Tố chất ảnh hưởng sự hình thành trí thông minh của mỗi học sinh?

GD&TĐ - Với bất cứ ai trong nghề làm thầy, nỗi băn khoăn, trăn trở lớn nhất vẫn là làm sao để cho học trò của mình được học tốt lên. Nhất là khi gặp phải những học sinh học kém. Vậy có hay không học trò dốt? Vì thế bài viết này xin được trao đổi trong một góc nhìn ấy.

Tố chất ảnh hưởng sự hình thành trí thông minh của mỗi học sinh?

Xác định phân loại để tìm ra tố chất của mỗi HS

Đối với một giáo viên, trước khi thực hiện công việc giảng dạy, điều trước hết là phải tiếp xúc để tìm hiểu học sinh, để từ đó có đánh giá ban đầu về khả năng của các em. Có một điều dễ nhận thấy là khả năng của các học sinh là không đồng nhất. Điều đó là do tố chất của từng em quyết định. Tố chất là những yếu tố cơ bản hình thành trong một con người.

Theo đó, có những học sinh có tố chất thông minh, nhưng có những em lại chậm trong nhận thức. Nhưng, có một điều phải khẳng định rằng khả năng của mỗi con người là khác nhau, do tố chất quyết định. Tố chất của một con người không có ngay từ khi lọt lòng và không phải do gen di truyền, mà tố chất được hình thành dần dần trong quá trình sống của người đó, chịu sự ảnh hưởng và tác động của môi trường sống, truyền thống và nền nếp gia đình, và các yêu tố xã hội khác.

Tố chất của mỗi người ảnh hưởng đến sự hình thành trí thông minh của người đó. Do mỗi người có một tố chất khác nhau nên trí thông minh của họ cũng khác nhau. Tuy nhiên trong giáo dục, có những em còn chậm hiểu khi tiếp cận vấn đề. Điều này là do môi trường hoc tập điều kiện và không khí lớp học đã gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, cùng với đó là trạng thái tâm lý, ý thức và tinh thần học tập chung. Do đó, các thầy cô giáo khi dạy những học sinh như vậy cần biết cách gợi mở và dẫn dắt vấn đề để các em tiếp cận, tìm hiểu.

Theo một kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Howard Gardner - một nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh tại Đại Học Harvard cho biết, con người có bao gồm 8 loại trí tuệ khác nhau phản ánh các cách tương tác đa dạng với thế giới và ông tin rằng, mỗi người đều có một sự pha trộn độc đáo giữa những dạng trí tuệ này. Đó là các dạng thông minh gồm, thông minh về không gian, thông minh về vận động cơ thể, thông minh về âm nhạc, thông minh về ngôn ngữ, thông minh về logic toán học, thông minh về giao tiếp, thông minh về nội tâm và thông minh về tự nhiên.

Trong các dạng thông minh của con người mà Giáo sư Howard Gardner nói tới cần chú ý về một dạng thông minh, đó là thông minh về nội tâm. Theo đó, những người thuộc dạng thông minh này khá nhạy cảm với cảm xúc và mục tiêu của chính mình. Họ giỏi phát triển điểm mạnh của bản thân và ưa làm việc cá nhân. Dạng này không biểu hiện ở một nghề nghiệp cụ thể, nó là mục tiêu cho mỗi cá nhân trong xã hội phức tạp ngày nay, khi mà con người ta phải tự đưa ra những quyết định riêng của mình và chấp nhận đối mặt với kết quả của nó.

Đây là những khía cạnh rất hữu ích trong việc phát hiện và phát triển khả năng của bản thân con người. Đặc biệt đối với trẻ em, khi đó cần có những quan sát xem trẻ có những trí thông minh nào nổi trội và giúp bé nuôi dưỡng đúng hướng và bộc lộ hết khả năng của bản thân. Cũng chính vì thế mà ta có thể thấy khả năng của trẻ được bộc lộ ở nhiều thiên hướng khác nhau chứ không chỉ trong học tập.

Không có gen di truyền trí thông minh

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một chuyên gia hàng đầu về Sinh học thì gen không truyền trí thông minh, có nghĩa là trí thông minh không di truyền theo các thế hệ. Trên thực tế nhiều gia đình có bố mẹ được xem là giỏi giang nhưng con cái lại bị đánh giá là kém cỏi. Và ở nhiều gia đình thuộc thành phần lao động bình thường nhưng con cái lại rất giỏi giang. Những tấm gương học sinh, sinh viên vượt khó, có thành tích rất cao trong học tập xuất thân từ những gia đình nghèo khó là những thí dụ điển hình như thế.

Tuy nhiên, như đã nhận định ở trên, con người có thể có nhiều dạng thông minh khác nhau, và thông minh trong học tập chỉ là một biểu hiện trong số đó. Bởi lẽ, khả năng của con người là luôn luôn phát triển và được biểu hiện dưới nhiều góc độ. Chính sự thông minh của mỗi con người là khác nhau nên sự quan tâm của con người là không giống nhau.

Điều đó đã tạo nên sự khác biệt của con người trong nhận thức và thiên hướng hoạt động. Và điều đó cũng để lý giải là vì sao nhiều người không giỏi ở trường lớp nhưng vẫn thành đạt trong cuộc sống. Chính vì thế nên các bố mẹ cũng không nên quá lo lắng khi con mình bị xem là học dốt. Bởi lẽ, khả năng của con người được bộc lộ ở nhiều mặt khác nhau, và cuộc sống sau này sẽ chứng minh điều đó. Do đó, các bố mẹ hãy thực sự có niềm tin và hiểu con mình.

Phương pháp ứng xử với HS gặp khó khăn trong học tập

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, bất kỳ một cộng đồng học sinh nào cũng có một bộ phận học sinh có khó khăn trong học tập, bao gồm nhiều nguyên nhân, như: Môi trường giáo dục, hoàn cảnh gia đình, đặc thù địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, bị các dạng khuyết tật (như: Khiếm thị, khiếm thính, trí tuệ, rối loạn cảm xúc...).

Đặc biệt, có một nhóm đối tượng học sinh không có biểu hiện của những nguyên nhân trên nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Đó là những em thuộc nhóm đối tượng có khó khăn đặc thù chủ yếu là nghe, nói, đọc, viết, tính toán. Thực tế, nếu nhìn nhận một cách khách quan và khoa học thì những em đó có thể được đưa vào dạng “khuyết tật học tập”. Đó là những em có kết quả học tập thấp, tuy thế trên thực tế, nhiều em lại không hề thua kém bạn bè đồng trang lứa ở các lĩnh vực khác khi xét trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Cụ thể, những biểu hiện thường gặp ở học sinh khuyết tật học tập là: Khả năng ghi nhớ kém (các em thường quên cách đánh vần, quy tắc chính tả, bảng cửu chương, lời thầy, cô dặn...); khả năng tập trung hạn chế (các em chỉ tập trung được trong thời gian ngắn, thường lơ đãng và bị chi phối bởi những hoạt động xung quanh); các em có tâm lý tự ti, một số khác có hành vi gây gổ, làm ngược lại yêu cầu của giáo viên; những em có khó khăn về đọc thường nhầm lẫn trong việc phân tích âm - vần, nhầm lẫn các chữ cái đối xứng nhau (chữ b, d hay p, q), đọc sai dấu thanh, đọc thêm từ, có những em nhìn hình thì đọc chữ được còn che hình lại không đọc được.

Mặt khác, những em có khó khăn về viết thường viết chậm, chữ xấu, mắc nhiều lỗi chính tả, khả năng sử dụng từ ngữ, lập dàn bài kém. Những em có khó khăn về tính toán thì thường không thuộc các bảng cộng, bảng nhân, nên khả năng tính nhẩm kém, làm tính viết thường quên nhớ lẫn lộn.

Cần có nhiều biện pháp giáo dục phù hợp

Mặc dù hiện tượng học sinh bị khuyết tật học tập là một hiện tượng phổ biến trong tất cả các trường học, mà biểu hiện rõ nhất là ở cấp Tiểu học; song trên thực tế, khi được hỏi thì đa số giáo viên trả lời không biết hoặc không có hiểu biết chính xác về đối tượng hoc sinh bị khuyết tật học tập. Và nhiều ý kiến cho rằng, học sinh khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, do lười học, do gia đình không quan tâm... Từ đó đã đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt các em học bài trong giờ giải lao... Những biện pháp đó, vô hình trung khiến học sinh đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn.

Mặt khác, do không xác định được đây là những học sinh bị khuyết tật học tập nên không có hồ sơ theo dõi riêng; công tác bàn giao giữa giáo viên năm trước và năm sau chưa quan tâm đến các trường hợp này; lâu dần những khó khăn về học tập của các em ngày càng trầm trọng và việc học sinh học hết Tiểu học vẫn không biết đọc, biết viết là có khả năng xảy ra.

Từ đó, nguyên nhân của khuyết tật học tập ở một bộ phận học sinh không phải là các yếu tố khuyết tật bẩm sinh hoặc môi trường giáo dục không phù hợp, mà là do “bên trong” mỗi học sinh, có thể do sự khác biệt hoặc khiếm khuyết của hệ thần kinh Trung ương trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin trong quá trình học tập (nghe, nói, đọc, viết, tính toán) và học sinh khuyết tật học tập luôn chiếm một tỷ lệ nhất định trong các trường học.

Do đó, trong giáo dục, việc tìm ra sự khác biệt giữa các học sinh để có nội dung và phương pháp giáo dục thích hợp là rất quan trọng. Điều đó quyết định sự thành công và chất lượng giáo dục theo sự phát triển toàn diện ở người học. Như thế, để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học cần đánh giá đúng tiềm năng phẩm chất và năng lực ở họ để từ đó có sự gợi mở, khai phá thích hợp.

Về mặt sinh học, con người được coi là động vật cao cấp nhất bởi trí não phát triển, cùng với đó là sự thông minh và khả năng nhận thức. Vì thế, từ những luận cứ trên có thể khẳng định, không có học sinh nào dốt mà chỉ có những giáo viên chưa nhìn thấy đúng khả năng, năng lực của học sinh và đã chưa có phương pháp giảng dạy thích hợp cho học sinh của mình.

Không có HS dốt, quan trọng là phương pháp giáo dục thích hợp

Trong thực tế sư phạm, phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh là rất quan trọng. Khi đó trong quá trình giảng dạy, người thầy cần hiểu đúng các em, nắm bắt đúng các yếu tố tâm lý của các em, để từ đó tạo môi trường học tập thân thiện và gợi mở, xây dựng nội dung và thiết kế phương pháp giảng dạy thích hợp với tùy từng đối tượng học sinh, bởi điều đó sẽ quyết định sự thành công trong sự nghiệp giảng dạy.

Tuy nhiên, ở Việt Nam ta, cơ cở vật chất trường học còn nhiều hạn chế, các lớp học đa phần có sỹ số đông, và điều đó gây không ít khó khăn cho các thầy cô giáo trong việc nhận diện học sinh, để từ đó tìm ra sự khác biệt giữa các em và tổ chức phương pháp thích hợp.

Đặc biệt, trong một thời gian dài, phương pháp giảng dạy của chúng ta vẫn là lối truyền thụ mang tính áp đặt một chiều, giáo viên là trung tâm của quá trình giảng dạy, diễn ra theo cách thức: thầy nói trò nghe, thầy chép cho ghi, do đó có rất nhiều hạn chế cho việc bảo đảm hiệu quả giáo dục. Vì thế, đây cũng là một gợi mở để chúng ta đổi mới phương pháp giảng dạy và cách tổ chức lớp học. Bởi lẽ, mọi chủ trương cải cách và đổi mới giáo dục suy cho cùng là nhằm đạt dến mục đích để nâng cao hơn chất lượng người học, cùng với đó là sự phát triển và hiệu qủa trong việc đào tạo nhân lực-con người.

Vì thế, một lần nữa phải khẳng định rằng, “không có học trò nào dốt, mà chỉ có những thầy giáo chưa biết cách giảng dạy cho học sinh của mình”. Trên đây là một vài trao đổi để chúng ta cùng tham khảo, để từ đó các thầy cô cùng có cái nhìn đúng đắn hơn và định hướng tốt hơn cho công việc của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ