Giữ học trò ở lại đảo ôn thi

GD&TĐ - Cái khó nhất trong tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia ở Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi), theo thầy Lư Quốc Trung – Phó Hiệu trưởng nhà trường, là vận động HS không vào đất liền ôn tập ngay sau khi kết thúc chương trình học.   

Giữ học trò ở lại đảo ôn thi

“Chúng tôi đồng thời tuyên truyền cho cả phụ huynh và HS nên tham gia ôn tập tại trường, vì GV biết rõ lực học của từng HS, lớp ôn tập không quá đông nên có điều kiện dạy học bám sát, vừa không phải thuê nhà trọ, phụ huynh có thể hỗ trợ con trong suốt quá trình ôn tập”, thầy Lư Quốc Trung nói.

Học sinh được lựa chọn giáo viên dạy ôn

Với chủ trương “học tới đâu, ôn thi tới đó” ngay từ đầu năm học, Trường THPT Lý Sơn đã tăng 6 tiết ôn tập và được bố trí trong thời khóa biểu chính khóa cho 3 môn Toán - Ngữ văn và Anh văn.

“Cách đây 3 năm, chúng tôi tổ chức các tiết ôn tập trái buổi, thì HS tham gia rất ít nên nhà trường rút kinh nghiệm, sắp xếp vào buổi học chính khóa. Việc điều chỉnh này có hiệu quả rõ rệt, HS tham gia đầy đủ và ý thức học tập cũng khác hẳn, kết quả thi THPT quốc gia của trường đứng thứ 10/38 trường THPT của toàn tỉnh”, thầy Trung nhận xét.

"Khi HS được học đúng thầy cô giáo mà các em yêu thích thì tâm thế, ý thức học tập rất tốt, giáo viên vì thế cũng nhàn trong quản lý lớp học, chỉ tập trung vào giảng dạy. Đây là một cách nhắc nhở đến giáo viên về phương pháp truyền tải kiến thức cũng như khả năng quản lý lớp học" - Thầy Lư Quốc Trung.

Qua học kỳ 2, nhà trường phát phiếu thăm dò cho HS đăng ký chọn tổ hợp môn của bài thi tự chọn để xếp lớp ôn tập. “Dựa trên phiếu đăng ký, nhà trường tổ chức cho HS lựa chọn giáo viên để theo lớp ôn tập”.

Theo thầy Trung “khi HS được học đúng thầy cô giáo mà các em yêu thích thì tâm thế, ý thức học tập rất tốt, giáo viên vì thế cũng nhàn trong quản lý lớp học, chỉ tập trung vào giảng dạy. Đây là một cách nhắc nhở đến giáo viên về phương pháp truyền tải kiến thức cũng như khả năng quản lý lớp học”.

Và thực tế, qua “phân tích số liệu HS đăng ký theo học của mỗi giáo viên cũng gần như trùng với đánh giá năng lực sư phạm của BGH”. Thế nên, ở Trường THPT Lý Sơn vẫn có những giáo viên không tham gia dạy lớp 12 nhưng vẫn được HS đăng ký học ôn.

Vì HS được lựa chọn GV và các lớp ôn tập được sắp xếp theo hướng phân hóa trình độ nên buộc Ban Giám hiệu Trường THPT Lý Sơn bố trí vào trái buổi.

“Với những HS yếu, GV sẽ tập trung ôn tập nhiều hơn theo hướng giúp cho các em nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Ban Giám hiệu trao quyền chủ động hoàn toàn cho GV trong việc phân chia HS theo các lớp ôn tập. Dựa trên những thông tin này, nhà trường sẽ lên thời khóa biểu để bảo đảm cho HS không bị trùng tiết học” - thầy Trung cho biết.

Để tránh căng thẳng cho HS khi vừa theo học chính khóa vừa theo lớp ôn tập, HS khối 12 của Trường THPT Lý Sơn chỉ học 4 tiết chính khóa vào buổi sáng, thời gian học ôn tiết 1 bắt đầu từ 2 giờ chiều và mỗi buổi chỉ học tối đa 2 môn, mỗi môn 2 tiết.

Cô Nguyễn Thị Chung, GV dạy môn Hóa học, Trường THPT Lý Sơn đang dạy 4 lớp ôn tập nói: “Nhóm nhiều nhất là 21 HS, nhóm ít nhất là 7 em. Giáo án ôn tập của mỗi nhóm hoàn toàn khác nhau dựa theo trình độ, khả năng tiếp nhận của HS.

Như nhóm HS có học lực trung bình thì nội dung ôn tập sẽ thiên về lý thuyết nhiều hơn, hạn chế những bài tập quá khó; đối với nhóm HS có học lực khá - giỏi, GV phải tăng cường những chuyên đề khó, những bài tập nâng cao để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển ĐH của HS”.

Dạy - học theo nhóm đối tượng, theo cô Chung, giáo viên chỉ vất vả trong việc sắp xếp thời gian nhưng bù lại, HS tiếp thu rất hiệu quả, không có em nào bị “bỏ rơi”, kết quả thi cũng được cải thiện rõ rệt nên “GV cảm thấy công sức của mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng”.

Củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng

Đổi mới trong phương pháp kiểm tra, đánh giá, Trường THPT Lý Sơn đã thực hiện tổ chức kiểm tra một tiết các môn học theo đề chung cho toàn khối.

“Chính việc tổ chức thi, kiểm tra chung, đánh giá đúng thực chất đã tạo động lực cho GV trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tiến tới nâng cao chất lượng giáo dục. Việc làm này cũng đã góp phần hạn chế hiện tượng GV “ép cua” để dạy thêm, dạy kèm” - thầy Trung cho biết.

Theo thầy Lư Quốc Trung, việc tổ chức kiểm tra theo đề chung được tiến hành nghiêm túc, ngồi theo phòng thi gần như thi tốt nghiệp và cũng chấm điểm theo phòng thi.

“Chính việc tổ chức thi, kiểm tra chung, đánh giá đúng thực chất đã tạo động lực cho GV trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tiến tới nâng cao chất lượng giáo dục. Việc làm này cũng đã góp phần hạn chế hiện tượng GV “ép cua” để dạy thêm, dạy kèm” - thầy Trung cho biết.

Một điểm mới nữa là GV có thể miễn kiểm tra một tiết đối với những HS có quá trình học tập tốt, thể hiện ở các bài tập nhóm, bài tập lớn hoặc quá trình tham gia xây dựng bài trên lớp. Chính việc đánh giá dựa trên sự phát triển của HS đã có ý nghĩa động viên khuyến khích HS nỗ lực học tập rất lớn trong quá trình học tập.

Thành thông lệ, khoảng 3 năm nay, trước khi HS chính thức tham dự Kỳ thi THPT quốc gia, Trường THPT Lý Sơn tổ chức 2 đợt thi thử theo đúng cách THPT quốc gia.

“Ngoài cho HS làm quen với tâm lý thi cử, các kỹ năng phân tích đề, kỹ thuật làm bài thi… kết quả bài thi cũng là căn cứ để BGH nhà trường cùng tổ bộ môn và GV điều chỉnh phương pháp, cách thức ôn tập cũng như định hướng lại nội dung ôn tập trong thời gian còn lại trước kỳ thi” - thầy Trung trao đổi.

Từ đề xuất của GV bộ môn, Trường THPT Lý Sơn đã tổ chức thêm chuyên đề hướng dẫn cho HS sử dụng máy tính cầm tay để thi trắc nghiệm môn Toán.

“Qua phân tích kết quả thi môn Toán cho thấy kết quả thi của HS có cải thiện rõ rệt” - thầy Trung chia sẻ.

Ngoài phân tích trình độ của HS để đưa ra phương pháp, chương trình ôn tập phù hợp, BGH Trường THPT Lý Sơn cũng chủ trương trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình trong các tiết củng cố kiến thức, GV cần tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: Nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông...

Những nỗ lực của tập thể Trường THPT Lý Sơn đã được đền đáp xứng đáng khi khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng HS xin nghỉ sớm để vào đất liền ôn tập giảm một cách đáng kể.

“Chúng tôi cũng phân tích cho phụ huynh thấy chỉ trong một thời gian rất ngắn, việc HS thích nghi với điều kiện học tập, môi trường mới là không dễ dàng, chưa kể là sống xa gia đình, lại phải ở trọ, nếu HS không làm chủ được thời gian học tập thì kết quả sẽ không cao. Trong khi đó, GV ở trường đã nắm rõ lực học của từng HS một nên sẽ có nội dung và phương pháp ôn tập phù hợp cho các em” - thầy Trung nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ