Cả lớp xôn xao vì chuyện này. Có lẽ không kịp mất, mai đã là ngày trưng bày trước toàn trường rồi. Tiếng trống vang lên. Giờ ra chơi ngắn ngủi kết thúc. Cô Bông bước vào lớp. Mọi người đứng dậy chào cô.
Sau vài giây, ngắm qua lớp một lần. Cô Bông bước xuống bàn thằng Quân, khi nó vẫn còn đang gục mặt xuống bàn: “Em làm sao thế?”.
Cả lớp ùa lên. Rồi cái Hoa -quản ca, đứng lên nói: “Bạn Hiếu, và bạn Quân vừa xô xát với nhau?”. Cô Bông ngoảnh ra nhìn cái Hoa. “Chuyện là như thế nào em nói rõ cho cô nghe”. Cái Hoa nói với cái giọng cũng khá tức giận: “Bạn ấy nhận làm báo tường cho lớp. Mai nộp rồi, mà bây giờ mới có vài nét vẽ bằng bút chì thôi ạ”.
“Báo tường là sản phẩm chung, đáng nhẽ cả lớp phải cùng làm chứ” - cô thắc mắc.
Khi rõ chuyện, cô bước lên trên bục giảng, ngồi xuống ghế từ từ kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về ba anh em khuyết tật:
“Một gia đình nọ, sinh được ba người con trai. Anh cả thì bị câm bẩm sinh. Anh hai bị gãy cả hai tay do một tai nạn giao thông lúc nhỏ. Đứa út bị liệt, do một cơn sốt lúc hai tuổi, nhưng may mắn anh vẫn đứng và đi lại chậm rãi được bằng đôi chân giả của mình.
Có một hôm, bà mẹ gọi ba anh em dậy từ rất sớm và nói: “Hôm nay giỗ bố các con, mẹ phân công việc cho mỗi đứa như sau: Thằng cả đi mời khách. Thằng hai đi ra vườn vặt hoa quả, và xé buồng cau vào thắp hương. Còn thằng út bưng bê”.
Đến quá trưa cũng chẳng thấy ông khách nào đến. Thức ăn nấu sẵn cũng chưa bê được lên nhà. Hoa quả vẫn chưa thấy vặt, đưa lên ban thờ. Bà mẹ gọi ba đứa con lên nhà rồi chửi mắng.
Cụ già hàng xóm nghe thấy nhà bên cạnh ầm ĩ lên sang xem sao. Bà mẹ thấy bà cụ bước vào nhà, liền ngừng chửi mắng các con, và cười tươi đón khách: “Mời cụ sang dùng với nhà cháu bữa cơm”.
“Có chuyện gì mà ầm ĩ thế? Sao bữa nay chưa ăn cơm ư?”.
“Hôm nay, là giỗ bố chúng nó. Không biết các cụ, các bác tức gì nhà cháu. Bảo thằng cả đi mời từ sớm, đến giờ vẫn chưa thấy ai sang. Mới lại giao cho chúng nó mấy việc, từ sáng giờ chẳng đứa nào hoàn thành hết. Chẳng nhẽ chúng nó khuyết tật lại cứ chửi chúng nó suốt thì mang tiếng. Không chửi thì chẳng chịu nổi. Tức, tức lắm cụ ạ”.
Bà cụ liền thốt lên: “Ôi! Thế à, sao không cho hai cậu thứ đi mời? Tôi thấy thằng cả sang nhà lúc sớm. Nó cứ khua tay, khua chân, hầm hừ… Tôi tưởng nó trêu cái gì đó thôi, hóa ra nó mời sang ăn giỗ chồng chị”.
Cô giáo dừng câu chuyện tại đó, và nói với chúng tôi: “Đáng nhẽ phải cho anh cả đi bưng bê (vì đầy đủ chân tay), cho anh hai đi mời (vì có chân để đi, có miệng để nói), cho chú út đi hái quả (vì nó có tay, và vẫn đứng được, đi lại được bằng chân giả).
Chuyện của lớp ta cũng vậy thôi. Bạn Quân đúng là giỏi và nhiều tài, nhưng tính hay lau tau, không cẩn thận, và tự cao… cho nên phải có người giúp đỡ và đốc thúc bạn, thì mới hoàn thành được tốt nhất công việc.
Bây giờ, chuyện đã rồi, chúng ta nên bỏ qua cho nhau. Trước mắt, phải phân công việc cho mọi người, ai có tài ở mảng nào thì thực hiện ở mảng đó. Hơn ba mươi người trong lớp chúng ta, cô nghĩ, chỉ vài tiếng chiều nay, chúng ta sẽ hoàn thành báo tường”.
Mọi người nghe xong câu chuyện của cô giáo, tự dưng đua nhau nhận những phần việc của mình. Còn lớp trưởng thì đứng lên phân công cho mỗi người một mảng, hoặc một công đoạn mà mọi người đã nhận.
Buổi chiều hôm đó, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã hoàn thành báo tường. Ngay đến cả thằng Hợp – một đứa vụng về nhất lớp, tưởng chừng không phân công được vào việc gì, cũng là một chân hậu cần được việc.
Cái Hồng, thằng Vũ… chẳng bao giờ động chạm vào công việc tập thể của lớp, cũng là những tay cắt dán, tô màu có hoa tay…
Tờ báo tường của lớp tôi năm đó, đã đoạt được giải Nhất toàn trường.
Qua câu chuyện của cô giáo, tôi rút ra một điều rất thiết thực cho bản thân mình, đó là: “Sống phải biết đoàn kết, biết phân công đúng người, đúng việc”. Và câu chuyện đó, mãi là hành trang theo tôi suốt cuộc đời...