu biết của mình muốn chia sẻ với độc giả gần xa về vai trò đặc biệt của biển đảo nước nhà cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thông tin, nhận định và hình ảnh được tác giả gửi tới Tòa soạn Giáo dục và Thời đại, xin trân trọng giới thiệu.

Hành trình của những người giữ biển

Từ buổi bình minh của lịch sử đất nước cho đến nay người Việt luôn nhận mình là con người của biển, sinh ra từ biển, lớn lên trên biển, gắn bó máu thịt với biển. Biển là không gian sinh tồn, không gian phát triển, không gian linh thiêng, sống cùng biển, chết không rời biển.

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước. Từ truyền thuyết về Cha rồng - Mẹ tiên đến quá trình mở cõi của các bậc Thủy tổ đều thể hiện khát vọng vươn ra biển, làm chủ biển khơi, để cho đến hôm nay biết bao thế hệ nối tiếp nhau như một lẽ tự nhiên gắn cuộc đời với biển, chinh phục biển, mưu sinh từ biển, hình thành tâm thức biển trong mỗi người dân đất Việt.

Theo suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, người Việt hướng ra biển mở mang bờ cõi, các nhà nước phong kiến Việt Nam rất chú trọng đến công việc tổ chức khai thác, quản lý và phòng thủ biển đảo và ngày càng được tổ chức quy củ.

Hải đăng đảo Đá Tây.

Hải đăng đảo Đá Tây.

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ 13 của quân dân Đại Việt là một thiên anh hùng ca bất hủ về việc khai thác triệt để lợi thế biển đảo để tổ chức các trận tiêu hao, tiêu diệt và dồn đoàn quân xâm lược vào một điểm tử huyệt ở cửa biển Bạch Đằng và nhấn chìm chúng chỉ trong một con nước triều.

Dưới thời Lê, đặc biệt là thời Lê Thánh Tông cuối thế kỷ 15, Biển Đông đã trở thành con đường chủ đạo mở mang quốc gia Đại Việt. Tiếp đến, các đời chúa Nguyễn đã nhận thấy Biển Đông không chỉ là nơi có nhiều sản vật mà còn có vị trí chiến lược quan trọng nên từ đầu thế kỷ 17 đã tổ chức đội Hoàng Sa và Bắc Hải để khai thác tài nguyên và thực thi chủ quyền trên vùng biển này.

Năm 1816, vua Gia Long đã sai người đến Hoàng Sa và kéo cờ An Nam lên đó để xác lập chủ quyền. Tháng 3 năm 1816 vua Gia Long sai đội Thủy quân phối hợp với đội Hoàng Sa làm công tác xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa, du thám, trình báo về các bọn thổ phỉ ngoài biển.

Vua Minh Mạng còn chú trọng nhiều hơn việc quản lý biển đảo nên cho tiến hành rất nhiều việc như vãng thám, kiểm tra, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết.

Một góc đảo Sơn Ca.

Một góc đảo Sơn Ca.

Trong suốt hành trình mở mang bờ cõi, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, từng tấc đất, tấc biển đã thấm máu cha ông. Tinh thần, ý chí đó đã được lưu truyền trong lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình.

Khát vọng phía khơi xa

Tháng tám mùa thu, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biển đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân và các lực lượng vũ trang bảo vệ biển đảo. Sự quan tâm và tình cảm đó được thể hiện qua từng bài viết, từng lời căn dặn của Người khi đến thăm các địa phương hay các đơn vị Hải quân.

Ngày 15/3/1961 khi đi thăm hang Ðầu Gỗ, Người xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Hơn ai hết Hồ Chí Minh không những hiểu tầm quan trọng của biển đảo mà Người còn có tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền, biển đảo Tổ quốc.

Vẻ đẹp khu bảo tồn biển Hòn Mun Nha Trang.

Vẻ đẹp khu bảo tồn biển Hòn Mun Nha Trang.

Ngày nay, các nước trên thế giới đã có những chiến lược phát triển biển mới và trong đó phát triển khoa học và công nghệ biển được coi là khâu đột phá, tạo thế mạnh trong cạnh tranh và đưa đất nước trở thành cường quốc.

Biển và đại dương đóng vai trò không thể thiếu được để đối phó với nhiều thách thức mà kinh tế thế giới phải đối mặt trong những thập niên tới, từ đảm bảo an ninh lương thực, đối phó với biến đổi khí hậu cho đến cung ứng tài nguyên tự nhiên, năng lượng và cải thiện điều kiện chăm sóc y tế.

Kinh tế biển nắm giữ tiềm năng vô cùng lớn trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới.

Chúng ta có đường bờ biển dài 3.260 km, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/1 km bờ biển (mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/1 km bờ biển); hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền). Hiện cả nước có đến 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc.

Với những đặc điểm trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn về khai thác dầu khí, phát triển du lịch, hàng hải, cảng biển, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản…

Đặc biệt, Biển Đông là một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển Việt Nam mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển.

Mầm non Trường Sa.

Mầm non Trường Sa.

Về an ninh, quốc phòng, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Đất nước đang đứng trước vận hội lớn. Với quyết tâm, trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam, sẵn sàng đón nhận thời cơ và vượt qua các thử thách, đưa Đất nước vươn ra biển lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ