Tỉnh Tiền Giang hỗ trợ kinh phí để Sở GD&ĐT giải quyết vấn đề bạo lực học đường

GD&TĐ - UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống bạo lực học đường trong trường học trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Lê Văn Hưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Lê Văn Hưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị có sự tham gia hơn 80 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh; lãnh đạo, các phòng ban của Sở GD&ĐT, lãnh đạo 11 Phòng GD&ĐT và 38 trường THPT địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 569 cơ sở giáo dục, với hơn 344 ngàn học sinh. Những năm gần đây, tình hình bạo lực học đường (BLHĐ) ở trường học đã được kiềm chế, kiểm soát. Tuy nhiên theo số liệu của Công an Tiền Giang, từ năm 2011 đến năm 2017 các trường học trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 301 vụ.

BLHĐ xảy ra hầu hết cấp học, trong đó bậc Trung học cơ sở chiếm tỉ lệ cao nhất: 152/301 vụ (50,5%);  Trung học phổ thông 133/301 vụ (44,19%), Giáo dục thường xuyên 15/301 vụ (4,98%); ít nhất là bậc Tiểu học 1/301 vụ (0,33%).

Đến nay, tình trạng BLHĐ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nỗi lo âu, bức xúc, trăn trở tạm lắng xuống sau một sự việc cụ thể rồi lại bùng lên khi xuất hiện hành vi bạo lực mới.

Tình hình bạo lực xảy ra có nhiều nguyên nhân: sự phát triển tâm lý lứa tuổi, học sinh chưa được trang bị và rèn kỹ năng sống, sự thờ, phó mặc cho nhà trường của cha mẹ, tác động tiêu cực của phương tiện giải trí hiện đại: game, trang web nội dung bạo lực, hệ thống pháp luật về BLHĐ chưa hoàn thiện… Thực trạng cho thấy chương trình giáo dục hiện nay còn quá tải, thầy cô lo dạy chữ cho kịp chương trình nên chưa quan tâm đến tâm tư của học sinh…

Quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT về phòng chống BLHĐ, Sở GD&ĐT Tiền Giang phối hợp với Công an tỉnh, xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch: Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục (Kế hoạch 163/KHLT-SGD-CAT), ban hành nhiều công văn tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên (CV 1640/UBND-VHXH-2015), kiểm tra chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo…

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Hồng Oanh, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, phát huy vai trò của HS trong việc ngăn chặn, tố giác các hành vi bạo lực; tổ chức lồng ghép giáo dục, phòng chống BLHĐ trong buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa… Thực hiện có hiệu quả các phong trào: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”…

Sở GD&ĐT Tiền Giang đã tập huấn 105 cán bộ, giáo viên trong những năm qua làm công tác tư vấn tâm lý học đường đã từng bước phát huy hiệu quả…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UNBD tỉnh - Lê Văn Hưởng yêu cầu giải quyết tình trạng BLHĐ phải lấy giáo dục là chính yếu. Cần đẩy mạnh việc phối hợp 3 yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường chú ý xây dựng môi trường học, đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn;  thầy cô giáo cần tham khảo, tìm hiểu cách giải quyết một số trường hợp; UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để Sở GD&ĐT giải quyết vấn đề BLHĐ, bồi dưỡng giáo viên tham vấn học đường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.