Sáng ngày 19/12 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Quản lý văn học nghệ thuật nhìn từ chính sách, tổ chức và những vấn đề thực tiễn”.
Chính sách thiếu và “vênh”
PGS.TS Phạm Quang Long cho rằng, nhìn lại lịch sử phát triển của văn nghệ từ năm 1945 đến nay, cần khẳng định thành tựu của “nền văn nghệ tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc”. Nó đã gắn bó máu thịt với mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ, tự do và hội nhập.
Nhưng vẫn giữ được bản sắc của một nền văn nghệ vì nhân dân. Đồng thời cũng không thể không nhìn thấy những khiếm khuyết của chính nền văn nghệ ấy trong tiến trình lịch sử. Trong đó có vấn đề “Quản lý văn học nghệ thuật nhìn từ chính sách, tổ chức và những vấn đề thực tiễn”.
Theo ông Long, nghiên cứu chính sách của Đảng về văn nghệ được đặt từ trong thực trạng chứ không bởi bản thân nó. Bởi đôi khi, chủ trương đúng nhưng cách thức tổ chức vì nhiều lý do có thể không đạt được những mục tiêu đã kỳ vọng, nhiều khi thấy có độ vênh lệch không nhỏ giữa chủ trương với thực tiễn.
Ông Long nhắc đến năm 1986, Đảng ta chủ trương “cởi trói cho văn nghệ”, “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thực”. “Quan điểm này đã mở ra quá trình đổi mới, phát triển cho văn nghệ, như dân chủ hơn, tự do hơn. Nhà văn đã vượt qua khỏi những “mặc cảm cấm kỵ” ở vấn đề này, vấn đề khác...
Nhưng về mặt chính sách, chưa có văn bản nào nói rõ cần cởi trói ở những khâu nào, vấn đề nào, cơ chế nào? Cần có những chính sách gì để tinh thần đổi mới này tiếp tục được thực hiện, trở thành một động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo?” - PGS.TS Phạm Quang Long đặt câu hỏi.
NSND Trần Quốc Chiêm cũng nêu ra một thực tế là việc “đặt hàng” văn nghệ sĩ sáng tác vẫn được nói đến. Song đến giờ vẫn chưa có cơ chế cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể.
NSND Hà Bắc thì nêu vấn đề, chưa thấy có chính sách định hướng nào cập nhật thời công nghệ số. Theo ông, văn nghệ sĩ cần những chính sách định hướng cụ thể sâu sát để tránh mất phương hướng. Nhà nước cần định hướng để văn hóa nghệ thuật đi đúng nhịp, “ăn” vào thời đại 4.0.
Yếu kém của nhà quản lý
PGS.TS Trần Trí Trắc cho ra đội ngũ quản lý văn hóa nghệ thuật còn nhiều yếu kém, thậm chí hạn chế sự am hiểu về văn học nghệ thuật. “Chính sách thì thiếu, nhà quản lý ít hiểu biết về văn nghệ - đấy là những tồn tại cần giải quyết.”
Cụ thể hơn, nhà văn Lê Hoài Nam cho rằng, cách quản lý văn nghệ hiện nay chưa chuyên nghiệp. Vì nhiều nhà quản lý đang làm ở lĩnh vực khác, nhiều khi không liên quan đến văn học nghệ thuật rồi chuyển sang. Thời nay không có những nhà quản lý văn nghệ là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi như Huy Cận, Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm? Nếu “thủ lĩnh” văn nghệ là người giỏi nghề và uy tín thì sẽ tham mưu những chính sách về văn nghệ một cách đầy đủ, sát thực hơn.
Bàn góp thêm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Long cho rằng, hiện nay nước ta đang thiếu hụt cán bộ quản lý văn nghệ. Người chuyên môn sâu song lại không quan tâm đến chế độ chính sách, nên khi thực hiện chế độ chính sách rất vênh.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà thơ Hữu Việt cũng nhận định: “Một độ “vênh” nữa nằm ở chỗ từ Nghị quyết của Đảng đến sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở cấp Trung ương cho tới cấp cơ sở vẫn còn do chưa nắm vững quy luật vận động và phát triển tác động vào đời sống văn học nghệ thuật thời kỳ hiện đại.
Một số người có nhiệm vụ chỉ đạo văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, còn chưa tiếp thu đầy đủ những tư tưởng mới trong nghị quyết, cho nên chỉ đạo theo kiểu cũ, làm cho người viết thấy độ tin cậy của sự chỉ đạo đó không cao. Thậm chí vẫn còn e ngại bị thổi còi”.
“Có người cho rằng, tình trạng nhạt nhòa của văn nghệ hiện nay nguyên nhân ở chỗ đặt ra cho văn nghệ quá nhiều nhiệm vụ: Phản ánh đời sống, ca ngợi những tấm gương tiêu biểu, tuyên truyền nhiệm vụ của ngành… Hiện đang tồn tại quan niệm không nên giao cho văn nghệ quá nhiều chức năng như vậy, nó chỉ là hoạt động tinh thần, mang tính giải trí.
Theo những gì tôi được biết trong hội nghị về xã hội hóa văn nghệ tổ chức năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, có đến 70% số sách ông được tặng trong một nhiệm kỳ là sách vô bổ.
Tình trạng suy tư tưởng trong văn nghệ hiện nay khá trầm trọng. Nhưng không ít người phản đối ý kiến này. Nếu văn nghệ không gắn với những vấn đề của đất nước, con người thì nó chú ý đến điều gì? Danh nhân Nguyễn Văn Siêu cho rằng, loại văn chương đáng thờ là loại văn chương cốt ở con người chứ không phải là loại cốt ở văn chương…”.
PGS.TS Phạm Quang Long