Những bữa cơm trưa níu giữ học trò

Những bữa cơm trưa níu giữ học trò

(GD&TĐ) - Nhiều năm nay, vào 15 phút đầu mỗi buổi học ở Trường Tiểu học Tiền Phong 2 (huyện Quế Phong, Nghệ An) là câu hỏi ân cần của giáo viên chủ nhiệm: “Sáng nay, ai chưa ăn sáng?”. Có những cánh tay giơ lên. Cô giáo dặn lớp trưởng tự quản lớp, còn cô tất tả ra ngay quán tạp hóa gần trường lấy mỳ gói, rồi lại chạy xuống nhà bếp nấu mỳ cho học trò.

H
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga (ngồi) và cô giáo Trương Thị Tâm thăm nhà em Lô Văn Hải (lớp 5) và Lô Văn Đông (lớp 3)

Nhìn những đứa trẻ ăn ngon lành hết những sợi mỳ cuối cùng cô giáo thương trò đến rơi nước mắt. “15 phút đầu giờ thay vì kiểm tra sỹ số, thay vì hát múa tập thể là bữa ăn sáng. Học trò ở đây có hoàn cảnh đặc biệt lắm: mồ côi, bố mẹ bị đi tù, nghiện ngập, sống bơ vơ, không nơi nương tựa. Sáng sớm cắp sách đến trường mà bụng đói meo, nhiều em học đến tiết ba, tiết bốn thì lả đi vì đói. Thương trò, các cô tự bỏ tiền túi ra, ký gửi mỳ tôm ngoài quán, lo bữa sáng cho trò” - Cô Thu, chủ nhiệm lớp 3A cho biết.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga, tuy là xã thuộc vùng trung tâm của huyện, nhưng không ít gia đình học sinh cực kỳ khó khăn. Một số người dân vì nghèo, làm liều tham gia buôn bán ma túy rồi bị bắt, bị tù; một số gia đình thì vợ chồng ly hôn, bỏ đi làm ăn xa không có tin tức, để lại 2 - 3 đứa con đang trong độ tuổi học tiểu học phải tự nuôi nhau. Năm nào nhà trường cũng phải cưu mang trên 10 em gặp hoàn cảnh này từ chính những đồng lương do từng giáo viên góp lại để các không phải bỏ học.

Có nhiều học sinh, để đến trường phải trèo đèo, lội suối vượt quãng đường xa 3 km. Sức vóc nhỏ bé, lại phải nhịn đói đến trường nên nhiều em nản lòng, muốn bỏ học giữa chừng. Đỉnh điểm là năm học 2009 - 2010, gần 20 học sinh trong trường đứng trước nguy cơ bỏ học, nguyên nhân chỉ vì nghèo đói.

Lúc đó, cô Nga đã dành hẳn cả một tháng lương của mình mua gạo, mua mắm muối; đưa nồi niêu, xoong chảo, bát đũa của nhà mình xuống trường tổ chức nấu cho học sinh ăn trưa. Những bữa ăn “bán trú cô nuôi” đó đã giữ chân học sinh ở lại với trường, tiếp tục hành trình tìm con chữ đầy gian nan.

Cũng từ đó, làm theo Hiệu trưởng, mỗi giáo viên trong trường, cứ nhận lương là tình nguyện trích lại một phần để lo bữa trưa cho các em. Chi bộ nhà trường thì đứng ra quyên góp tiền từ đảng viên rồi mua chăn màn, chiếu để các em nghỉ trưa tại trường. Không những thế, giáo viên nào cũng còn tự mình lập quỹ riêng (từ tiền túi của chính mình) để mua mỳ tôm, mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo.

Năm học này, Trường Tiểu học Tiền Phong 2 có 11 lớp với 218 học sinh thì có đến 2/3 em thuộc diện hộ nghèo, trong đó có gần 60 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngày tựu trường đầu tiên, 14 em đã vắng mặt, riêng lớp 5B đã có tới 5 em trong số 21 học sinh.

Theo báo cáo của các giáo viên chủ nhiệm, tất cả 14 em chưa đến trường đều quá khó khăn về đời sống. Thế là ngay chiều hôm đó, từ Hiệu trưởng đến giáo viên, tất cả cùng chung tay, người thì vài ba yến gạo, người thùng mỳ tôm, người thì sách vở, đồ dùng học tập, quần áo tiếp sức cho các em đến trường. Chỉ sang ngày hôm sau, cả 14 em đều có mặt.

Chúng tôi có mặt tại trường vào chiều 15/8, đúng lúc các em đang tập nghi thức và múa hát tập thể. Nhìn vào hơn 200 học sinh, lúc này thấy em nào cũng như em nào, không thể phân biệt được đâu là học sinh quá nghèo, quá khó khăn đến mức phải “bán trú cô nuôi”, nếu như không có cô giáo Trịnh Thị Tâm chỉ cho.

Dạy học ở vùng đặc thù, đặc biệt khó khăn, bên cạnh năng lực chuyên môn, điều quan trọng hơn là cái tâm, là tấm lòng, là tình yêu thương của thầy cô giáo đối với học sinh. Để các em không “đói chữ”, trước hết thầy cô giáo phải lo cho các em “no lòng”. Những bữa cơm “bán trú cô nuôi” của các cô ở Trường Tiểu học Tiền Phong 2 đã tiếp thêm động lực để học sinh nghèo bám lớp, bớt đi bao nỗi nhọc nhằn trên hành trang vào đời của các em.

Minh Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.