Tính toán mạo hiểm

GD&TĐ - Căng thẳng Trung Quốc – Úc đã vượt khỏi phạm vi thương mại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc đang muốn mở rộng ảnh hưởng của mình khi dùng các đòn tấn công thương mại nhằm vào Úc, nhưng đó có thể là tính toán sai lầm trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phát biểu ngày 9/12, Bộ trưởng thương mại Úc Simon Birmingham cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận thương mại với nước này bằng cách tiến hành một loạt “các biện pháp hạn chế và gây rối loạn” với hàng hóa xuất khẩu của Úc.

Ông nói rằng điều này gây lo ngại về việc Trung Quốc tuân thủ tinh thần của hiệp định thương mại song phương cũng như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. 

Nhà chức trách Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu từ nhà máy chế biến thịt đỏ thứ sáu của Úc trong tuần này, trong khi rượu vang Úc vào Trung Quốc bị áp thuế quá nặng khiến các nhà xuất khẩu rượu vang Úc đang vội vã tìm thị trường thay thế.

Cho đến giờ, rượu vang và lúa mạch Úc là hai mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, nhưng mới có lúa mạch tìm được thị trường thay thế...

Báo cáo của Úc cho rằng, năm nay nguy cơ chiến tranh thương mại và Covid-19 sẽ khién xuất khẩu nông sản của Australia thiệt hại khoảng 2,5 tỷ AUD, tương đương 2,45 tỉ USD. 

Quan hệ hai bên xấu đi từ việc Úc cấm Huawei tham gia mạng 5G của nước này hồi năm 2018. Sau đó, Úc lên tiếng ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông và khảo sát năm 2019 cho thấy mức độ người dân Úc tin tưởng Trung Quốc hành xử có trách nhiệm thấp nhất trong 15 năm qua.

Năm nay, Úc rất tích cực khi kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19. Tất cả những vấn đề này Úc đều có chung quan điểm với Mỹ. 

Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một cuộc chơi chính trị trong đó Trung Quốc muốn giảm bớt ảnh hưởng của Úc trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng của mình.

Theo nghiên cứu của Viện Lowy công bố tháng 10/2020, Trung Quốc là quốc gia có sức ảnh hưởng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Mỹ, còn Australia xếp thứ 6. Xếp hạng này dựa trên đánh giá ở 8 lĩnh vực, trong đó có văn hóa, ngoại giao, khả năng quân sự và kinh tế. 

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt hơn, Úc, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đã trở nên mạnh mẽ hơn trong quan hệ với Trung Quốc với hàng loạt chỉ trích nhằm vào Trung Quốc như đã nói ở trên, điều đó khiến Trung Quốc lo ngại.

Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu trường an ninh quốc gia Đại học Quốc gia Australia nói rằng, Trung Quốc đang “biến hàng hóa kinh tế thành cái cớ để chèn ép”.

Theo ông, khác biệt giữa hai nước chủ yếu là về cấu trúc và được thúc đẩy bởi những thay đổi sâu sắc ở Trung Quốc thập kỷ qua, vì thế căng thẳng song phương nhằm kiềm chế quyền lực đối phương trong khu vực là điều không sớm thì muộn cũng sẽ sớm xảy ra. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, các phản ứng từ Trung Quốc có thể khiến ảnh hưởng của họ giảm sút, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nhiều quốc gia muốn chuyển dịch chuỗi cung ứng bớt khỏi Trung Quốc, vì thế nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, điều đó có thể ảnh hưởng tiếp tục đến lòng tin với nước này và khiến các nhà đầu tư e ngại trong việc làm ăn lâu dài với Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.