Và phương pháp đó đã được cô giáo Phạm Phương Hoài, Trường THPT Đồng Lộc - huyện Can Lộc - Hà Tĩnh sử dụng rất thành công khi dạy học đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ).
Thiết nghĩ, bên cạnh hình thức tổ chức dạy học này và các phương pháp truyền thống, người dạy có thể linh hoạt tổ chức các trò chơi đem lại không khí sôi nổi cho lớp học, kích thích sự tích cực, chủ động của học sinh; tăng cường kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, tư duy phản biện,… và lồng ghép kiến thức vào đó để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và hứng thú học tập.
1. Trò chơi “Đoán ý đồng đội”
Đây là một luật chơi vô cùng quen thuộc, có thể sử dụng hiệu quả trong phần khởi động để kích hoạt kiến thức nền của tiết học. Giáo viên chuẩn bị gói từ khóa, hình ảnh…, sau đó mời một học sinh quay lưng lại với bảng, chuẩn bị đoán từ khoá. GV chiếu từ khoá trên máy chiếu cho cả lớp nhìn thấy để các học sinh khác gợi ý để học sinh này trả lời. Lời gợi ý không được phép nhắc đến bất kì tiếng nào trong gói từ khóa giáo viên đưa ra. Việc quan sát từ khoá và tư duy để trả lời từ khoá sẽ giúp học sinh khơi dậy kiến thức nền cho học sinh.
Trong tiết học “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, để kích thích phản ứng nhanh và sự hào hứng của học sinh, tôi đã kết hợp luật trò chơi này với trò chơi “Ai nhanh hơn?” bằng cách không chỉ gọi 1 học sinh mà gọi 5 học sinh cùng trả lời, ai đoán được từ khoá trước là người chiến thắng.
Khi dạy tiết 2 của bài này, giáo viên có thể chuẩn bị các từ khoá như: kịch, 1981, cốt truyện dân gian, tính thời sự, cao trào, hài hoà,… để khơi gợi những hiểu biết của các em về nội dung tiết học trước: thể loại, hoàn cảnh sáng tác, cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt,…
2. Trò chơi sắp xếp kiến thức
Trò chơi này được sử dụng nhằm kiểm tra phần đọc và ghi nhớ lời thoại của học sinh, phù hợp dạy học theo đặc trưng thể loại kịch: bám sát lời thoại nhân vật. Trong dạy học đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, tôi sử dụng trò chơi sắp xếp kiến thức theo nhóm như sau: giáo viên chuẩn bị những lời thoại của các nhân vật khác nhau được sắp xếp ngẫu nhiên, yêu cầu học sinh sắp xếp đúng vị trí (theo nhân vật).
Hoàn thành trò chơi, học sinh sẽ nhận diện được lời thoại các nhân vật, từ đó tạo tiền đề để người dạy gợi dẫn các em khám phá những lời thoại ấy, từ đó thấy được thông điệp mà tác giả gửi gắm.
3. Trò chơi “Phép thử khả năng”
Trò chơi này dùng giấy màu để ghi lại thật nhanh các ý tưởng. Có thể ứng dụng trò chơi “phép thử” về các khả năng trong dạy bài “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Khi tìm hiểu về màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, về cách giải quyết bi kịch của nhà văn, thay vì thuyết giảng có phần áp đặt hay hỏi đáp thiếu hấp dẫn, giáo viên có thể tổ chức cho các em thử các khả năng có thể để từ đó học sinh nhận ra việc lựa chọn cái chết của hồn Trương Ba là đúng đắn, tất yếu do quy định của tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Sau khi tìm hiểu quan niệm về sự sống của hồn Trương Ba và Đế Thích, giáo viên tổ chức trò chơi “Phép thử khả năng”: “ Giả sử mình là Đế Thích, em hãy đưa ra những cách giải quyết của mình để Trương Ba được sống?”
Đầu tiên giáo viên yêu cầu học sinh nghĩ ra tất cả các khả năng có thể để giúp Trương Ba không chết và ghi lên giấy màu dán lên bảng. Sau đó, những khả năng nào không phù hợp với quy luật khách quan của hiện thực và quan niệm sống của hồn Trương Ba thì giáo viên đề nghị học sinh đề xuất để tháo xuống. Trong quá trình tháo, giáo viên khuyến khích học sinh tranh luận về từng thẻ màu để làm rõ ràng các ý kiến.
Cuối cùng, thường thì tất cả các thẻ màu đều bị tháo xuống, chỉ còn lại chính sự lựa chọn của hồn Trương Ba: xin cho cu Tị sống lại, chấp nhận cái chết và trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Từ đó học sinh có thể đi đến kết luận cái chết của Trương Ba là lựa chọn duy nhất, tất yếu và dũng cảm đánh đổi sự sống để được là chính mình.
Qua đó học sinh có thể thấy được vẻ đẹp tâm hồn Trương Ba: nhân hậu, vị tha, giàu lòng tự trọng và ý thức sâu sắc về ý nghĩa của sự sống đích thực; phát biểu được thông điệp mà tác giả gửi gắm qua cách giải quyết bi kịch hồn Trương Ba.
Kết thúc các trò chơi, giáo viên cần có những nhận xét, phân tích ý nghĩa trò chơi, động viên, khích lệ các em học sinh và khen thưởng kịp thời. Điều đó sẽ làm tăng hiệu quả và hứng thú của học sinh với giờ học.