(GD&TĐ)-Bao dung, nhẫn nại và thực sự yêu trẻ, yêu nghề, phải gồm từng ấy đức tính mới giúp các cô giáo bám trụ với công việc dạy trẻ khuyết tật đầy vất vả. Nếu chỉ nghe kể mà không tận mắt chứng kiến các cô dạy học sẽ không hình dung nổi điều đó, cũng như không thể thực sự thấm thía bốn chữ: Tình thương – Trách nhiệm.
Lớp trẻ khiếm thính do cô Đặng Thị Mười làm chủ nhiệm. Ảnh: gdtd.vn |
Cô là mẹ
Một buổi dạy của cô giáo An Thị Mùi – lớp dự bị 1 – trường tiểu học khuyết tật thị trấn Văn Điển (Hà Nội) thật đặc biệt. Một lớp có 8 cháu, hoàn toàn là các cháu bị tự kỷ nặng, tuổi từ 7 đến 13. Chỉ 8 cháu thôi mà lúc nào cô cũng chạy như con thoi. Chỗ này có học sinh cần bón cơm, chỗ kia cần bút, vở... Có em đang học bỗng ngồi bật dậy, dắt tay cô giáo chỉ lên tủ đựng ba lô đòi uống sữa, khuyên bảo thế nào cũng không nghe. Có khi, đang dạy, một học sinh “tè” dầm ngay trên lớp, cô lại phải làm nhiệm vụ của một bảo mẫu, thay giặt, lau rửa.
“Tốt nghiệp sư phạm khoa tiểu học, mình vào dạy tại trường được 4 năm. Vất vả, nhưng thực sự mình đã quen với công việc này rồi. Nhìn các cháu thấy thương lắm, bỏ không lỡ. Mỗi cháu vào đây là một hoàn cảnh, rất đáng thương, nếu không thực sự có tình thương với các cháu không thể dạy được ở môi trường này. Cháu Ngô Đức Trí, 7 tuổi, năm ngoái khi mới vào khóc 2-3 tháng liền, không thể dỗ được, bây giờ thì đã quen với cô, đỡ hơn nhiều rồi. Có cháu không thể tự ăn cơm, cô phải giúp. Có cháu thường xuyên đi “nhẹ”, đi “nặng” ra lớp, dọn dẹp vất vả vô cùng. Nhưng vất vả không sợ, sợ nhất là các cháu đều rất nghịch, lại không biết thế nào là nguy hiểm, chỉ cần sơ sểnh là có thể bị thương. Các cháu trong lớp này bị nặng nên hầu như không dạy chữ được, chủ yếu là rèn cho các cháu các kỹ năng sống cơ bản, tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo...” – cô Mùi tâm sự.
Lớp trẻ khiếm thính (Trường tiểu học khuyết tật thị trấn Văn Điển) của do cô Đặng Thị Mười làm chủ nhiệm chỉ có 10 cháu, cháu lớn nhất trên 10 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 4 tuổi; có cháu đã được học tại trường 3 năm, nhưng cũng có cháu mới vào làm quen với lớp không được bao lâu; có cháu vẫn có khả năng nghe, dù rất kém, nhưng cũng có cháu hoàn toàn không nghe được gì.
Cô Mười tâm sự, với một lớp học đặc biệt như thế, không một tài liệu, giáo trình nào trong nhà trường dạy cả, người giáo viên phải tự làm quen, tự mày mò, rút kinh nghiệm để có phương pháp dạy học các em tốt nhất. Có khi cả buổi dạy, chỉ cần học sinh của mình phát âm được một từ cũng đã là thành công. Có những lần, theo chương trình là tiết học tiếng Việt nhưng học sinh không muốn học, nhất quyết ra ký hiệu bắt cô phải dạy Toán. Rồi cứ trái gió trở trời, các em lại đau ốm, đang học cũng đòi nằm... Vô vàn những tình huống chỉ có ở những trường dạy trẻ khuyết tật mới có.
“Em học sinh nhỏ nhất trong lớp tôi mới hơn 4 tuổi. Hoàn cảnh của em cũng đáng thương, câm điếc bẩm sinh, vừa sinh ra đã không có một bàn tay. Thời gian đầu đến lớp em không chịu hợp tác vì để học một từ, các em không chỉ tập phát âm mà còn phải dùng tay để làm ký hiệu. Mỗi khi được cô gọi, em đều dấu tay đi, mắt ngân ngấn nước. Nhìn cảnh ấy, mình cũng không ngăn được nước mắt” – cô Mười kể lại.
32 năm trong nghề, theo cô Đặng Thị Xuân Dung, hai chữ lúc nào cũng phải đinh ninh đối với các cô theo nghề dạy trẻ tật là tình thương và trách nhiệm, có thế mới trụ lại được với nghề. Các cháu không giao tiếp được, không hợp tác với các cô nên từ chuyện đơn giản nhất như vệ sinh, ăn uống đều phải thực hiện như một cô giáo mầm non, vừa dạy, vừa làm bảo mẫu, thậm chí còn vất vả hơn nhiều. Chuyện cô bị trò đánh, cào, cấu là thường, và lúc đó chỉ thấy thương các em chứ không thấy giận. Tuy nhiên, áp lực là không tránh khỏi. Chính vì vậy, trong giờ giải lao, chúng tôi thường ngồi cùng nhau, kể những câu chuyện vui để cân bằng lại...
“Ở đây thiếu giáo viên lắm, có khi ghép đến 3 trình độ vì không có giáo viên. Lớp khiếm thính cũng vậy, em mới vào có khi phải học ghép với em đã học 3 năm rồi. Chính vì vậy, khi dạy, giáo viên phải chú ý đến từng đối tượng. Làm sao cho các em đọc được, viết được đã là lý tưởng rồi. Có khi hôm nay các em tiếp thu bài khá tốt nhưng ngày mai lại quên hết nên dạy phải lặp đi lặp lại mãi. Điều này đòi hỏi giáo viên phải rất kiên nhẫn” – cô Dung chia sẻ.
Để trẻ phát được một âm, đối với giáo viên dạy trẻ tật đã là một thành công. Ảnh: gdtd.vn |
Nỗi niềm trăn trở
Cuộc sống của các cô giáo ở Trường tiểu học khuyết tật thị trấn Văn Điển còn nhiều khó khăn. Có cô sau giờ dạy học ở trên trường lại phải tất bật đi dạy gia sư thêm thu nhập; có cô tăng gia sản xuất, trồng rau cải thiện thêm đời sống... Nhưng, khi được hỏi về những tâm tư của mình, những khó khăn, vất vả đó hầu như không được các cô ưu tiên nhắc đến mà hầu hết những trăn trở đều hướng về học sinh.
Cứ nhắc đến những học sinh của mình, giọng cô An Thị Mùi lại trùng xuống. Với cô, các em còn quá nhiều thiệt thòi. Sinh ra đã không được như những đứa trẻ bình thường khác, hầu hết học sinh của cô hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn, nhận thức của cha mẹ các em còn hạn chế. “Tôi nhớ mãi một lần, giữa buổi trưa, một học sinh bị sốt cao. Gọi điện về cho bố mẹ em đến đón con để tiện chăm sóc, họ không những không đến mà còn nói là cháu giả vờ. Thực tế, ở trường này, không phải không có phụ huynh quan tâm đến con, nhưng đáng buồn là có không ít gia đình quan tâm đến con cái không được tốt. Không biết có phải do họ quan niệm rằng, các em đã bị như thế này rồi, quan tâm cũng chẳng ích gì” – cô Mùi trăn trở.
Cũng nỗi niềm ấy, cô Đặng Thị Mười cho biết, nhiều khi muốn phụ huynh vào lớp đón con để tiện trao đổi việc học hành, chăm sóc các cháu nhưng các ông bố, bà mẹ chỉ đứng ngoài cổng trường vẫy con ra. Có những lần, sau đợt tập huấn, yêu cầu của chương trình cần có cả sự phối hợp của cha mẹ, nhưng khi mời phụ huynh đến họp, lớp đông nhất cũng chỉ đến được một nửa. Không ít gia đình bỏ lửng con, chỉ biết đưa con đến lớp rồi phó mặc cho nhà trường, cô giáo. Thậm chí, có gia đình khi mang con đến chỉ hỏi con họ được hưởng những quyền lợi gì mà không quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ của mình như thế nào. Nhưng, cũng chính vì thế mà chúng tôi thấy thương các em, thấy mình có trách nhiệm với các em hơn.
Hiếu Nguyễn