Bồ câu đưa thư tìm đường như thế nào?
Kết quả nghiên cứu của hai nhà phân tích hành vi động vật Joel Fagot, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Robert Cook, Trường đại học Tufts, thuộc bang Massachusset (Mỹ) khẳng định: Chim bồ câu và khỉ đầu chó là hai loài có trí nhớ đặc biệt tốt.
Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng: Bồ câu đưa thư theo những tuyến đường, y như con người vậy. Một giả thiết đưa ra được nhiều người chấp nhận đó là, quá trình tiến hoá thúc đẩy khả năng ghi nhớ dài hạn những cảnh vật, mốc đánh dấu đường đi của nó. Điều đó đồng nghĩa với việc để có khả năng sinh tồn có mặt trong chuỗi thức ăn sinh thái, khả năng ghi nhớ dài hạn này là một điều kỳ diệu và thông minh.
Để khám phá ra “bí quyết” này, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu khoa học quốc gia, Viện nghiên cứu thần kinh Mediterranean (Pháp) cho 2 con chim bồ câu xem hàng nghìn bức ảnh. Họ cho chúng tập luyện bằng cách dùng mỏ tích hoặc vẽ vòng tròn lên những hình ảnh mà chúng đã nhìn thấy. Thử nghiệm này lặp đi lặp lại giống như những phản xạ có điều kiện. Kết quả là, 2 con chim có thể nhớ từ 800 – 1000 bức ảnh. Đó quả là một cách ghi nhớ tuyệt diệu.
Hành trình hàng trăm dặm của chim bồ câu khi đưa thư thực chất có cơ chế giống như các phản xạ có điều kiện. Người ta buộc thư vào chân chúng từ điểm xuất phát cho đến địa điểm nhận thư, hành động lặp đi lặp lại nhiều lần tạo nên chuỗi hình ảnh quen thuộc trong não chúng. Trên đường, chúng liên tục dùng “la bàn” để định hướng và ghi nhớ một cách thông minh và chính xác.
Không ít lần các nhà khoa học nghi ngờ về khả năng đặc biệt này của chúng. Vì vậy, họ đã quyết định mở một cuộc nghiên cứu theo dõi lộ trình kỳ diệu này. Hai chú bồ câu được huấn luyện đi theo một con đường nhất định. Sau một khoảng thời gian chúng bay về đích một cách chính xác. Tuy nhiên, thời điểm về đích hai con lại khác nhau. Lý do là hệ thống khứu giác và hệ thống định vị từ trường của bồ câu đôi khi cũng bị “đánh lừa”. Chúng chỉ có thể xác định toạ độ địa lý nơi chúng đặt chân nhưng chưa hẳn đã đi theo đường cũ.
Trên mỏ bồ câu đưa thư có những hạt từ tính nhỏ xíu nằm ở mỏ trên của nó, giúp lập bản đồ từ trường trái đất trong những hành trình vạn dặm, và giúp nó trở về nhà. Điều đó chứng tỏ: ngoài “người” dẫn đường là ánh sáng mặt trời, các vật chất từ tính cũng là bộ phận hỗ trợ đắc lực phương hướng liên lạc cho chim bồ câu.
Một vài yếu tố khác như việc sử dụng mùi để xác lập phương hướng hay việc cảm nhận sự thay đổi từ trường để thiết lập nên một “bản đồ định vị”. Vì vậy, chẳng cần “hỏi” đường hay “ghi chép” những mốc quan trọng trên con đưòng, bồ câu vẫn có thể “lần” đúng địa chỉ.
Nhận thức vượt trội
Các nhà khoa học tại đại học Keio đã chỉ ra rằng chim bồ câu có thể phân biệt hình ảnh video của bản thân, thậm chí với độ trễ khoảng 5-7 giây, vì vậy khả năng tự nhận thức của chúng cao hơn một đứa trẻ 3 tuổi - độ tuổi thường gặp khó khăn tự nhận diện bản thân chỉ với 2 giây trễ.
Giáo sư Shigeru Watanabe thuộc trường cao học quan hệ loài người Keio trực thuộc đại học Keio cùng với Kohji Toda - sinh viên cao học thuộc đại học Tsukuba đã huấn luyện chim bồ câu phân biệt hình ảnh bản thân trong thời gian thực sử dụng gương và băng video. Họ đã chứng minh rằng chim bồ câu có thể nhận biết hình ảnh phản chiếu cử động của bản thân chúng.
Khả năng tự nhận diện bản thân được phát hiện thấy ở các loài có xương sống lớn như tinh tinh, phát hiện gần đây cho thấy cá heo và voi cũng có khả năng này. Việc tồn tại khả năng ở chim bồ câu cho thấy trí thông minh như năng lực tự nhận diện bản thân cũng xuất hiện ở nhiều loài động vật, không chỉ giới hạn ở loài có xương sống hay cá heo vốn là những loài có bộ não lớn.
Nhiều thí nghiệm cho thấy chim bồ câu nhận biết bằng thị giác rất tốt. Ví dụ, một nghiên cứu tại đại học Havard đã chứng minh rằng chim bồ câu có thể nhận biết các hình ảnh khác nhau của con người. Tại phòng thí nghiệm của giáo sư Shigeru Watanabe, chim bồ câu có thể phân biệt tranh của một họa sĩ này (ví dụ như Van Gogh) với tranh của một họa sĩ khác (ví dụ như Chagall).
Thêm vào đó, chim bồ câu có thể phân biệt những con chim bồ câu khác, đồng thời có thể nhận biết giữa những con chim bồ câu tiêm thuốc kích thích và những con bình thường.