Tờ giấy giám định ADN giải oan cho người mẹ câm sau 20 năm

Cầm tờ kết quả ADN trên tay, cô gái trẻ và người mẹ câm ôm nhau khóc ngay giữa trung tâm. Vậy là sau 20 năm bị bà nội ruồng rẫy, đuổi ra đường, mẹ cô đã được rũ đi bao oan khuất, uẩn ức trong lòng.

Tờ giấy giám định ADN giải oan cho người mẹ câm sau 20 năm

Tham gia công tác trong lĩnh vực giám định ADN nhiều năm, anh Trần Anh Tuấn (Giám đốc trung tâm giám định ADN Genpro) từng chứng kiến nhiều bi kịch nghiệt ngã phía sau tờ kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên anh cho biết, cũng nhờ công nghệ khoa học này, không ít những mảnh đời đã tìm lại nụ cười sau bao năm tháng bị dày vò bởi chính người thân của mình.

Tờ giấy giám định ADN giải oan cho người mẹ câm sau 20 năm
Giám đốc trung tâm giám định ADN Trần Anh Tuấn

"Mỗi ngày trung tâm tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến yêu cầu giám định huyết thống. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với mẹ con người phụ nữ câm tên Lê Thị Miên (55 tuổi, quê Nam Định)", anh Tuấn nhớ lại.

Anh kể, một buổi sáng cách đây 3 tháng, một cô gái e dè, đứng trước cửa trung tâm khá lâu rồi mới quyết định bước vào.

Cô gái giới thiệu mình tên Hảo, sinh viên mỹ thuật ở Hà Nội. Hảo hỏi khá cặn kẽ quy trình giám định ADN từ chi phí, cách lấy mẫu... đến thời gian nhận kết quả.

Tờ giấy giám định ADN giải oan cho người mẹ câm sau 20 năm
Một thao tác trong phòng giám định ADN.

Sau khi được nhân viên tư vấn, cô xin phép ra về. Hai tuần sau, Hảo quay lại trung tâm. Lần này, cô đi với người phụ nữ trung tuổi, khuôn mặt khắc khổ, đượm vẻ u buồn. Theo Hảo, đó là mẹ của cô, bà bị câm điếc bẩm sinh.

Bà Miên khẽ ngồi xuống ghế rồi lấy trong túi áo ra một bọc nilon nhỏ, bên trong là mấy sợi tóc bạc.

Hảo mang mẫu tóc đó và mẫu tóc của mình nộp cho trung tâm đồng thời đăng ký giám định huyết thống. Theo đó, mẫu tóc bạc cô ghi vào mục "Bố", còn mẫu của mình cô ghi vào mục "Con". Tâm trạng Hảo có vẻ khá hồi hộp, lo âu.

"Hai mẹ con Hảo làm thủ tục xong là ngồi đợi ở phòng chờ", giám đốc trung tâm kể.

Hảo chú ý chăm sóc mẹ từng ly từng tí. Dù không nói, không nghe được nhưng bà đều hiểu được con gái nói gì thông qua ký hiệu bằng tay.

"Cuộc trò chuyện của hai mẹ con diễn ra khá lâu, đặc biệt, không hề có âm thanh nào phát ra nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm hai mẹ con dành cho nhau. Thi thoảng, bà Miên đưa tay áo, lau vội đôi mắt đang ầng ậc nước", anh Tuấn xúc động nói.

Đến buổi chiều, khi nhân viên mang kết quả ra cho Hảo. Cô đọc đi đọc lại, gấp vào rồi lại mở ra, cứ như vậy, suốt 30 phút.

Cô gõ cửa phòng anh Tuấn, nhờ anh kiểm tra lại giúp xem có gì nhầm lẫn không. Vì trên tờ kết quả cho thấy cô và chủ nhân của mẫu tóc kia có quan hệ cha con.

Anh Tuấn tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nhận tờ giấy từ tay cô gái, ôn tồn giải thích: "Kết quả cô nhận được hoàn toàn chính xác".

Cô gái đứng dậy, chạy ra ôm mẹ, bật khóc nức nở. Dường như bao năm qua hai mẹ con cô đã phải chịu đựng một nỗi đau đớn, tủi hờn ghê gớm. Sau khi trấn tĩnh, Hảo kể với anh Tuấn, mẹ cô bị khuyết tật bẩm sinh, 29 tuổi mới có người đến dạm hỏi. Dẫu không nghe, nói được nhưng bà rất khỏe mạnh, chăm chỉ.

Chú rể là người đàn ông bị liệt tên Tường, hơn bà 3 tuổi, chỉ nằm một chỗ. Mẹ chồng hỏi cưới bà về cũng nhằm mục đích kiếm người chăm sóc con trai.

Gia đình bà Miên cũng neo người, anh trai lấy vợ, nghèo khó, quanh năm an phận với củ khoai, cây lúa. Khi em gái lấy chồng, ông thở phào nhẹ nhõm. Vì ít ra, đứa em đáng thương của mình cũng có nơi mà bấu víu.

Đám cưới bà Miên chẳng có xe hoa, không có chú rể rước. Bà lặng lẽ ngồi sau xe đạp của anh trai, ôm bọc quần áo về nhà chồng.

Ba tháng sau ngày lấy chồng, bà thông báo mình có thai. Tưởng sẽ nhận được sự chia sẻ và động viên từ mẹ chồng, bà bất ngờ bị vu cho tội ngoại tình, lăng loàn.

Mẹ chồng cho rằng con trai mình bị liệt, sao có thể thực hiện được chức năng đàn ông mà có con? Con trai bà lên tiếng bênh vực vợ nhưng mẹ nhất quyết không nghe.

Chứng kiến mẹ đuổi vợ ra khỏi nhà, chồng bà Miên chỉ biết bất lực nhìn theo. Bà Miên không biết chữ, không biết làm gì để giải thích cho mẹ chồng hiểu. Khi ấy, bà chỉ biết ú ớ, nước mắt chảy dài trên gò má xương xẩu.

Bà Miên vác bụng bầu vào ngôi chùa giữa làng nương náu và sinh ra Hảo. Năm tháng qua đi, hai mẹ con dựa vào nhau mà sống. Mẹ chồng bà Miên mỗi lần đi qua chùa, gặp con dâu thường buông lời chì chiết, gọi cháu là đứa con hoang. 

Cuộc sống khổ cực trăm bề, bị bà nội dằn hắt là vậy nhưng Hảo có tâm hồn rất đỗi trong trẻo, lương thiện. Dân làng ai cũng quý mến cô bé tội nghiệp. Thấy mẹ con Hảo bị đối xử tệ bạc, họ trách gia đình nhà bà Miên quá nhẫn tâm.

Năm lớp 6, được cô giáo mua cho quyển sách dạy giao tiếp với người câm, điếc bằng tay, Hảo mày mò tự học rồi hướng dẫn mẹ. Nhờ vậy, hai mẹ con thường xuyên trò chuyện với nhau hơn trước.

Tờ giấy giám định ADN giải oan cho người mẹ câm sau 20 năm

Tốt nghiệp lớp 12, Hảo đỗ đại học, cô đưa mẹ theo mình xuống Hà Nội thuê nhà trọ. Ban ngày cô đi học, tối đến chạy gia sư, làm thêm.

Một lần đi ngang trung tâm giám định ADN, Hảo chợt nảy ra suy nghĩ lấy mẫu của mình và người đàn ông bị liệt kia đi xét nghiệm.

Từ trước đến nay, bà Miên luôn khẳng định Hảo chính là con của bà và ông Tường nhưng mẹ chồng không tin. Hảo nói với mẹ, tìm cách nào đó sang nhà bà nội, lấy tóc của ông Tường đi giám định là có thể chứng minh được điều đó.

Nhờ sự giúp đỡ của anh trai, bà Miên lấy được tóc của chồng cho con gái mang đi giám định.

"Hảo nói tờ kết quả đã giúp mẹ mình gột sạch được những oan khiên đeo bám suốt 20 năm nay. Gần đây, tôi gặp lại Hảo, cô vui mừng cho biết khi nhận được tờ giám định ADN, bà nội nghẹn ngào không thốt nên lời.

Bà nội trách bản thân mình thiếu sáng suốt, khiến hai con phải sống trong đau khổ. Để chuộc lỗi lầm, bà đã làm mâm cơm, mời họ hàng đến nhà, công khai xin lỗi con dâu và cháu nội. Đồng thời, bà cũng đề nghị đón mẹ con Hảo về nhà", anh Tuấn nói.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ