Là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, Tự Đức không chỉ nổi tiếng là ông vua hay chữ, giỏi văn chương thi phú, mà còn rất mực hiếu thảo, đề cao lễ nghĩa “tôn sư trọng đạo”.
Lớn lao thay đạo đức bậc thầy
Đến nay chưa rõ trong suốt cuộc đời vua Tự Đức có bao nhiêu người thầy. Thế nhưng, trong chính sử và các giai thoại đều hiện rõ tài năng, đức độ của ba nhà nho từng đảm nhận nhiệm vụ làm thầy dạy của các hoàng tử, trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này).
Người thầy đầu tiên được sử liệu nhà Nguyễn nhắc đến là Nguyễn Đức Huy, tự Bá Diệu, sinh năm Ất Dậu (1801) tại làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, dinh Quảng Nam (nay thuộc xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) nhưng quê chính ở làng Trung Phường cùng huyện (nay là thôn Trung Phường, xã Duy Hải).
Thân phụ của ông dời nhà từ Trung Phường lên lập nghiệp ở Trà Kiệu để hành nghề dạy học và làm thuốc. Ông nổi tiếng là người con hiếu thảo với cha mẹ, khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, hàng ngày ông tìm món ngon thức ngọt dâng lên để tỏ lòng hiếu kính.
Khi cha mẹ qua đời, ba năm cư tang, khóc hết máu bên mộ; dựng lều giữa đầm núi, lam sơn chướng khí không ngại bệnh, sói tru, rết chạy chẳng kinh sợ. Bên ngoài tỏ ra khoan thứ nhưng bên trong lại rất cương quyết. Việc cư xử trong nhà, lấy điều nhân nhường, khuôn phép làm trách nhiệm bản thân.
Nguyễn Đức Huy là người học giỏi thông kinh sử, y lý nhưng không gặp may trên hoạn lộ. Cả ba lần ông ứng thí thi Hương đều chỉ đỗ Tú tài. Sau đó ông quyết định không thi tiếp, ở nhà mở trường dạy học, học trò khắp vùng đến xin theo học rất đông, nhiều người sau này đỗ đạt vinh hiển.
Văn bia trên mộ ông có ghi rằng: “Môn đồ trước sau hơn ngàn người cùng ngâm vịnh thi, thư. Có giới nho sĩ đông đúc, lớp quan lại cùng ngoạn du ở trong trường đức nghiệp. Con cháu vâng theo giáo huấn, quyết thân gần với hiếu đạo, với lối sống cần cù, thuận ý ruộng nương. Tiên sinh vững lập giáo huấn chỉnh nghiêm trong học tập, sùng yêu hiếu đạo, tấm gương sáng ấy, dẫu người xưa cũng ít người sánh kịp”.
Tiếng tăm lừng lẫy của thầy giáo Nguyễn Đức Huy bay xa, năm 1840 vua Minh Mạng triệu ông vào kinh bổ chức Hàn lâm viện Điển bạ, được sung vào giảng tập cho các hoàng tử.
Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) ông lại được nhậm chức Kiểm thảo biên tu và vẫn sung chức Bạn đọc với hoàng tử. Năm 1848 dưới thời Tự Đức, ông được thăng chức Hàn lâm viện Thị giảng sung Tán thiện rồi thăng Hàn lâm viện thị độc. Những chức vụ Giảng tập, Bạn đọc, Thị giảng, Thị độc cho thấy ông gắn liền với việc giảng dạy cho nhà vua, hoàng tử.
Sử liệu cũng cho biết ông có “phương pháp dắt dẫn (nhà vua, hoàng tử) đến việc thiện”. Ông còn thành công trong sự nghiệp giáo dục mở rộng học đường khiến nhà học đông như cửa chợ. Ông là vị thầy khả kính về cả đức hạnh và đạo học. Học trò ông là Phạm Phú Thứ đã thốt lời ca tụng rằng: “Lớn lao thay đạo đức bậc thầy, từ lâu nay mới một lần được thấy sự tôn nghiêm”.
Nhớ ơn thầy dạy học của mình, vua Tự Đức bổ cho chức Viên ngoại lang và “muốn trao chính sự sẽ dùng vào việc lớn”. Nhưng không may ngay sau đó, vào năm Tự Đức thứ 2 (1849), Nguyễn Đức Huy mất tại nhiệm sở.
Vua Tự Đức nghe tin, vô cùng thương tiếc, truy phong thầy là Trung thuận đại phu Tán trị doãn Thái thường tự thiếu khanh, ban cho tên thụy là Đoan Cẩn, cấp 20 tấm lụa và 400 lạng bạc, cho lính đưa linh cữu về quê an táng trên núi Càn La. Từ đó, dân địa phương gọi ngôi mộ của thầy giáo Nguyễn Đức Huy là mộ Ông Thầy.
Mười năm dưỡng chí nhà tranh
Người thầy thứ 2 của vua Tự Đức chính là nho sĩ hay chữ bậc nhất Thăng Long - “Thần Siêu” Nguyễn Văn Siêu. Sinh năm 1799 tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tương truyền Nguyễn Văn Siêu từ nhỏ đã có tư chất thông minh, 7 tuổi đã theo cha học viết chữ, đọc sách.
12 tuổi được gọi là “Thần Siêu”, tự làm bức hoành phi và đôi câu đối dán ở buồng học. Bức hoàng phi gồm 2 chữ “Lạc Thiên”, nghĩa là vui với đạo đời; câu đối có nghĩa “Ai xưa nay học đạo không có đường tắt/ Nhà tranh vẫn hay có người tài”.
Nội dung của câu đối và bức hoành phi đã bộc lộ ý muốn thành người tài đức. 15 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học thầy hương cống Trần Công Tiến. Đây chính là thời gian quan trọng, giúp ông rèn luyện những kỹ năng cần thiết, để sau này trở thành danh sĩ nổi tiếng.
Sau đó, Nguyễn Văn Siêu tìm đến những người thầy danh tiếng lúc bấy giờ để bái sư học đạo. Năm 20 tuổi, ông theo học Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Hải Dương, dành rất nhiều thời gian để chép sách, nhanh chóng tăng tiến và nổi tiếng học giỏi, vượt qua nhiều bậc danh nho đương thời.
Dù vậy, ông không vội đi thi để tìm đường quan lộ, mãi tới năm 26 tuổi mới lều chõng thử sức mình. Ông đậu Á nguyên ở trường thi Hà Nội nhưng 10 năm sau mới đỗ Phó bảng. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép rằng, vì ông “đọc sách cốt để rèn về cổ văn, không chuyên về học khoa cử, (nên) tới lúc đỗ Hương tiến, thường cáo từ không đi tuyển cử (nữa), chỉ ở nhà tranh dưỡng chí, tới 10 năm có lẻ, sau mới đỗ Tiến sĩ Ất khoa (tức Phó bảng)”.
Ngay năm đó (1838), ông được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo. Năm 1839, ông làm Chủ sự ở bộ Lễ. Năm 1840, thăng ông làm Viên ngoại lang. Cuối năm này, vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị lên ngôi, Nguyễn Văn Siêu được phong chức Thừa chỉ ở Nội các, ít lâu sau cho ông kiêm giữ cả chức Thị giảng dạy học cho các hoàng tử, trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này).
Sau khi lên ngôi năm 1847, vua Tự Đức xuống chiếu cử Nguyễn Văn Siêu làm Phó sứ sang Trung Quốc năm 1849, với lời dặn: “Khanh tính trời thông minh, học vấn uyên bác, đi sứ lần này nhớ thu thập những điều tai nghe mắt thấy, qua các danh lam thắng cảnh, cùng phong tục bên Bắc triều, phải lấy bút biên ghi chép tỉ mỉ ngay, chờ lúc về trình trẫm xem; giúp trẫm thấy rõ ngoài xa muôn dặm”.
Ngay khi trở về, Nguyễn Văn Siêu dâng lên vua Tự Đức cuốn sách “Vạn lý tập dịch trình tấu thảo”, được vua khen. Sau đó, ông tiếp tục được thăng chức Án sát Hà Tĩnh, Án sát Hưng Yên. Là người có tính ngay thẳng, ông quan niệm “thà mắng ngay vào mặt, không thèm nói vụng sau lưng”, vì thế đời làm quan của ông không tránh khỏi thăng trầm.
Nguyễn Văn Siêu cáo quan về ở ẩn vào năm 1854, tiếp tục dạy học, biên soạn sách vở và sáng tác văn chương, thơ phú. Ông để lại cho đời hàng vạn trang sách về lịch sử, văn hóa, địa lý, triết học, văn học.
Nói về Nguyễn Văn Siêu, sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết rằng: “Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu nên cáo văn điển sách của triều đình phần nhiều do ông soạn thảo cả. Vì thế, văn học của ông được vua biết đến. Người đương thời đều tôn trọng ông. Tới tuổi già rút lui, (ông) thích bảo ban kẻ hậu học, mà giảng sách biện biệt ngay thẳng chỗ giống chỗ khác lấy nghĩa lý làm chủ”.
Sau khi Nguyễn Văn Siêu qua đời (1872), ông được dân giáp Giang Nguyên tôn làm Thành hoàng, thờ chung với thần sông Tô Lịch và Đô Đài công Nguyễn Trung Ngạn thời Trần.
Thầy dạy phê bình vua
Người thầy thứ ba của vua Tự Đức là Tiến sĩ Phạm Phú Thứ. Ông sinh năm Tân Tỵ (1821) tại Điện Bàn, Quảng Nam, vì nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ thông minh và từng được Tùng Thiện vương Miên Thẩm dạy dỗ, nên ông sớm có tiếng là người tài.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Phú Thứ dự thi Hương, đỗ Giải nguyên khi mới 21 tuổi. Năm 1843, ông dự thi Hội và đỗ Hội nguyên. Khi vào thi Đình, ông đỗ luôn Tiến sĩ cập đệ. Vì tài năng, đức độ nên ông được cử vào cung, trực tiếp làm thầy dạy cho vua Tự Đức, nhậm chức Kinh diên khởi cư chú (chấm câu và hiệu chỉnh các chỗ in sai trong sách), giảng nghĩa sách cho vua nghe.
Một năm trời mưa lụt liên miên, rét lạnh cả tháng, vua không theo lệ đến nghe giảng, cũng không hỏi han gì đến việc học. Ông đã dâng sớ “phê bình”, lời lẽ trong tờ sớ được đánh giá là “không kiêng kỵ, na ná như tính tình của Thứ”, “trách vua với lời lẽ nặng nề”: “Lễ đại đình ít thấy ra triều thị, nhạc nội uyển kèn trống suốt cả đêm, nhà Kinh Diên lâu không tới giảng, chốn triều đình lâu không ban hỏi, thần tử ở bốn phương phủ huyện cũng lâu không được thừa chỉ thanh vấn. Lại nói: thái y phương thuốc điều hòa, thực cũng quá ư nghệ thuật, quần thần dâng sớ thỉnh an, vì tình khuất cả lời nói”.
Hậu quả của tờ sớ ấy là ông bị chính nhà vua - học trò của mình cách chức, đày làm lính trạm. Hoàng Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức biết chuyện mới hỏi Tự Đức: “Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông ta được cái gì?”.
Vua đáp: “Dạ! Ông ấy không được gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua với lời lẽ nặng nề như thế là phạm thượng”. Bà Từ Dũ nghiêm mặt bảo: “Thế người này đáng trọng lắm! Dâng sớ trách như vậy vì thương vua, vì muốn vua lo việc nước tốt hơn.
Thương vua, giúp vua lại bị nạn mà không một lời than van, đành cam chịu thế càng tỏ dạ trung thành. Đó là bậc trượng phu không vui ở chức tước được người trên trọng hay khinh mà vui ở việc làm chân chính. Con nên nghĩ lại!”. Nhờ vậy, năm 1852, vua Tự Đực cho Phạm Phú Thứ về kinh, phục chức cho ông.
Năm Tự Đức thứ 35 (1882), Tiến sĩ Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà. Vua Tự Đức thương tiếc người thầy, ban dụ: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo.
Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần”.
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng dành hơn 10 trang với gần 3.000 chữ trong “Đại Nam liệt truyện” để nói về Tiến sĩ Phạm Phú Thứ với những lời ngọc về tri thức, đạo đức, lối sống, bản lĩnh của một nho sĩ - thầy dạy của vua.
Theo lẽ thường, sau khi vua Thiệu Trị qua đời, ngôi vua sẽ được truyền cho người con trưởng là Nguyễn Phúc Hồng Bảo. Thế nhưng, Hồng Bảo không chịu học hành nên vua Thiệu Trị đã để di chiếu. Sử nhà Nguyễn chép lời trăng trối của vua Thiệu Trị như sau: “Trong các con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng vì thứ xuất, ngu độn ít học, chỉ ham chơi, không thể nối nghiệp lớn được. Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm thông mẫn, ham học, rất giống ta, đáng nối ngôi vua. Hôm qua ta đã phê vào di chiếu để trong long đồng. Các ngươi phải kính noi đó, đừng trái mạng ta”.